“Người Pháp trầm lặng” và Việt Nam
Câu chuyện về
bác sĩ kiêm nhà vi khuẩn học Alexandre Yersin, cống hiến của ông với y
học cùng sự gắn bó kỳ lạ với đất nước Việt Nam xa xôi được kể lại qua
cuốn tiểu thuyết tiểu sử Peste & Choléra của nhà văn Pháp Patrick Deville. NXB Trẻ đã mua bản quyền cuốn sách này, dự định sẽ xuất bản trong năm nay với tên Yersin, Dịch hạch & Dịch tả. Bản tiếng Việt do dịch giả Đặng Thế Linh (đang ở Pháp) dịch, với Hồ Thanh Vân hiệu đính.
Đầu
tuần này, nhà văn Patrick Deville, người chuyên viết sách du ký về các
nhân vật lớn của những năm 1860 (Yersin sinh năm 1863), đã đến Hà Nội và
giao lưu với công chúng về cuốn sách ở Trung tâm Văn hóa Pháp.
Cuốn Yersin, Dịch hạch & Dịch tả
mở đầu bằng cảnh ông già Yersin vào lúc gần cuối đời, lên chuyến bay
rời Paris để “về” Nha Trang, Việt Nam năm 1940, khi ông 77 tuổi. Kể từ
đó ông không bao giờ trở lại nước Pháp nữa. Từ đó, cuốn sách lần ngược
trở lại quãng đời của chàng sinh viên Alexandre Yersin và sau này khi
ông trở thành bác sĩ.
Nhà bách khoa tránh xa danh tiếng
Cuốn
sách của Deville đã đoạt giải Femina của Pháp năm 2012 và vào chung
khảo giải Goncourt. Nhờ thành công này, nhà văn khẳng định, tên tuổi của
nhà khoa học “từng bị lãng quên ở nước Pháp” sẽ lại được nhớ đến.
Deville đã nghiên cứu nhiều tài liệu, thư từ của Yersin để tạo nên câu
chuyện chân thực mà ông kể trong sách.
Từ
trái sang: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Patrick Deville giao
lưu với độc giả ở Hà Nội. Sự kiện thu hút nhiều công chúng người Pháp
hơn là Việt Nam |
“Yersin
nổi tiếng ở Việt Nam hơn là ở Pháp hay Thụy Sĩ” - nhà văn Deville nói
trong buổi giao lưu, mặc dù một độc giả không đồng ý với điều này, cho
rằng Yersin chỉ nổi tiếng trong giới y học mà thôi. “Nhưng với cuốn tiểu
thuyết của tôi thì người ta sẽ biết đến ông nhiều hơn”.
Sự
tự tin của nhà văn là có lý. Giới thiệu cuốn sách này, nhà phê bình
Phạm Xuân Nguyên nói với báo chí: “Tôi nghĩ không chỉ các thầy thuốc mới
cần tìm đọc cuốn sách này mà mọi người Việt Nam cũng nên tìm đọc. Nhiều
người trong chúng ta hàng ngày đi qua phố Yersin ở Hà Nội mà không biết
ông là ai. Giới trẻ có thể học ở ông tinh thần bách khoa, tính hướng
thiện và sống vì con người. Yersin đã từ chối Paris, kinh đô ánh sáng,
do bản tính xa lánh phù hoa, xa lánh cả tình yêu và thậm chí là theo
phái khổ hạnh”.
Từ
Paris, năm 1891, Yersin đến Nha Trang khi nơi đây còn là một làng chài
ven biển. Một cuộc “ở ẩn” thực sự. Ở đó, ông nuôi bò, trồng cây cao su,
phong lan, ký ninh…, kiếm được rất nhiều tiền nhưng dành hết cho nghiên
cứu khoa học và Viện Pasteur. Ông có xu hướng đi về những nơi hẻo lánh
và sơ khai. Sau này, chính một Nha Trang đang phát triển cũng có lúc trở
nên quá ồn ào đối với sở thích trầm lắng của ông.
Danh
tiếng và giải thưởng với ông không phải là những thứ quan trọng. Thậm
chí, khi tìm ra cách chữa bệnh dịch hạch (cống hiến quan trọng nhất đời
ông), Yersin còn lấy tên người thầy là vị bác sĩ lừng danh Louis Pasteur
để đặt cho loài vi khuẩn dịch hạch (Pasteurella). Về sau, để ghi nhớ
công lao của ông, tên loài vi khuẩn này đã được đổi lại theo tên Yersin,
là Yersinia.
Tình yêu: Mãi mãi là điều bí ẩn
Sinh thời, Yersin đã không lấy vợ sinh con mà (có lẽ) cống hiến toàn bộ cuộc đời cho khoa học.
Có
tin đồn ông có con ở Việt Nam, nhà văn Deville nói là “có con là người
bản xứ”, và Việt Nam chính là xứ sở mà Yersin gắn bó phần lớn cuộc đời
mình, hơn hẳn những “xứ” khác mà ông từng đặt chân đến như Trung Quốc,
Ấn Độ… Nhưng tin đồn đó, cũng như nhiều tin đồn khác về đời sống tình
cảm của Yersin, chưa và có lẽ không bao giờ được xác nhận.
Với
người nghiên cứu kỹ càng và khoa học về Yersin như Deville mà câu hỏi
này còn khó trả lời, thì ít có khả năng một ai đó vô tình sẽ phát hiện
ra những thông tin rõ ràng hơn về đời tư của nhân vật bí ẩn này.
Yersin
có mối quan hệ tình cảm nào hay không, Deville đã không tìm ra thông
tin này trong mọi thư từ, tài liệu mà ông đọc. Chỉ có một bức thư đề cập
gián tiếp đến đời sống tình cảm của Yersin, nhưng không nói về một mối
tình, mà chỉ cho biết ông rủ một người bạn tham gia cuộc gặp gỡ của hội
độc thân.
(Theo Thethaovanhoa.vn)