Nội dung liên quan đến phát triển giáo
dục trong Hiến pháp sửa đổi là một trong những vấn đề thu hút sự quan
tâm của các tầng lớp nhân dân, nhất là các nhà khoa học, các chuyên gia
trong lĩnh vực giáo dục và hầu hết tuổi trẻ trong và ngoài nước.
Hiến pháp 1992 và bản dự thảo Hiến pháp
đều có những quy định mang tính khái quát về quyền học tập, quyền nghiên
cứu khoa học và công nghệ của công dân nhằm nâng cao quyền được học
tập, đặc biệt là trách nhiệm của giới trẻ đối với đất nước.
Có nên quy định học tập là nghĩa vụ?
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp
sửa đổi, Thạc sĩ Trần Tuyết Nhung, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
cũng cho rằng, cơ bản nội dung về phát triển giáo dục trong dự thảo Hiến
pháp đã tiếp tục kế thừa những quy định trong Hiến pháp năm 1992, nhưng
được thể hiện lại một cách tổng quát hơn, quy định những vấn đề đã được
xác định trong Cương lĩnh, như: tiếp tục khẳng định phát triển giáo dục
và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, tiếp tục xác
định mục đích, mục tiêu của phát triển giáo dục và khoa học, công nghệ.
|
Hầu hết mọi người ý thức, nếu không đến trường học tập sẽ ảnh hưởng xấu đến tương lai của chính bản thân sau này
|
Chị Ngô Thu Trang, Chủ nhiệm CLB Luật gia trẻ, Đại học Quốc gia cho
rằng, tại Điều 42 Hiến pháp sửa đổi quy định ''Công dân có quyền và
nghĩa vụ học tập'', nhưng theo chị Thu Trang “có nên quy định học tập là một nghĩa vụ của công dân?”.
Lý giải điều này, chị Thu Trang cho
rằng, đặc điểm của quan hệ nghĩa vụ là nếu vi phạm nghĩa vụ sẽ phát sinh
hậu quả pháp lý tiêu cực đối với người vi phạm. Tuy nhiên, nếu một con
người nào đó không học tập cũng không thể kết tội họ và ép buộc họ được.
Phải chăng chỉ phát sinh trách nhiệm pháp lý đối với người cản trở việc
học tập của trẻ em quy định tại khoản 8 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và
giáo dục trẻ em năm 2004.
Cùng với đó, với tình hình kinh tế - xã
hội hiện nay kể cả không quy định nghĩa vụ học tập thì hầu hết mọi người
ý thức được rằng, nếu không đến trường học tập sẽ ảnh hưởng xấu đến
tương lai của chính bản thân sau này. Nếu quy định như vậy, là đã coi
nghĩa vụ học tập với nghĩa vụ đóng thuế hay thực hiện nghĩa vụ có bản
chất tương tự như nhau, nhưng pháp luật và thực tiễn thì các nghĩa vụ
này khác nhau về hậu quả pháp lý và cách thức thực hiện.
Phải lường trước “kẽ hở” trong quá trình thực hiện
Không chỉ riêng chị Thu Trang, khi góp ý
vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nhiều người cũng cho rằng, Hiến pháp là
đạo luật tối cao, cơ bản của một quốc gia. Các vấn đề liên quan đến phát
triển giáo dục cũng đã được quy định trong Hiến pháp 1992. Việc cụ thể
hóa Hiến pháp cũng đã được quy định chi tiết tại Luật Giáo dục 2005 và
Luật Giáo dục Đại học năm 2012 và nhiều văn bản khác.
Tuy vậy, thực tế vẫn còn nhiều “kẽ hở”
trong quá trình thực hiện, gây cản trở trong công tác phát triển giáo
dục, làm dư luận bức xúc. Điển hình trong thời gian qua là tình trạng
“dạy thêm, học thêm”, “bệnh thành tích” trong giáo dục... Bộ GD-ĐT đã có
nhiều biện pháp, thậm chí kiểm tra gắt gao tình trạng này nhưng xem ra,
vẫn chưa đạt được hiệu quả vì chưa giải quyết gốc rễ vấn đề.
Rồi cả vấn đề tiền lương của giáo viên
quá thấp cũng ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Hiện nay, có khoảng 50%
số giáo viên từ bậc tiểu học đến THPT có mức lương 3-3,5 triệu/tháng.
Hệ số lương giáo viên mầm non bậc 1 là 1,86; bậc 10 là 3,66 thấp hơn cả
công tác đánh máy, lái xe cơ quan…
“Để Hiến pháp được áp dụng, cần có khung
pháp lý vững chắc cho những chính sách và văn bản pháp luật cụ thể hoá
Hiến pháp, để bảo vệ quyền học tập và quyền nghiên cứu khoa học của công
dân nói riêng và quyền con người nói chung”- Chị Trang đề nghị.
Thạc sỹ Trần Tuyết Nhung cũng băn khoăn
rằng, các trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước đối với nền giáo dục quốc
dân đã được quy định rõ trong Điều 59 của Hiến pháp 1992. Nhưng ở dự
thảo Hiến pháp sửa đổi, tại các Điều 65, 66 các trách nhiệm này không
được quy định. “Cần khôi phục lại các trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà
nước. Nếu không nền giáo dục đang hết sức khủng hoảng này sẽ còn tồi tệ
hơn nữa và không thể hình dung được hậu quả”.
Ở mục 3, Điều 66 trong Dự thảo Hiến pháp
quy định “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu
tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo
dục…”.
|
TS, dịch giả Nguyễn Thụy Anh
|
TS Nguyễn Thụy Anh, dịch giả chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”
cho rằng, nội dung “ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện…” chưa thực sự rõ
ràng mà cần phải cụ thể ưu tiên đến mức nào và tạo điều kiện đến mức
nào: “Cần có sự khẳng định chính xác và cụ thể về những quy định về ngôn
ngữ, thành phần giáo viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo tất cả các
cấp: mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học
– hạn chế hoặc không hạn chế, được phép hoặc không được phép...”.
Tạo hành lang pháp lý cho cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài
Lấy ví dụ cụ thể nhất gần đây là việc
bàn cãi về nội dung trong Nghị định 73/2012/NĐ-CP về Hợp tác, đầu tư của
nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục của Bộ GD-ĐT, trong đó có quy định
“học sinh Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình
của nước ngoài”, TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng, các chương trình đào tạo
quốc tế vào Việt Nam và những cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt
Nam có ý nghĩa lớn đối với việc mở rộng phông tri thức, văn hóa cho trẻ
em Việt Nam, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa cũng như phân mảng
trong giáo dục, tạo nền tảng cho việc hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thụy Anh, rất
cần có một quy định rõ ràng trong Hiến pháp để có tiền đề tạo ra hành
lang pháp lý cho những cơ sở giáo dục của nước ngoài hoặc có yếu tố nước
ngoài, để các nhà đầu tư giáo dục được yên tâm trong việc vạch ra chiến
lược phát triển lâu dài của mình ở Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan có
trách nhiệm quản lý họ cũng tránh được việc phải liên tục đưa ra các quy
định mới, gây lãng phí và tốn kém về tài chính kèm theo.
TS Nguyễn Thụy Anh cũng cho rằng, đã đến
lúc cần nghĩ đến “các hình thức giáo dục khác” hiện nay đang ngày càng
phong phú trong nền giáo dục hiện đại của thế giới. “Vậy những hình
thức giáo dục nào được phép xây dựng và phát triển ở lãnh thổ Việt Nam
hay bất kỳ hình thức mới nào cũng được chấp nhận? Lấy ví dụ, hình thức
“homeschooling”-tổ chức việc học ở nhà, vẫn đi thi để lấy bằng ở các cơ
sở giáo dục công lập-liệu có được chấp nhận ở Việt Nam? Nếu trong Hiến
pháp không có quy định gì về việc này, trong tương lai các hình thức
giáo dục và đầu tư giáo dục cũng như cải cách giáo dục sẽ gặp khó khăn
khi tiến hành ở Việt Nam”- TS Nguyễn Thụy Anh nói.
Về việc thống nhất quản lý hệ thống giáo
dục quốc dân, TS Nguyễn Thụy Anh đề nghị, cần nêu rõ hơn là những mảng
nào cần phải hoặc bắt buộc phải thống nhất. “Phải chăng đó là chỉ có duy
nhất một hệ thống giáo dục, duy nhất một bộ sách giáo khoa còn tất cả
các sách khác chỉ để tham khảo mà không được đưa vào sử dụng, hay có thể
được sử dụng sau khi đệ trình lên một Ban xét duyệt của Bộ GD-ĐT và
được thông qua? Điều này khá quan trọng và có thể coi là cốt tử của việc
quản lý giáo dục, nếu được nêu rõ trong Hiến pháp sẽ giúp các nhà sư
phạm và những cán bộ, chuyên gia quản lý giáo dục dễ dàng thực hiện công
việc của mình?.
Chị Ngô Thu Trang cũng cho rằng, cần bổ
sung thêm quy định ''Nhà nước quản lý công tác giáo dục, đề ra các chiến
lược, chính sách phát triển giáo dục; hoàn thiện nền giáo dục cho sát
và phù hợp với yêu cầu của người dân; tạo điều kiện tối đa cho phát
triển khoa học và nghiên cứu khoa học. Có sự đảm bảo của Nhà nước''. Có
như vậy thì người dân mới có điều kiện phát huy toàn diện quyền của mình
trong lĩnh vực học tập và nghiên cứu khoa học.
Theo chị Trang, cũng cần có các chế tài
xử lý nghiêm đối với một số hành vi tiêu cực trong giáo dục, một bộ phận
những ''con sâu làm rầu nồi canh'', gây bức xúc cho người dân hiện nay.
Bên cạnh đó cũng cần khuyến khích các hành động tố cáo, phát hiện các
hành vi trên của những công dân có ý thức phòng chống tiêu cực trong
giáo dục và bệnh thành tích trong thi cử. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng
cường, đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, thu hút đầu tư từ phía các
tổ chức tư nhân, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung ứng nguồn
vốn cho sự phát triển của giáo dục Nước nhà./.