Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 08/03/2013 10:54
Thơ của một người mẹ trăm tuổi
Bà là Phạm Thị Trinh, em gái cố Trung tướng - Anh hùng LLVTND Phạm Kiệt - một trong những chỉ huy khởi nghĩa Ba Tơ, vợ cố Anh hùng LLVTND Nguyễn Chánh - Tư lệnh lực lượng vũ trang liên khu V thời chống Pháp, là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930.
Thơ của một người mẹ trăm tuổi

Sống tới xuân này, bà tròn trăm tuổi. Một phúc thọ đáng kính nể. Đáng kính nể hơn khi được đọc những bài thơ của hai vợ chồng bà làm trong khi hoạt động bí mật, làm để gửi cho nhau, an ủi nhau gắng gỏi kiên trinh. Thời ấy, hoạt động bí mật của Đảng chứa đựng những tình cảm thật lạc quan, trong sáng. Họ vừa hoạt động, vừa yêu nhau, vừa dìu dắt nhau vượt qua những thử thách khốc liệt. Và làm thơ chia sẻ cùng nhau. Thật lạ, cũng là Đường thi. Nhưng Đường thi của những chiến sĩ cộng sản thời ấy sao chất ngất bi hùng đến vậy. Đọc bài tứ tuyệt mang tên “Ý chí” của bà, đã thấy rõ cái chí khí tranh đấu vừa trong sáng vừa kiên quyết của “gái hồng quần”:

Chiến đấu càng căng, chí chẳng nao
Lòng trong như ngọc, sáng như sao
Trăm năm giữ trọn niềm son sắt
Gian khổ nào lay nổi má đào!

Khai - thừa - chuyển - hợp đều rắn chắc như đá. Câu hợp thật kiêu sa: “Gian khổ nào lay nổi má đào!”. Cũng vẫn ý chí ấy, khi trong ngục thất cầm cố, nhịp thơ thất ngôn bát cú lại tiếp tục khẳng định ở 2 câu kết: “Chết bỏ, sống về tranh đấu mãi/ Gian nan chi núng phận tơ đào”. Ngày xưa, cổ nhân thường dạy: “Sống gửi - thác về”. Nhưng đến thời đại dấn thân làm cách mạng thì tư duy sống chết của những người chiến sĩ này thật dứt khoát, thật đáng khâm phục: “Chết bỏ, sống về”. Đấy là ý chí của Nữ Oa “đội đá vá trời”: “Ví bằng ông tạo không xoay lại/ Ta cũng dời non lấp bể Đông”. Bài “Đi xâu” có cái tứ rất mới: “Mấy chị em mình xách chổi ra/ Bụi trần quét sạch nước non nhà …”. Và thật kiêu hãnh là bài “Gặp Toàn quyền Pátxkiê”. Chuyện kể rằng năm 1932, đoàn đại biểu bộ thuộc địa Pháp sang kiểm tra tình hình chính trị ở Đông Dương. Toàn quyền Pátxkiê đến Quảng Ngãi gặp bà Trinh và bà Trần Thị Hiệp. Cuộc tranh biện với toàn quyền đã được bà ghi lại bằng bài thơ đầy khẩu khí nói trên. Cuộc tranh biện có hai nhà báo chứng kiến, sau đó về Pháp đành phải công nhận ý chí của những người cộng sản Việt Nam:

Có hai nhà báo ghế bên kia
Chăm chú ngồi nghe tay chép ghi
Về Pháp truyền lời: “Cô thiếu nữ
Việt Nam cộng sản thế này đây!”

Một ý chí nữ nhi như bà Trinh thật hiếm thấy. Hiếm thấy hơn vì bà còn biết làm thơ để tỏ rõ ý chí ấy. Có những người đàn ông như chàng Tiên Kiết đã tỏ ra khinh khi, hợm hĩnh giễu cợt bằng thơ. Bà đã có ngay bài thơ đối đáp khiến Tiên Kiết phải tỏ lòng khâm phục bằng một bài thơ khác, “tâm phục, khẩu phục” như bậc thầy. Giọng thơ đối đáp cho thấy một tinh thần tự hào của nữ giới Việt Nam như Hồ Xuân Hương: “Trời nay đã có sắc màu nay/ Tiến mau cho kịp phường khăn yếm”.

Nhưng không chỉ tạc lên những ngôn ngữ rắn như đá, Đường thi của bà Trinh lại có lúc rất mềm như nước. Đấy là khi phải chia tay với chồng về quê sinh con, hay lúc tiễn chồng đi đày: “Rời chân không nỡ thẳng đường dong”, “Làn khói nỡ đưa người cách biệt”. Có lúc lại dạt dào đồng cảm vì cả hai đều lâm vào cảnh tù tội: “Từ đây giam hãm mỗi phương trời/ Cảnh ngộ chung, mà đứa một nơi”. Sở dĩ, có được giọng thơ như thế, ngoài khả năng thiên bẩm, bà Trinh còn được nuôi dưỡng cảm hứng bằng những vần thơ của người yêu và sau đó trở thành người chồng thân yêu. Thơ ông Chánh làm tặng bà chính là một kích thích lớn lao cho giọng thơ của bà:

Em bước đi, mà anh mãi mong
Nhưng lòng mang nặng, khó dừng chân
Em đi quê mẹ - nhìn theo mãi
Một tấc lòng lo, một tấm thân

Vừa làm thơ để tự nhủ mình vững tin vào lý tưởng, thơ bà Trinh còn có sức mạnh kêu gọi quần chúng cách mạng trong những ngày sôi sục cao trào khởi nghĩa Ba Tơ:

Chị hãy cùng tôi, ta bước đi
Việt Minh cờ đỏ rực ba kỳ
Ta đi theo tiếng đoàn quân gọi
Đuổi Pháp về Tây, đuổi Nhật về

Kháng chiến thành công. Gia đình bà tập kết ra Hà Nội cho phù hợp công tác của ông bà. Giữa lúc cả miền Bắc đang xây dựng “đổi sắc thay da”, thì riêng bà lại phải chịu đựng nỗi đau mất mát người chồng thân yêu vào năm 1957. Lúc ấy, giọng thơ bi hùng thuở xưa của bà lại chuyển thành giọng thơ chan chứa nỗi niềm trắc ẩn:

Hôm nay đường sá tối tăm
Lòng không muốn khóc lệ tầm tã rơi!
Tôi mang vết thương lòng chiều thứ bảy
Thương lòng tôi là chiếc xe đen
Thương lòng tôi là cảnh khăn tang …

Bài thơ dài “Chiều thứ bảy” vừa lai láng buồn thương, vừa da diết, xót xa trong cảnh ngộ trớ trêu khi “Hòa bình vừa mới thảnh thơi”. Từ đây, thơ bà Trinh bắt đầu một âm điệu khác vừa từng trải hơn, vừa trầm lắng hơn. Sự mất mát vẫn luôn thường trực trong cảm xúc của bà: “Anh trao nợ ấy cho trần thế/ Ước hẹn giờ đây mới nửa chừng!”, “Em nghĩ thương anh khổ suốt đời/ Sau ngày anh mất, vệ tinh bay …”. Nhưng trái tim kiên trung của một chiến sĩ cộng sản đích thực đã không làm cho bà chìm vào hệ lụy, biết tỉnh táo đi tiếp đoạn đường mà chồng bà đành dừng lại. Càng sống bà càng sắc sảo hơn trong nhận định, trong thơ:

Có một điều tôi nhức nhối nhiều
Bầu trời tiêu cực, tệ quan liêu
Nhân văn thế sự - lòng trăn trở
Trật tự an toàn biến nỗi đau …

Đã trăm tuổi mà vẫn không hết trăn trở dưới “bầu trời tiêu cực”, bởi thế, thơ bà Trinh đã vượt qua thời gian để trở thành không tuổi.


(Theo laodong.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)