Nằm bên bờ sông Đuống, Đông Hồ
xưa thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, là làng
nghề nổi tiếng về tranh khắc gỗ dân gian. Đây là dòng tranh sản xuất
bằng phương pháp thủ công truyền thống, sử dụng chất liệu có sẵn trong
thiên nhiên như: Màu đen được chế từ than xoan hay than lá tre, màu xanh
từ gỉ đồng hay lá chàm, màu vàng từ hoa hòe...
Tranh Đông Hồ có nhiều thể loại,
từ tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh thờ tự cho đến tranh sinh
hoạt. Mỗi thể loại phản ánh mỗi chiều cạnh khác nhau của cuộc sống dân
dã, trong đó ẩn chứa những tâm tư, tình cảm và khát vọng của cư dân nông
nghiệp. Chính vì thế, vào mỗi phiên chợ bán tranh của làng, tranh Đông
Hồ không chỉ được bà con vùng Kinh Bắc ưa thích mà khách thập phương
cũng đến mua để treo chơi trong các dịp tết. Mỗi năm, phiên chợ bán
tranh của làng chỉ họp 5 phiên, mỗi phiên 5 ngày vào dịp tháng Chạp, vì
vậy phiên chợ càng trở nên tấp nập, đặc sắc.
Theo thời gian và lịch sử, làng
tranh nổi tiếng vùng Kinh Bắc này cũng có những thăng trầm đáng nhớ.
Sách xưa chép lại, thời kỳ cực thịnh của dòng tranh này là trước năm
1944. Thời đó, 17 dòng họ trong làng Đông Hồ đều làm tranh. Chẳng thế mà
trong làng, ngoài xóm đi đến đâu người ta cũng dễ dàng được chiêm
ngưỡng “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Nhưng đến những năm 1960, tranh
Đông Hồ bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn. Những bản khắc cổ có giá
trị đã bị hư hỏng, thất lạc nhiều. Đặc biệt, từ năm 1990 trở lại đây, do
sự thay đổi về nhu cầu thẩm mỹ cũng như tác động của kinh tế thị
trường, các hình thức in lưới, dùng bột mầu thay cho chất liệu thiên
nhiên trở nên phổ biến đã làm cho dòng tranh mất dần đi những nét đặc
trưng vốn có. Cộng với nhiều hộ gia đình ở Đông Hồ đã chuyển sang nghề
làm hàng mã thu nhập cao hơn nên việc khôi phục và phát triển dòng tranh
dân gian này ngày càng khó khăn.
Tuy nhiên, về làng tranh Đông Hồ
những ngày này, người ta vẫn chiêm nghiệm ra sự mai một dù đang lan tỏa
mạnh nhưng những dấu ấn hào hoa của làng tranh dân gian này vẫn còn in
đậm trong văn thơ, hội hè, đình đám, trong ký ức của rất nhiều du khách
thập phương và không ít khách quốc tế. Cho nên, hàng ngày vẫn có không
ít đoàn khách trong nước và quốc tế về với làng tranh để mong được tìm
hiểu, khám phá những nét xưa trên giấy điệp. Và dù chỉ còn rất ít nghệ
nhân sống với nghề, say với nghề nhưng họ vẫn ngày ngày ra sức gìn giữ,
bảo tồn vốn cổ. Họ coi đó không đơn thuần là trách nhiệm để bảo tồn nghề
truyền thống của gia đình, của làng Mái, Đông Hồ xưa mà còn để bảo tồn
nét độc đáo của văn hóa Việt.
Chính vì thế, sự kiện nghề làm
tranh dân gian Đông Hồ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
làm cho người dân tỉnh Bắc Ninh nói chung và dân làng tranh Đông Hồ nói
riêng vô cùng phấn khởi; là động lực để mỗi người dân làng tranh thêm
phần trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản. Được biết, sắp tới, tỉnh Bắc
Ninh sẽ xây dựng hồ sơ trình UNESCO xét công nhận tranh Đông Hồ là “Di
sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” nhằm tiếp tục gìn giữ
và phát huy giá trị văn hóa đặc biệt này cho muôn đời sau./.
(Theo ven.vn)
|