Những năm 60 của thế kỷ XX, trong
không khí cả dân tộc cùng kề vai sát cánh kháng chiến chống Mỹ, với niềm
khát khao được ghi chép lại cuộc chiến đấu hào hùng của quân dân miền
Nam rất nhiều họa sĩ, điêu khắc gia đã lên đường vào Nam. Đó là những
người con xa quê nay muốn trở về như Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Thanh
Châu, Lê Văn Chương, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Văn Trừ, Lê Hồng Hải,
Hoàng Anh, Võ Kiến Nghiệp, Hà Quang, Huỳnh Quốc Trọng, Nguyễn Hoàng… Một
số từ Sài Gòn sớm giác ngộ cách mạng theo phong trào thanh niên như
Trang Phượng, Cổ Tấn Long Châu, Phạm Minh Sáu…
|
Các bạn trẻ xem trưng bày Ký họa kháng chiến tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Ảnh: LÊ MINH |
Tháng 12-1961, đồng chí Trần Bạch Đằng, Phó ban Tuyên
huấn Trung ương Cục miền Nam đã tuyên bố thành lập Phòng Hội họa Giải
phóng. Năm 1963, Trung ương Cục miền Nam chính thức phân công họa sĩ
Thái Hà làm trưởng phòng. Ngoài nhiệm vụ phục vụ cấp bách tại chiến
trường, các họa sĩ đã ghi chép nhiều ký họa phản ánh khí thế đấu tranh
của quân dân, tình yêu thương đồng chí đồng bào, tình yêu quê hương đất
nước… bởi sáng tác theo cảm hứng về đề tài trong đời sống kháng chiến là
nhiệm vụ quan trọng và khát khao cháy bỏng nhất của người nghệ sĩ thời
chiến. Các họa sĩ lần lượt đi thực tế ở các địa phương, thường là những
nơi phong trào đấu tranh sôi động, vùng chiến sự ác liệt, chiến dịch
lớn.
Không khí của cuộc kháng chiến qua ngòi bút, tay cọ
của các họa sĩ đã hiện lên sinh động và chân thực, đó là hình ảnh của
các chiến sĩ luôn sẵn sàng tay súng nơi trận địa, là những người nông
dân với tinh thần yêu nước vô bờ, như Ông già giao liên, Tập bắn, Hành
quân, Tổ Phòng không, Sẵn sàng khi địch đến, Không cho chúng nó thoát,
Thanh niên xung phong Chơn và Trợt, Du kích Củ Chi, Du kích Mỹ Thiện Mỹ
Tho bắn tỉa địch trên lộ 4, Thiếu niên An Tịnh (Tây Ninh) vót chông
chống Mỹ, Du kích Cai Lậy dùng cối tự tạo, Chiến sĩ trung liên của
B2-C1-D262…
Đó là chân dung những người
mẹ nuôi quân, những người phụ nữ bình dị mà anh hùng như Chân dung má
Mười, Chân dung má Năm, Má Bảy ở Long Mỹ - Bến Tre, Má Hai, nữ du kích
Gia Định, Dũng sĩ diệt Mỹ Võ Thị Mô, Chị nuôi, Chị Ba Hồng - dân quân
điển hình toàn tỉnh Bà Rịa trong trận Bình Giã 1965… Đó còn là những tâm
hồn lạc quan cách mạng qua Đêm trăng hành quân, Nghỉ đêm trong rừng Cà
Mau, Chúng tôi nghỉ ngơi, Lộc Ninh giải phóng…
Ký họa chiến trường là thể loại
rất đặc trưng bởi tác phẩm được ra đời trong bom đạn, khói lửa chiến
tranh, người nghệ sĩ thực sự là chiến sĩ, vừa cầm súng chiến đấu vừa cầm
cọ vẽ. Hầu hết các họa sĩ thời kháng chiến chống Mỹ đều có ký họa trong
sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Trong đó, có nhiều bộ ký họa rất
trọn vẹn với các họa sĩ nổi tiếng: Thái Hà, Huỳnh Phương Đông, Lê Lam,
Cổ Tấn Long Châu, Quách Phong, Nguyễn Thanh Châu, Phạm Đỗ Đồng, Huỳnh
Quốc Trọng, Phạm Thanh Tâm, Hà Quang…
Theo Sở VH-TT-DL TPHCM,
đây là một trong những bộ sưu tập phong phú nhất hiện nay, có khả năng
phản ánh đầy đủ một mảng của hội họa đương đại Việt Nam và là tư liệu
quý cho những tác phẩm lớn về mảng đề tài kháng chiến chống Mỹ vừa có
giá trị lịch sử vừa có giá trị mỹ thuật, là những tư liệu sống - những
bằng chứng về một thời kỳ hào hùng của dân tộc, góp phần khẳng định
những thành quả của mỹ thuật cách mạng và kháng chiến.
Để giữ gìn và phát huy giá trị bộ
sưu tập quý này, bảo tàng rất quan tâm đến công tác bảo quản. Tất cả tác
phẩm được bảo quản trong hộp chuyên dùng được mua từ nước ngoài, dù còn
khó khăn về kinh phí, nguyên vật liệu bảo quản và thiếu các chuyên gia
có tay nghề. “Không chỉ trưng bày, giới thiệu về ký họa kháng chiến tại
chỗ, thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM thường xuyên chọn lọc những
tác phẩm đặc sắc, giá trị giới thiệu trưng bày bên ngoài, phục vụ nhiệm
vụ chính trị, giới thiệu rộng rãi với công chúng trong nước và khách
nước ngoài”, bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, cho
biết.
(Theo sggp.org.vn)
|