 |
Lao động ở làng nghề thêu tay Bình Lăng, xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội).
Ảnh: An Nguyên |
Nghệ nhân Trần Bá Năm chỉ là một trong không nhiều nghệ nhân, thợ giỏi
của thành phố đã có đóng góp làm rạng danh cho các làng nghề và tinh hoa
nghề thủ công truyền thống Thủ đô. Theo Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ
giỏi thành phố Vũ Mạnh Hải, một số nghệ nhân đã đạt thành tích cao như
nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng đạt huy chương vàng, cúp vàng quốc tế tại
Nhật Bản và được phong tặng nghệ nhân cắm hoa quốc tế. Nghệ nhân chạm
đồng Nguyễn Ngọc Trọng đã tham gia Tuần văn hóa Việt Nam tại Pháp với bộ
sản phẩm cúp vàng biểu tượng Thủ đô, được Thị trưởng thành phố Toulouse
trân trọng đón nhận đặt tại bảo tàng. Nghệ nhân Nguyễn Quốc Việt, huyện
Thạch Thất với tình cảm của mình đã đề nghị với thành phố được trùng tu
di tích lịch sử văn hóa nhà Bát giác tại vườn hoa Lý Thái Tổ…
"Ở họ gần như quy tụ toàn bộ "vốn liếng" và tài năng sáng tạo của cộng
đồng về một hay nhiều lĩnh vực, góp phần làm giàu thêm cho bản sắc văn
hóa cộng đồng" - Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi TP Hà Nội Vũ Mạnh Hải
nhận xét.
Tuy được coi là "báu vật nhân văn sống" của nhân loại nhưng đội ngũ nghệ
nhân, thợ giỏi ở các làng nghề vẫn đứng trước rất nhiều khó khăn. Là
người giàu tâm huyết với nghề, nghệ nhân Trần Bá Năm tâm niệm: "Nghệ
nhân chỉ biết làm nghề và sáng tạo, nên thường không giỏi kinh doanh,
cũng không quan tâm đến lợi nhuận. Tuy đã được phong tặng nghệ nhân,
thông thạo, điêu luyện nghề nhưng nghệ nhân, thợ giỏi thực sự chưa làm
giàu được từ nghề". Theo nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu, Phó Chủ tịch Hội Nghệ
nhân, thợ giỏi thành phố, đa phần nghệ nhân đều xuất phát từ nông thôn
nên họ chưa có sự đoàn kết, hợp tác. Bên cạnh đó họ còn rất thiếu kiến
thức về thị trường, luật pháp… Nhiều thợ giỏi khác lại canh cánh những
trăn trở tài năng của họ chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng
mức. "Quy chế phong tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội còn nhiều bất cập,
nhiều thợ giỏi chưa được phong tặng. Đơn cử như quy định của thành phố
để đạt tiêu chí phong tặng nghệ nhân, thì người đó phải có sản phẩm đạt
giải thưởng tại các hội chợ triển lãm quốc gia hoặc quốc tế… Đó là yêu
cầu rất khó bởi họ không có điều kiện kinh tế, thiếu thông tin để mang
sản phẩm đi hội chợ… Do đó, thành phố cần có cơ chế đặc thù hoặc chỉnh
sửa quy chế để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của họ" - anh Lê Xuân
Hoàng, thợ trẻ làng gốm Bát Tràng kiến nghị…
Những hạn chế, khó khăn trên cũng là điểm chung của nhiều nghệ nhân, thợ
giỏi. Phát biểu tại hội nghị triển khai năm 2013 của Hội Nghệ nhân, thợ
giỏi thành phố mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho
rằng, các làng nghề tuy phát triển, nhưng chưa đạt giá trị tương xứng.
Sự ra đời của Hội Nghệ nhân, thợ giỏi của thành phố đã tạo ra mái nhà
chung cho những người làm nghề. Chỉ trong 8 tháng hoạt động, số hội viên
đã tăng từ 387 hội viên sinh hoạt tại 13 chi hội lên 463 hội viên với
15 chi hội. Theo phương hướng hoạt động năm 2013, Hội sẽ chủ động tham
gia các chương trình khuyến công, đào tạo nâng cao kỹ thuật, mỹ thuật
cho hội viên; phối hợp với các sở, ngành triển khai các chương trình
gieo cấy nghề cho các địa phương chưa có nghề. Tổ chức tuyên truyền, vận
động hội viên của các ngành nghề tích cực sáng tạo, làm ra các sản phẩm
mới, có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao tham gia Năm du lịch truyền
thống các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, thành phố cần có giải pháp
"sân chơi" thích hợp để những tinh hoa của làng nghề không bị mai một mà
ngày càng tỏa sáng.