 |
Phó
Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc
biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. |
Tới dự buổi Lễ có UV Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang
Nghị, UVTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, bà Katherine
Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, đại sứ,
tham tán các nước, các tổ chức quốc tế và nhiều nhà khoa học, nghiên cứu
lịch sử...
Trải qua gần 1000 năm lịch sử, với biết bao trí tuệ, công sức, đóng góp
của các bậc tiền nhân qua nhiều đời, nhiều thế hệ đã góp phần sáng tạo,
hun đúc, bảo tồn và lưu truyền lại cho chúng ta ngày hôm nay một Di sản
văn hóa vô giá có một không hai của đất nước Việt Nam. Khi đến với Văn
Miếu – Quốc Tử Giám: Nhà sử học có thể tìm thấy những tư liệu về lịch sử
nền giáo dục Việt Nam, về những tên tuổi gắn bó với lịch sử dân tộc,
quê quán, danh tính những bậc hiền nhân, hiền tài. Nhà địa lý có thể tra
cứu những địa danh cũ để tìm ra những vùng đất cổ liên quan đến thời
hiện tại; nhà nghiên cứu triết học có thể tìm ở đây những chứng cứ để
xác định vai trò của Nho giáo ở Việt Nam; những người Việt Nam khác khi
tới đây có thể tìm thấy tên họ một vị tổ có tên trong khoa bảng, thuộc
dòng họ nhà mình; nhà nghiên cứu mỹ thuật và các nghệ sỹ tạo hình có thể
từ những hình dáng bia, rùa, hoa văn và các kiểu cách chạm khắc trên
bia mà phát hiện ra tinh hoa của nghệ thuật dân tộc để phát huy, áp dụng
vào những sáng tạo hiện đại...
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về bia tiến sỹ, song việc khai thác tư
liệu từ các pho “sử đá” này vẫn còn tiếp tục. Các nhà khoa học đều
thống nhất cho rằng bia tiến sỹ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có nhiều giá
trị độc đáo và hiếm có về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật chế tác… không
chỉ với Việt Nam mà cả thế giới.
Thành phố Hà Nội trong những năm qua đã đóng góp nhiều công sức và trí
tuệ trong việc bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị của Di tích đặc
biệt quan trọng này. Từ năm 1988, Hà Nội đã thành lâp Trung tâm hoạt
động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Với tư cách là một tổ
chức văn hóa giáo dục trong suốt 25 năm qua, Trung tâm đã có những đóng
góp đáng kể vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích Văn Miếu –
Quốc Tử Giám.
 |
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Lễ trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Phát biểu tại trong Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt
Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Bằng công nhận 82 tấm bia Tiến sỹ tại Văn Miếu
- Quốc Tử Giám là Di sản Tư liệu Thế giới, Phó Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng nhân dân Thủ đô Hà Nội, và khẳng định, việc
Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã được bảo vệ ở tầm quốc gia và quốc tế là một
vinh dự vô cùng to lớn của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân
cả nước nói chung.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục là một trong những trụ cột quan trọng
của mỗi quốc gia. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng trường tồn, vĩnh
cửu của tinh hoa văn hóa, giáo dục Việt Nam.
Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 tấm bia Tiến sỹ
tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được vinh danh là vinh dự và trách nhiệm của
nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Phó Thủ
tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo Thủ đô, ngành văn hóa, giáo
dục Thủ đô, mỗi gia đình và người dân Thủ đô sẽ có sáng kiến và cách làm
riêng của mình để con cháu Thủ đô và thanh niên Việt Nam nói chung hiểu
sâu sắc hơn, tự hào hơn về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, về truyền thống
hiếu học để giữ nước và phát triển đất nước, phát triển quê hương và mỗi
gia đình.
 |
TS.
Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam
trao Bằng công nhận 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản
Tư liệu Thế giới cho TP Hà Nội. |
Phát biểu tại lễ trao bằng Di sản ký ức thế giới cho Văn Miếu – Quốc Tử
Giám, bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại
Việt Nam khẳng định, với việc công nhận các hồ sơ bia đá của Việt Nam là
Di sản Ký ức Thế giới, UNESCO cũng đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam
trong việc bảo tồn và phát huy di sản, đồng thời giúp quảng bá rộng rãi
các di sản này với cộng đồng quốc tế. Sự ghi nhận này cũng giúp nâng cao
nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản. Các hồ sơ bia
đá của Việt Nam giờ đây đã giúp làm phong phú thêm cho Danh sách Di sản
Ký ức Thế giới.