Tuyển sinh ĐH-CĐ 2013: Lúng túng với điểm sàn
Được coi là ngưỡng tối thiểu để kiếm soát
chất lượng đầu vào các trường ĐH, CĐ, sau 10 năm triển khai, cách tính
điểm sàn đã bộc lộ nhiều bất cập. Hệ quả là suốt mấy năm trở lại đây,
hàng loạt các trường ĐH, CĐ kêu than không thể tuyển sinh được chỉ vì…
điểm sàn.
 |
Cách tính điểm sàn còn bất cập đã khiến nhiều thí sinh bỏ lỡ cơ hội vào các trường ĐH-CĐ. |
Cách tính điểm sàn có vấn đề
Theo
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm được
tính dựa trên nhiều yếu tố: Cơ cấu ngành nghề, nhu cầu về nguồn nhân
lực, sự dịch chuyển thí sinh giữa các vùng miền, phổ điểm thi... Điểm
sàn cũng được xác định dựa trên nguyên tắc: Tổng số thí sinh đạt trên
điểm sàn cân đối với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường. Tuy
nhiên, lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ cho rằng cách tính này chưa chính
xác, tổng số thí sinh đạt trên điểm sàn không tương ứng với tổng số chỉ
tiêu dẫn đến việc Bộ GDĐT năm nào cũng nói thừa rất nhiều thí sinh có
điểm trên sàn nhưng các trường vẫn không tài nào tuyển đủ.
Ông
Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho
rằng: Bộ cứ cho rằng các trường không đủ chất lượng nên thí sinh quay
lưng, thực tế có rất nhiều trường ĐH cơ sở vật chất tốt, giảng viên đầy
đủ, điều kiện về học phí và học bổng rất tốt, chất lượng đào tạo đã được
khẳng định nhưng vẫn không thể tuyển được 50% chỉ tiêu như trường: ĐH
Dân lập Phương Đông, ĐH Dân lập Hải Phòng… thậm chí nhiều trường công
cũng phải lấy sát sàn nhưng vẫn không tuyển được. “Điều đó cho thấy điểm
sàn của Bộ có vấn đề, nó đang gây sự lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất
ngành giáo dục. Bộ nên chỉ kiểm soát đầu ra” – ông Quân nói.
Còn
Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Phương Đông – ông Nguyễn Thiện Dụ thì cho
rằng: “Bộ nên công khai cách tính điểm sàn. Bộ luôn nói rằng nguồn
tuyển trên sàn luôn đủ, vậy số học sinh dôi dư này đi đâu?”.
Sau
10 năm áp dụng điểm sàn, lần đầu tiên Thứ trưởng Bùi Văn Ga phải thừa
nhận: “Tiêu chí xác định điểm sàn đã làm rất kỹ nhưng chưa chắc chắn. Ví
dụ: Năm 2012, khối B đã để số thí sinh đủ điểm sàn gấp trên 10 lần chỉ
tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ. Bên cạnh đó khả năng dịch chuyển theo
vùng miền của thí sinh (một trong những yếu tố xác định điểm sàn) cũng
không thể phán đoán chính xác được, ví dụ lượng thí sinh dịch chuyển từ
TP. Hồ Chí Minh vào đồng bằng sông Cửu Long, hay thí sinh tại Hà Nội vào
miền Trung mỗi năm đều không giống nhau”.
Điểm sàn 2013 sẽ ra sao?
Tại
buổi làm việc giưa Bộ GDĐT với Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập
xung quanh vấn đề điểm sàn và thi 3 chung, Hiệp hội chính thức kiến nghị
thay đổi cách xác định điểm sàn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và xóa
bỏ 3 chung... để cứu nhiều trường ngoài công lập khỏi nguy cơ giải thể.
Trước kiến nghị của Hiệp hội, quan điểm của Bộ GDĐT vẫn cho rằng: Thay
đổi phương thức thi và cách thức xác định điểm sàn vẫn không thể thực
hiện ngay lập tức trong năm.
Thứ trưởng Bùi
Văn Ga giải thích: “Luật Giáo dục Đại học của chúng ta vừa mới đi vào
thực tiễn và chưa “ráo mực”, phải chờ đến sau năm 2015 khi chất lượng
giáo dục phổ thông được nâng cao, sách giáo khoa được cải cách lúc đó sẽ
có nhiều phương án tuyển sinh cho các trường. Có thể các trường sẽ được
tuyển sinh riêng, có thể xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT,
xóa bỏ điểm sàn…Còn từ nay đến khi đó, Bộ vẫn áp dụng thi 3 chung với
những cải tiến về kỹ thuật”.
Theo ông
Bùi Văn Ga, hiện Bộ đang mở diễn đàn “Hiến kế xây dựng điểm sàn” trên
trang thông tin chính thống báo Giáo Dục Thời Đại để có được sự góp ý
rộng rãi của xã hội nhằm xây dựng được cơ chế điểm sàn hợp lý cho năm
2013.
Trước mắt, để tránh việc nhiều trường
công lấy điểm đến sàn “vét thí sinh, năm nay Bộ cũng quy định cụ thể về
việc xét tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước.
Về các tiêu chí xác định điểm sàn năm 2013, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho
biết: “Ước tính năm nay sẽ có 1,2 triệu thí sinh dự thi, trong đó có
900.000 thí sinh tốt nghiệp mới và 300.000 thí sinh thi lại.
Trong
khi chỉ tiêu tuyển mới năm nay là 550.000 vào ĐH, CĐ ngoài ra còn các
trình độ khác. Bộ sẽ tính toán trên cơ sở làm sao cho số lượng dôi dư
trên điểm sàn nhiều nhất nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng tối thiểu đầu
vào, căn cứ vào chỉ tiêu năm nay, phổ điểm của từng môn, điểm trung
bình chung của một thí sinh có thể đạt được… trên cơ sở phân tích tổng
hợp để rút ra khung điểm hợp lý nhất. Ngoài ra, Bộ đang chờ ý kiến góp ý
của dư luận, các chuyên gia giáo dục để bổ sung thêm tiêu chí xác định
điểm sàn. Chắc chắn, điểm sàn năm nay sẽ không còn cứng nhắc như các năm
trước nữa” – ông Ga nói.
(Theo danviet.vn)