Trẻ hái nhầm “trái đắng”: Sao đổ hết lên đầu “liên kết”?

Bộ sách này từng dạy trẻ em gian lận thi cử và vô lễ với người lớn
Chỉ là hiện tượng, không phải bản chất
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty Văn hóa và Truyền thông
Phương Đông cho biết, thời gian vừa qua, Công ty Phương Đông bắt tay với
nhiều NXB uy tín, thực hiện liên kết rất nhiều cuốn sách, mọi việc đều
trôi chảy. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Hà tỏ ra bức xúc khi có sự cố gì
thì mọi trách nhiệm đều đổ hết lên đầu công ty tư nhân còn các NXB nhiều
khi lại không hề hấn gì. “Theo tôi như thế các công ty tư nhân rất
thiệt thòi, tiền quản lý phí chúng tôi đều phải nộp đầy đủ, khi đưa bản
thảo, biên tập viên NXB đọc và cắt thế nào chúng tôi đều phải thực hiện
đúng, nhưng khi xảy ra sự cố thì phần sai lại thuộc về các đơn vị tư
nhân”, bà Hà chia sẻ. Cũng theo bà Nguyễn Thanh Hà, để tránh được những
sai sót không đáng có thì quy trình kiểm soát bản thảo cần gắt gao hơn,
ví dụ kiểm soát bản can cuối cùng. Tuy nhiên việc này để làm được sẽ rất
khó.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa Trí Việt cũng cho rằng,
bản chất của sự liên kết xuất bản không có gì xấu, ngược lại còn mở ra
những cánh cửa mới, hỗ trợ xuất bản, tạo rất nhiều thuận lợi cho những
người làm sách được sống với sách. Trước đây, khi chưa có liên kết xuất
bản, các NXB thường xuyên kêu trời vì lượng công việc quá tải khi thị
trường có hàng trăm nghìn hướng mở về bản thảo mà nguồn lực của mỗi NXB
đều có những hạn chế. Từ khi có thể liên kết xuất bản, sách mới, sách
hay, sách đẹp, sách độc đáo, toàn bộ tinh hoa văn hóa và trí tuệ của
thế giới đều được cả cộng đồng xuất bản (bao gồm các NXB và các công ty
tư nhân) cùng rà soát liên tục và hầu hết là đã mua bản quyền về xuất
bản ở Việt Nam.
Nếu làm đúng, thì liên kết xuất bản chính là tận dụng nguồn lực của các
thành phần kinh tế để cùng nhau làm tốt công việc chuyên môn. Một số
“con sâu” đã “làm rầu” không phải là toàn bộ “nồi canh” liên kết xuất
bản và cũng không thể đại diện cho những người làm sách chân chính, chỉ
có những người cố tình làm sai đã và sẽ luôn trở thành con sâu làm rầu
nồi canh, làm cho mọi thứ trở nên méo mó và tội lỗi.
Không thể “vơ đũa cả nắm”
Đánh giá về những cuốn sách với nhiều sai sót, gây dư luận trong thời
gian gần đây, ông Nguyễn Văn Phước cho rằng, đó chỉ là những ấn phẩm
mang tính cá nhân, thẩm mỹ thấp kém, bị xã hội lên án và được đơn vị làm
sách ủng hộ. Đó không thể gọi là những tác phẩm mà chỉ là những ấn phẩm
tồi; các cuốn sách (mọi chủng loại) còn để lại lỗi sau quá trình biên
tập, in ấn; thì nên gọi chung lỗi này là do trình độ thấp, chứ đừng nên
vơ đũa cả nắm, xếp tất cả vào chung “một chiếu” như vậy rất bất công.
Tại Trí Việt, chỉ phát hành các ấn phẩm chất lượng cao luôn được duy
trì. Lần gần đây nhất, trong khi phối hợp với một đối tác liên kết xuất
bản bộ truyện tranh “Why” (của Hàn Quốc), bộ truyện rất hay nhưng vì đối
tác liên kết chịu trách nhiệm biên tập, tổ chức nội dung đã để lại một
số lỗi về kiến thức, theo Trí Việt là không thể chấp nhận được nên tự
công ty đã thỏa thuận với đối tác và được sự đồng ý của họ để cùng nhau
tự thu hồi cuốn sách, cam kết biên tập chỉnh sửa, đổi lại các cuốn mới
thật chỉn chu, kỹ lưỡng, chính xác cho người đọc Việt Nam.
“Trẻ em như tờ giấy trắng”
Gần đây có ý kiến cho rằng, trẻ sẽ lệch lạc về sự nhận biết và khả năng
tư duy nếu như cứ học và tiếp cận với những bộ sách nước ngoài được mua
bản quyền. Theo tôi nghĩ, ở đây có tính hai mặt. Những cuốn sách như
Hoàng tử bé, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Alixơ ở xứ sở kì diệu, Không gia
đình… thì quá hay đấy chứ. Đến người lớn có khi vẫn còn mê. Bên cạnh
những cuốn sách có giá trị văn học, thì hiện nay cũng có những cuốn sách
xuất bản theo thị hiếu, giá trị văn học và giáo dục không được quan tâm
đúng mức, cũng ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách của trẻ. Việc xa
lạ với cuộc sống của thiếu nhi Việt Nam theo tôi không quan trọng bằng
giá trị đích thực của chính cuốn sách. Đầu sách nào có giá trị thì mới
nên được phép đưa ra thị trường. Nhất là sách cho trẻ em. Vì các em như
tờ giấy trắng. Chăm sóc cho chúng như thế nào, để sau này chúng ta không
phải hối hận. Nhà giáo dục, nhà làm sách, nhà nào đi chăng nữa cũng có
con cái. Nếu xác định một nguyên tắc chăm sóc trẻ em là chăm sóc tương
lai của mình - chúng ta sẽ biết mình cần làm gì, như thế nào.
Nhà văn Phong Điệp
(Còn nữa)
(Theo anninhthudo.vn)