PGS, TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, khu vực
mở hố khai quật ở nút giao thông Cầu Giấy có diện tích 200m2, nằm trong
phạm vi bãi đỗ xe đầu đường Bưởi, đối diện với Công viên Thủ Lệ, thuộc
địa bàn phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Đợt khai quật đã xác định hố
đào nằm ở mặt phía ngoài của tường thành. Địa tầng trong hố dày 8,5m,
được cấu tạo bởi 11 lớp đất đắp khác nhau.
 |
Diễn biến địa tầng La Thành Thăng Long ở nút giao thông Cầu Giấy. Ảnh: Vũ Hoa |
Lớp thứ nhất lẫn nhiều vật liệu xây dựng, rác sinh hoạt được đổ để san
lấp mặt bằng bãi đỗ xe đê Bưởi năm 2005. Lớp này dày 120cm ở vách đông
(trên thân đê) và dày trên 300cm ở vách tây (tiến ra sông Tô Lịch). Lớp
thứ hai dày 50cm, là lớp đất phù sa màu nâu sẫm, khá thuần và tơi xốp.
Lớp 3 dày 25cm-40cm. Ở phía đỉnh đê, đất màu xám vàng lẫn nhiều dăm đá
vôi nhỏ, vỏ nhuyễn thể nát và vụn nhựa đường, khả năng hình thành từ khi
người Pháp làm đường giao thông ở đây. Lớp 4 dày 40cm-60cm, đất thịt
pha sét màu nâu sáng, trong có lẫn ít hiện vật gạch ngói và sành sứ thời
Lê và Nguyễn, đôi khi cũng thấy gạch ngói hiện đại. Lớp 5 dày
50cm-60cm, đất pha sét màu nâu, lẫn nhiều vụn vôi trắng và các mảnh gạch
ngói thời hậu Lê, được đầm nhưng không chặt. Căn cứ vào vết tích di
tích, di vật còn lại, các nhà khảo cổ khẳng định, lớp đắp này hình thành
sau thời Lê sơ, khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Lớp 6 dày 140cm-150cm, là lớp
đắp được đầm gia cố rất cẩn thận với 12 lớp gạch, ngói, sành sứ vỡ vụn
xen lẫn 12 lớp sét mịn màu nâu đỏ. Hiện vật trong các lớp đầm thuộc thời
Lý, Trần và Lê sơ, trong đó hiện vật thời Lê sơ là phổ biến hơn cả.
Nghiên cứu địa tầng, di tích, di vật xuất lộ, qua so sánh với tư liệu
khai quật tại nút giao thông Văn Cao, các nhà nghiên cứu nhận định, đây
là lớp đầm gia cố tường thành thời Lê Thánh Tông. Lớp 7 dày 40cm-60cm,
đất pha sét màu nâu xám khá thuần, được đầm rất chặt tạo thành bề mặt
tương đối phẳng. Trong đất có lẫn đôi mảnh gạch và ngói màu xám thời Lê
sơ. Lớp 8 dày 120cm-150cm, đất sét màu nâu đỏ được đầm rất chặt. Hiện
vật thu được có niên đại thời Lý-Trần. Các nhà khảo cổ học cho rằng, đây
là tường thành từ thời Trần đổ về trước và được thời Lê tận dụng đắp
tiếp lên trên. Lớp 9 dày 90cm, đất sét màu nâu sẫm thuần, được đầm nèn
rất chặt và không chứa di vật khảo cổ. Lớp 10 dày trung bình 20cm, là
lớp sét thuần, mịn, màu xám xanh xen lẫn những khoảng sét màu nâu đỏ.
Theo các chuyên gia địa chất thì đây là lớp trầm tích biển, đánh dấu
giai đoạn biển tiến cách ngày nay 4.000-6.000 năm. Lớp sét này nằm sâu
so với mặt bằng trung bình của Đồng bằng sông Hồng khoảng 5m. Sự xuất
hiện của chúng tại đây góp phần khẳng định đây là lớp đắp nhân tạo. Lớp
11 dày 80cm, là lớp sét màu nâu đỏ, có lẫn một số hạt laterite màu xám
đen. Lớp này hoàn toàn không có hiện vật.
Các nhà khảo cổ cho rằng, chân tường thành xưa có thể nằm sát cạnh mép
sông Tô Lịch, nhưng sau này, trải qua sự biến đổi của thời gian, các lớp
đất được bồi tụ qua các đợt mưa lũ, cùng với sự thu hẹp của lòng sông
nên chân thành có một khoảng cách nhất định với sông. "Phát hiện mới
nhất từ đợt khai quật là đã làm xuất lộ một lớp thành đắp bằng đất có
niên đại thời Lý-Trần. Thành đắp ở giai đoạn này có quy mô to lớn, bề
thế, khẳng định La thành Thăng Long ngay từ thời Lý-Trần đã được xây
dựng kiên cố" - TS Tống Trung Tín cho biết.
Ngôi mộ bí ẩn
Cũng trong quá trình khai quật tại đường Bưởi, đoạn cắt với đường Đào
Tấn, đã xuất hiện một đoạn tường thành khác song đoạn thành này không
hoàn chỉnh như ở nút giao thông Cầu Giấy. Điều đáng nói là tại đường Đào
Tấn, các nhà khoa học đã tìm thấy một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ được xếp bằng
gạch, mỏng như ngói, dày khoảng 1cm. Thi thể bên trong mộ vẫn còn
nguyên hình dạng. Tuy chưa xác định chính xác được chiều cao, nhưng dựa
vào xương, răng, các nhà khảo cổ cho rằng, người chết tương đối trẻ,
khoảng dưới 18 tuổi. Thi thể được nằm đúng theo tư thế giải phẫu nên
chắc chắn đây là ngôi mộ được chôn cất cẩn thận. Dựa theo gạch xếp ở mộ
và hiện vật tùy táng, có thể xác định, ngôi mộ có niên đại đời Đường
(năm 618-907 sau CN). Vì sao ngôi mộ lại nằm sát đoạn tường thành, mộ có
trước hay thành đắp trước hiện vẫn còn là điều bí ẩn.
Bên cạnh những thành quả đạt được trong đợt khai quật này cũng còn nhiều
câu hỏi mà các nhà khảo cổ phải tiếp tục giải đáp. Đó là liệu có thể
phân biệt được lớp đắp của thời Lý và của thời Trần trên thực địa? Mặt
cắt tổng thể của thành Đại La qua các thời Lý - Trần - Lê như thế nào?
Các nhà nghiên cứu cũng phải tìm tòi cách thức thực hiện các hố khai
quật nghiên cứu ở giai đoạn tiếp theo sao cho có thể thu được nhiều hơn
những tư liệu quý góp phần nghiên cứu về quy mô, cấu trúc và kỹ thuật
xây dựng của La thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử.