Hội
làng xưa giống như một trường học mở. Người ta đến hội đi lễ, gặp nhau
làm quen. Tối đến người tứ xứ được nhà chùa cho trọ lại trong gian hậu
chùa, các bà các cô nằm trên chiếu manh, đầu gối tay nải, túm tụm nhóm
hai nhóm ba hát cho nhau nghe, chuyện trò về gia cảnh, bảo nhau kinh
nghiệm sống. Mỗi lần về hội chùa không thêm được bài hát mới thì cũng
thêm tí kinh nghiệm sống, quen thêm được vài ba người bạn. Đó cũng là
thêm vốn sống. Sự giao lưu ấy không bao giờ có mùi rượu bia, không có
“chém gió” vô thưởng vô phạt mà là những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm
làm ăn truyền đời...
Hội
xưa người ta chăm đi lễ, cầu cho một năm khang thái, mong được Phật độ
cho chúng sinh muôn loài, không tham lam. Bước chân đến hội là đến với
từ bi hỉ xả, cõi lòng mới trong sáng làm sao!
Hội xưa không có lạm dụng kiếm chác. Tôi đã từng theo mẹ lên chùa. Các vãi gặp nhau, chắp tay mô Phật thành kính...
Cuộc
sống phát triển thì hội lễ cũng bung ra. Thời kinh tế thị trường bây
giờ, hội lễ cũng là dịp để kiếm tiền. Cái cốt cách hội bị thu nhỏ sau
các màn vui chơi phô bày, đi hội giờ là đi vui chơi mà xa dần cái gốc
của hội lễ.
Hôm
nay, mồng Bốn tháng Hai Âm lịch, tôi lại về Hội chùa Nành bên kia bờ
sông Đuống. May mà cái làng Nành (Ninh Hiệp) lâu nay còn giữ được phần
cốt cách của hội chùa truyền thống. Vẫn ngày Bốn tháng Hai Âm lịch mở
hội giỗ sư tổ, nhà chùa làm cơm đãi khách thập phương về lễ. Ngày mồng
Năm vẫn có lệ rước Thành hoàng là các thôn lên cửa phật... Chính quyền
không can thiệp vào việc của dân, không viết lại kịch bản như sáng tạo ở
một số nơi.
Tôi vẫn muốn nhìn hội lễ dù mở rộng cỡ nào thì cũng nên giữ lấy cái cốt cách văn hóa, vì đó là giá trị gốc của hội lễ.
(Theo Thethaovanhoa.vn)