Hành trình kỳ lạ của bức ảnh thất lạc 45 năm
Xen kẽ trong những mảng ký ức về sự tàn khốc của chiến tranh và ngục
tù, chúng tôi đã được nghe vợ chồng ông Hai Thông tâm sự rất cảm động về
chuyện bức ảnh và 8 câu thơ tình bị thất lạc gần nửa thế kỷ. Đó chính
là bức ảnh của bà Mai Thị Liễu được ông Hai Thông gìn giữ trong khoảng
thời gian vượt ngục để tìm đường về Trung ương cục miền Nam. Vì quá nhớ
thương người vợ và cha mẹ ở quê ông Hai Thông đã gửi tấm ảnh cho bà Liễu
với tám câu thơ ghi sau bức ảnh. Nhưng đúng 45 năm sau bà Liễu mới
nhận được kỉ vật mà chồng mình tặng.
8 tháng, viết 8 câu thơ tình tặng người yêu
Ông Nguyễn Văn Thông (SN 1934, còn gọi là Hai Thông, cựu tù nhân tại
nhà lao Tân Hiệp, Đồng Nai) sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống
cách mạng. Ngay từ bé, ông đã phải chứng kiến cảnh mất nước, dân chúng
lầm than. Bước sang tuổi 12, ông đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng
và Tổ quốc. Nhiều năm kháng chiến trường kì cùng đồng đội, vượt qua
nhiều khó khăn, gian khổ của ngục tù nhưng ông Hai Thông vẫn không sờn
lòng.
Bức ảnh và bài thơ do bảo tàng Đồng Nai tặng lại cho ông bà
Dù bị bắt, bị tù đày qua nhiều nhà lao nhưng ông vẫn một mực trung
thành với cách mạng. Để động viên tinh thần cho các anh em trong tù, ông
Hai Thông và đồng đội đã vận dụng lời ca, tiếng hát để gợi lại lòng yêu
nước trong hàng ngũ binh sỹ. Dù ở cái tuổi gần 80 nhưng ông Hai Thông
vẫn còn nhớ như in bài hát được những người tù hát đi hát lại và xem đó
là bài ca cổ động. Đó là bài hát "Tù đày đi Phú Quốc" được sáng tác cấp
tốc vào ngày 03/02/1956 ở nhà lao Tân Hiệp. Bài hát này có đoạn: "…Này
anh lính kia ơi! Nếu yêu dân tộc mình, cùng chung sức đấu tranh ngưng
tiếng súng…".
Trong những ngày tháng ông ở trong tù, bà Mai Thị Liễu, vợ sắp cưới
của ông ở nhà vừa tham gia du kích địa phương, vừa mong ngóng tin người
yêu sau song sắt nhà giam.
Ngày ông dẫn đầu đoàn quân vượt ngục, len lỏi trong rừng, trên đường
đi bị địch truy lùng gay gắt, khó khăn không kể xiết. Để quên đi mọi khó
khăn các chiến sĩ đã nhắm mắt để hồi tưởng lại hình ảnh của người thân,
những dòng thư đầy nước mắt của gia đình gửi khi còn trong ngục tù để
tiếp thêm sức mạnh cho mình, tiếp tục cuộc hành trình về với Đảng, với
nhân dân.
Kể từ ngày vượt khỏi nhà lao Tân Hiệp, ông Hai Thông cùng đồng đội
phải sống lay lắt trong rừng suốt 8 tháng liền. Ông Hai Thông nhớ lại:
"Những ngày trong rừng, bụng lúc nào cũng đói cồn cào. Không còn cách
nào khác tôi và đồng đội hái lá cây, bắt côn trùng để ăn. Đến nỗi có một
lần đang đi qua suối cả đoàn đói quá đành nhổ hết rong bám trên đá mà
nhai ngon lành. Thế nhưng, ngước lên thì thấy đôi mắt của những người tù
vượt ngục lại rơm rớm khi nghĩ về quê hương, về tổ chức".
Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt ấy, tưởng chừng sẽ không có ngày
trở về với gia đình. Ông Hai Thông với ánh mắt đượm buồn gợi lại những
tháng ngày gian khổ đã qua: "Hầu hết anh em trong đoàn đều là những
người trẻ tuổi, lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết nhưng trong lòng từng
có người để thương thầm nhớ trộm.
Trước hoàn cảnh trước mắt vô cùng ác nghiệt, lúc nào cũng bị kẻ thù
truy lùng không biết ngày mai sẽ ra sao. Do vậy, nhiều chiến sĩ mang
được kỉ vật nào của người thân là mang ra ngắm để quên đi những cực nhọc
mà mình đã trải qua". Ông Hai Thông cũng có một kỷ vật như vậy. Hàng
ngày ông mang tấm ảnh người yêu mà ông luôn mang bên mình ra ngắm. Nhưng
càng ngắm thì ông càng thương nhớ bà Liễu khôn nguôi, với nhiều băn
khoăn lo lắng trong lòng, vì bà không hề biết một tin tức gì về ông.
Với niềm đam mê văn chương từ nhỏ, dọc đường đi ông Hai Thông đã viết
ra những vần thơ từ tận đáy lòng mình vào bức ảnh của người vợ chưa cưới
ở quê đang ngóng tin ông từng ngày. Ông Hai Thông xúc động chia sẻ: "Đã
8 tháng kể từ ngày 1/3 đến 1/11/1957, tôi không nhận được tin tức gì về
cô ấy và cha mẹ đôi bên. Vì vậy, tôi gửi tấm ảnh của cô ấy mà tôi luôn
mang bên mình và 8 câu thơ tôi viết trong 8 tháng về địa phương cho cô
ấy: "Trách ai ăn giấy bỏ bìa/Khi thương vội, khi lìa, lìa xa/Trách
em ở cảnh quê nhà /Phụ người chiến sĩ xông pha chiến trường/Giờ đây
mỗi đứa một đường/Duyên ta cách trở tang thương tình đầu/Liễu ơi! Em có
ưu sầu?/Quên câu ước hẹn ban đầu hỡi em".
Vợ chồng ông Hai Thông, bà Liễu hiện nay
Hành trình lưu lạc của bức ảnh
Qua trao đổi chúng tôi được biết, 8 câu thơ viết phía sau bức ảnh của
bà Mai Thị Liễu được ông Hai Thông sáng tác trong suốt những ngày sống
trong rừng. Mỗi tháng, ông Hai Thông làm một câu thơ, sau đó, ông gửi
tấm ảnh cho những người dân địa phương đi rừng mang về trao tận tay cho
người vợ sắp cưới của mình. Tuy nhiên bức ảnh này đã không đến được tay
bà Liễu. Và rồi hết năm này qua năm khác, kết thúc chiến tranh, hòa bình
lập lại, bà Mai Thị Liễu vẫn không hề hay biết số phận của bức ảnh và
những câu thơ chất chứa đầy cảm xúc mà người lính Nguyễn Văn Thông
ngày nào viết tặng.
Bà Mai Thị Liễu tâm sự: "Sau cuộc vượt ngục, tôi và gia đình cứ tưởng
ông ấy đã ra đi mãi mãi trước sự truy bắt ráo riết của kẻ thù. Phải đến
gần một năm sau, ông ấy mới trở về tới nhà. Rồi chúng tôi tổ chức đám
cưới. Trong bữa cơm đạm bạc thời chiến, hai vợ chồng tâm sự và ông có
nói là thời gian vượt ngục ở trong rừng đã gửi ảnh và thơ cho tôi. Lúc
đó tôi mới ngớ người, vì tôi chẳng nhận được bức ảnh hay lá thư nào cả.
Hai vợ chồng cứ nghĩ chắc do chiến tranh nên bức ảnh đã bị mất, hoặc
thất lạc đâu đó. Tôi cũng không hi vọng là sẽ tìm lại được tấm chân
tình qua bức ảnh mà chồng dành cho mình nữa".
Tình cờ vào năm 2002, hai vợ chồng ông Hai Thông đi thăm nhà cô em gái
ruột là bà Nguyễn Thị Kim Anh, đã vô tình nhìn thấy bức ảnh cách đây 45
năm mà ông Hai Thông gửi cho bà Liễu để trên bàn khách nhà cô em gái.
Nhìn bức ảnh cách đây gần nửa thế kỷ cả hai vợ chồng ông Hai Thông vừa
bất ngờ, lại vừa rộn lên những xao xuyến khó tả. Ông Thông xúc động như
gặp lại được cố nhân sau bao nhiêu năm xa cách. Thì ra người đưa ảnh đã
trao nó cho em gái ông, chứ không phải cho người trong bức ảnh.
Ông Hai Thông giải thích cho chúng tôi về cuộc hội ngộ bất ngờ của hai
vợ chồng với bức ảnh rằng: "Sở dĩ cô Kim Anh nhận được bức ảnh này vào
cuối năm 1957, nhưng không trao tận tay cho bà Liễu, vì mỗi lần nhìn
bức ảnh của chị dâu và những dòng chữ của anh trai, cô Kim Anh lại nhớ
tới người chồng đã bị bắt đày ra Côn Đảo và đã hi sinh của mình nên
không đưa lại cho chị dâu. Cô ấy muốn giữ bức ảnh lại cho riêng mình, tự
an ủi rằng chồng mình ở Côn Đảo cũng nhớ thương mình như vậy".
Từ ngày chồng hi sinh, bà Kim Anh luôn sống trong sự cô đơn và suy
sụp. Nhờ có kỉ vật thiêng liêng của ông Hai Thông gửi cho vợ nên bà Kim
Anh đã có những kí ức đẹp về chiến tranh, có sự hy vọng dù mong manh về
chồng mình. Mỗi khi nhớ chồng, bà lại đem tấm ảnh có những vần thơ xúc
động của anh trai mình ra đọc, lòng bà lại dấy lên những cảm xúc thân
thương, gần gũi về người chồng đã hy sinh vì đòn roi của kẻ
thù.
Người có duyên với ngày mùng 1
Ông Hai Thông vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: "Có lẽ là do
ngẫu nhiên, hoặc có thể là tôi có duyên với ngày đầu tháng, nên đời tôi
có một số sự kiện gắn với ngày mùng 1. Ngày tôi sinh ra vào ngày mùng
1. Ngày tôi gửi bức ảnh và những dòng thơ cho vợ cũng là ngày là mùng 1.
Và khi hai vợ chồng tôi tìm lại được kỉ vật bị thất lạc 45 năm cũng
đúng vào ngày mùng 1".
|
(Theo nguoiduatin.vn)