Thêm một chỉ dẫn tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa

Bộ sách này lập tức tạo
được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và những người yêu thích lịch
sử và văn học do tính truyền thống rất rõ nét của một dòng họ - dòng họ
Nguyễn Huy Trường Lưu – và đã để lại dấu ấn sâu đậm trong suốt một giai
đoạn lịch sử dân tộc.
Theo Nguyễn Huy Mỹ - chủ biên cuốn “Các tác giả dòng văn Nguyễn Huy
Trường Lưu” - sự phồn vinh của văn học VN thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ
XIX có đóng góp quan trọng của nhiều dòng họ lớn, trong đó có “Văn phái
họ Ngô” làng Tó (xứ Sơn Nam) và 2 dòng họ Nguyễn làng Tiên, làng Tràng
(xứ Nghệ). Họ Nguyễn làng Tràng (Tràng/Trường Lưu, La Sơn, nay là xã
Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) từ vị sơ tổ sáng nghiệp - ngũ
kinh bác sĩ Nguyễn Uyên Hậu, giữa thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI, liên tục
12 đời có nhiều người học hành đỗ đạt. Dưới hai triều Lê, Nguyễn, trong
họ có 32 vị đỗ hương cống - cử nhân, nhiều người là sinh đồ, nho sinh,
hiệu sinh. Đời thứ 10 có 2 vị đại khoa, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh và Tiến
sĩ Nguyễn Huy Quýnh. Đời thứ 11, Hương cống Nguyễn Huy Tự được đặc ban
tiến triều ứng vụ, liệt ngang tiến sĩ. Các đời sau, cũng có nhiều người
học hành, một số người lọt vào được nhị, tam trường hương. Ngoài việc
đóng góp trên lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao…, cống hiến xuất
sắc nhất của họ Nguyễn làng Tràng là ở lĩnh vực giáo dục và trước tác.
Hàng chục thế hệ nhà giáo tận tụy, góp công sức vào việc “trồng người”.
 |
Trong “Lời nói đầu” của cuốn “Nguyễn Huy Quýnh - cuộc đời và thơ văn”,
TS Nguyễn Huy Hoàng cho rằng: Trong số những danh nhân văn hoá, những
nhà thơ dân tộc của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, Nguyễn Huy Quýnh nổi
lên như một “nhà bác học” đa tài, đa nghệ. Sự nghiệp của ông đã minh
chứng điều đó. Ông là một nhà biên soạn địa dư có tầm nhìn tổng quát và
chi tiết đến kinh ngạc. Tác phẩm Quảng Thuận đạo sử tập của ông viết về
địa chí các tỉnh miền Trung và miền Nam xứng đáng là một trong những tác
phẩm địa chí tiêu biểu trong thời kỳ phong kiến có đóng góp về mặt địa
dư, phong tục, lịch sử và cả góc độ quân sự. Tác phẩm này, hiện mang
tính thời sự và rất có ý nghĩa như là một bằng chứng không thể chối cãi
về lãnh thổ đất nước trong đoạn ông viết về đảo Lý Sơn và về “hải đội”
Hoàng Sa.
Đây là một bộ sách quý, bổ sung một nguồn sử liệu và nguồn tư liệu văn
học rất lớn, làm phong phú cho việc tìm hiểu những di sản vô giá của dân
tộc trong quá khứ. Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức buổi
giới thiệu bộ sách vào tối 9.3 tại 11A Trần Quý Kiên (HN) với người dẫn
chương trình là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
(Theo laodong.com.vn)