Truyện tranh, sách dành cho thiếu nhi: Phong phú nhưng kém chất lượng
 |
Truyện tranh cổ tích “Nghìn lẻ một đêm” của NXB Kim Đồng với những câu thoại không phù hợp với thiếu nhi.
|
Những
năm gần đây, truyện cổ tích xuất bản dưới dạng truyện tranh với hình
thức đẹp, bắt mắt đã xuất hiện, nhưng nhiều truyện đã không đưa những
chi tiết được coi như linh hồn của câu chuyện cổ. “Tấm Cám” của NXB
Tổng hợp Đồng Nai được đặt lại tựa: Cô Tấm. Truyện Cô Tấm bị cắt lược
hết câu thần chú âu yếm gọi cá của Tấm: "Bống bống bang bang, lên ăn cơm
vàng, cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người", hay lời nói
như thơ của bà cụ nhân hậu: "Thị ơi, thị rụng bị bà…" Thay vào đó là
những câu thoại kiểu như: "Tấm, mày hâm à, mày câm à, sao mày đâm thủng
cái mâm…". Cùng với đó là những ngôn từ rất "hiện đại" như "bái bai,
thấy chết liền…". Trầm trọng hơn, có những truyện viết sai lệch nội
dung, hoặc đưa vào các tình tiết hư cấu, sai sự thật nhằm mục đích gây
cười.
Truyện
cổ tích "Nghìn lẻ một đêm" của NXB Kim Đồng đã được phóng tác quá mức,
mang những nội dung phản cảm với những cảnh hôn nhau và câu từ yêu đương
thô tục được biên tập, vận dụng tối đa, dù đây là cuốn sách dành cho
thiếu nhi… Những cuốn sách như thế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự
phát triển bình thường của tâm, sinh lý, dễ dẫn đến loạn cảm, tâm trạng
thất thường, thậm chí tác động xấu tới việc hình thành và phát triển
nhân cách của trẻ. Nó cũng gây những khó khăn nhất định cho các bậc phụ
huynh khi chọn mua sách cho con em mình.
Đi
mấy nhà sách, chị Trần Thị Duyên ở Sơn Tây-Hà Nội vẫn băn khoăn chọn
truyện cho con mình. Chị chia sẻ: “Chọn cho con một cuốn sách rất là
khó, có những sách hình thức đẹp nhưng bên trong thì nội dung, ngôn từ
không được hay. Mà trẻ con thì rất dễ bị ảnh hưởng bởi những ngôn từ
trong đó. Có rất nhiều câu chữ mất đi chủ ngữ, vị ngữ, cộc lốc, thậm chí
có những cuốn truyện tranh hình ảnh rất đồi trụy, cho nên mình rất băn
khoăn, lo lắng khi chọn sách cho con trong thời buổi này. Nếu để con tự
đi tìm mua thì rất là nguy hiểm”.
Không
chỉ NXB Kim Đồng, NXB Giáo dục mà còn có rất nhiều NXB, đơn vị tư nhân
nhập cuộc phục vụ độc giả nhỏ tuổi khiến các cửa hàng sách ngập tràn
sách thiếu nhi. Nhưng nghịch lý là ở chỗ, sách thì nhiều nhưng nội dung
lại phản cảm, chủ yếu mang nội dung thô tục và bạo lực như: “Chàng trai
trong truyện tranh”, “Ichigo - Kỷ niệm xanh”, “Girl Comics - Lần đầu
trải nghiệm”, “Crazy kiss”, “Good kiss-Nụ hôn đầu” do NXB Thanh Hóa xuất
bản; “Lilim kiss”, “Mặt trời bé con” do NXB Văn hóa - Thông tin xuất
bản...
Một
nhà văn nữ chuyên viết cho thiếu nhi cho rằng: Theo tôi, Cục Xuất bản
và các NXB khi cấp phép và xuất bản phải biên tập, duyệt rất kỹ nội dung
các cuốn sách. Tránh cho ra giá sách những cuốn sách có nội dung, câu
chữ không trong sáng, phản giáo dục, sẽ có tác hại rất lớn đến tâm hồn
của các em. Các em chưa thể phân biệt hoàn toàn được thế nào là xấu,
tốt, đúng, sai thì những cuốn sách lệch lạc rất là nguy hại.
Tình
trạng bạo lực học đường đang gia tăng. Phải chăng những tập truyện
tranh kia đã góp phần gây ra hậu quả đáng buồn đó? Điển hình như truyện
“Siêu nhân Locke”, “Ninja loạn thị” với những từ ngữ mang đầy tính bạo
lực như “quyết đấu”, “báo thù”, “cuộc chiến”... nhân vật trong truyện
mang trong mình “máu hiếu chiến” với con mắt nảy lửa, đầy căm thù. Những
cuốn truyện tranh kiểu này lại gây được sự chú ý, sự tò mò ở một bộ
phận độc giả nhỏ tuổi.
Ông
Tạ Khải Hưng – Phó giám đốc Nhà sách Nguyễn Văn Cừ cho biết: “Để ngăn
chặn tình trạng này một cách tuyệt đối thì rất khó, trước hết cần sự
liên kết giữa các ban ngành, các cơ quan có trách nhiệm từ xuất bản,
thanh tra rồi đến đơn vị phát hành. Cả một ban bệ liên ngành làm chặt
thì mới có thể dẹp đi được. Dù khó có thể là tất cả nhưng cũng làm sao
cho bớt đi sách lậu và những cuốn truyện tranh mang tính chất phản giáo
dục, văn hóa không tốt cho các em”.
Cho
đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính thức về số truyện tranh dành
cho tuổi mới lớn được phép xuất bản, trong đó có bao nhiêu cuốn cần
phải xem lại nội dung và hình thức, bao nhiêu cuốn cần được thu hồi. Đã
đến lúc các nhà quản lý cần hoạch định rõ những tiêu chí cụ thể cho các
NXB trong việc xuất bản sách dành cho thiếu nhi. Quy định trách nhiệm cụ
thể và có những chế tài xử phạt thật nghiêm khắc đối với những tập thể
và cá nhân vi phạm.
(Theo qdnd.vn)