Người tiêu dùng băn khoăn giữa sự thật giả của hàng hóa
"Vải thưa” che mắt người tiêu dùng
Theo Chi cục Quản lý thị trường
(QLTT) TP. Hồ Chí Minh, mặc dù thị trường đã được cơ quan chức năng kiểm
tra và giám sát kỹ nhưng tình hình buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng
kém chất lượng và gian lận thương mại trên địa bàn vẫn rất phức tạp.
Tại hệ thống chợ sỉ, chợ lẻ và các
trung tâm thương mại như chợ Kim Biên quận 5, Bến Thành (quận 1)… mắt
kính, đồng hồ, quần áo, túi xách đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm xuất xứ Trung
Quốc được bày bán tràn lan. Để có thể đưa đến tận tay người tiêu dùng
(NTD) những mặt hàng giả, hàng nhái chủ các cửa hàng không ngừng tiếp
thị sản phẩm. NTD có thể dễ dàng chọn mua những cặp mắt kính, túi xách
có nhãn hiệu cao cấp như: nhãn hiệu Gucci, Rayban, Versace, LV (Loui
Vution)… có xuất xứ từ Ý, Pháp, Mỹ. Đáng lo ngại là tất cả đều là hàng
dỏm "made in China”, có giá gốc chỉ vài chục ngàn đồng nhưng bán ra với
giá từ vài trăm cho đến cả triệu đồng. Mặt hàng dây điện, điện gia dụng
kém chất lượng cũng được bày bán tràn lan tại chợ điện – điện tử Nhật
Tảo (quận 10) đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng với giá rất mềm. Đơn
cử, ổ điện của Trung Quốc có giá bằng khoảng 1/2 so với các sản phẩm có
thương hiệu được sản xuất tại Việt Nam. Với hình thức bên ngoài tạo cho
người mua yên tâm về chất lượng nhưng nguy cơ cháy nổ khi sử dụng là rất
cao. Không chỉ là dừng lại, mặt hàng thực phẩm cũng đang gióng lên hồi
chuông báo động khi mà thực phẩm khô, bánh, kẹo, mứt… không nhãn mác,
hóa đơn chứng cứ ào ào "tập kết” tại các chợ và cửa hàng, trà trộn trong
những mặt hàng chất lượng nhằm mục đích lấy "vải thưa” che mắt NTD.

Để hạn chế mua lầm những mỹ phẩm giả,
khách hàng thường đến các trung tâm thương mại uy tín.
Ảnh: S. XANH
Nguy cơ từ bán hàng qua mạng, qua truyền hình
Quản lý sản xuất và nhập khẩu lỏng
lẻo khiến hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng có cơ hội tồn tại
khắp nơi. Bất kỳ sản phẩm gì, mặt hàng nào đang lưu thông trên thị
trường cũng được làm giả. Điều này chứng tỏ thị trường hàng hóa ngày
càng trở nên mất an toàn, NTD cảm thấy khó khăn trong việc mua sắm bởi
đụng đâu cũng thấy hàng giả, hàng nhái. Ngoài nguyên nhân khách quan là
giá cả một số mặt hàng của một số nước quá rẻ, mẫu mã, chủng loại đáp
ứng các nhu cầu của NTD, về chủ quan là do chỉ đạo của các địa phương
chưa quyết liệt, có biểu hiện dung túng nên hàng giả vẫn có "đất sống”
đó là lý do tại sao hàng giả vẫn có thể đi nguyên xe tải lớn không giấy
tờ từ biên giới vào sâu trong nội địa. Nếu như ngày xưa hàng giả thường
đi bằng con tiểu ngạch thì hiện nay hàng giả còn đi qua cả con đường
nhập khẩu chính ngạch.
Đáng chú ý, đối tượng gian lận
thương mại liên tục tận dụng các phương thức, các kênh phân phối như bán
hàng trực tiếp, bán hàng qua mạng, bán hàng qua truyền hình…để đưa sản
phẩm kém chất lượng đến tay NTD. Tuy nhiên, tất cả hình thức bán hàng
trên, đặc biệt là bán hàng qua mạng và truyền hình đều không rõ ràng về
chất lượng, không hóa đơn chứng từ, không xuất xứ hàng hóa gây thiệt hại
cho NTD và gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Năm 2012, lực lượng quản
lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã tạm giữ và xử lý gần 3 triệu đơn vị sản
phẩm chủ yếu là bia, rượu, sữa, thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, điện
thoại, đồng hồ, hàng điện tử… Riêng hàng giả QLTT tạm giữ và xử lý
131.639 đơn vị sản phẩm gồm đồng hồ hiệu Rolex, Longines; giày giả hiệu
Nike, Adidas; túi xách, nón , ví, dây nịt giả hiệu Louis Vuitton: mỹ
phẩm giả hiệu Chanel… Nhưng thực tế thì vẫn chỉ là phần nổi của tảng
băng chìm mà thôi.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Đội phó Đội QLTT 2A:
Hình thức bán hàng qua truyền hình đang nở rộ. Tuy nhiên, thông tin các
mặt hàng đều không rõ ràng và cụ thể như: không có địa điểm kinh doanh,
không có hóa đơn chứng từ, chất lượng hàng hóa không rõ ràng gây khó
khăn lớn cho cơ quan chức năng kiểm tra khi có khiếu nại của người tiêu
dùng. Do đó, cần phải quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp bán hàng qua
truyền hình. Đặc biệt, phải yêu cầu quảng cáo trên truyền hình có thông
tin địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Tùng, Đội trưởng đội QLTT quận Tân Phú: Muốn
quản lý tốt thị trường hàng hóa, hệ thống pháp luật cần sửa đổi, bổ
sung với chế tài mạnh vì mức xử phạt hiện nay không đủ sức răn đe. Phát
huy sức mạnh của NTD và cơ quan thông tin đại chúng trong việc công khai
những đơn vị làm ăn gian dối.
TÂM LUÂN (ghi) |
(Theo daidoanket.vn)