Ngày 15/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị góp ý và báo cáo kết quả
lấy ý kiến của bộ này về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhiều ý
kiến tập trung góp ý vào chương Chủ tịch nước và các kiến nghị liên quan
đến Chỉnh phủ, Thủ tướng, các Bộ...
Trong góp ý về những điều khoản cụ thể liên quan đến Chủ tịch nước,
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sơn La cho rằng cần bổ sung nhiệm vụ và
quyền hạn đặc biệt của Chủ tịch nước trong điều kiện đất nước có chiến
tranh. Chủ tịch nước với tư cách là “thống lĩnh các lực lượng vũ trang
và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng An ninh”.
Sở Tư pháp Bắc Ninh góp ý, cần phải khẳng định Chủ tịch nước là
nguyên thủ quốc gia, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về
đối nội, đối ngoại.
Sở Tư pháp Quảng Ninh đề nghị bổ sung quy định Chủ tịch nước. Đó là
trong thời gian Quốc hội không họp, theo đề nghị của Thủ tướng Chính
phủ, có quyền miễn nhiệm, cách chức các chức danh của Chính phủ do Chủ
tịch nước bổ nhiệm. Ví dụ như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên
khác của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Liên quan đến các quy định của Dự thảo về Chính phủ, Thủ tướng, Bộ
trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Bộ Tư pháp nhấn mạnh về trách nhiệm
của Thủ tướng. Dự thảo Hiến pháp mới chỉ bổ sung quy định trách nhiệm
của Thủ tướng báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
và Chủ tịch nước. Trách nhiệm của Thủ tướng trong việc báo cáo công tác
trước nhân dân thì chưa được quy định, trong khi lại yêu cầu các Bộ
trưởng phải chịu trách nhiệm này là chưa hợp lý.
Theo Bộ Tư pháp Thủ tướng cũng phải có trách nhiệm báo cáo công tác
của mình trước nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về công tác của
mình. Đây cũng là trách nhiệm chính trị của Thủ tướng, là một phương
thức để nhân dân có được cơ chế giám sát hoạt động của Thủ tướng.