Bà Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng đại học Hoa Sen) và
ông Vũ Đức Hiếu (giám đốc bảo tàng Không gian văn hoá Mường) sẽ được
trao giải Văn hoá và Giáo dục.
Giải Nghiên cứu được trao cho một tên tuổi lớn: GS Lê
Thành Khôi, 90 tuổi, tác giả của gần 15 cuốn sách quan trọng và hàng
trăm bài báo khoa học viết bằng tiếng Pháp về lịch sử, văn hoá, văn minh
Đông, Tây, trong đó có Việt Nam. Ông từng là giáo sư danh dự đại học
René Descartes và chủ tịch hiệp hội Tầm nhìn thế giới; được xem là nhà
bác học có sự bao quát trên nhiều lĩnh vực tri thức rộng lớn. Giải
thưởng Phan Châu Trinh trao cho ông vì “những cống hiến nghiên cứu bác
học trong quá trình chiêm bái các nền văn hoá từ Đông sang Tây”.
Giải Việt Nam học sẽ thuộc về tiến sĩ phương Đông học
và Việt Nam học người Pháp Philippe Langlet, nguyên giáo sư khoa Ngôn
ngữ và văn minh Đông Á tại đại học Paris VII, người đã cùng vợ mình, bà
Quách Thanh Tâm dịch và giới thiệu về văn hoá, lịch sử Việt Nam tại
Pháp. Ông từng dịch, giới thiệu và viết nhiều công trình quan trọng về
Việt Nam: Giới thiệu lịch sử Việt Nam đương đại (1975 – 2000) (viết
chung với Quách Thanh Tâm, NXB Les Indes Savantes, Paris, 2001), Thiền
Tông, một tác phẩm của các nhà sư Việt Nam xưa (dịch, giới thiệu và chủ
giải 56 bài trong Thiền uyển tập anh (NXB Aquilon, Paris, 2005), Minh
triết Phật giáo ở thời kỳ đầu của Việt Nam trước thế kỷ 12 (NXB Les
Indes Savantes, Paris, 2012), Tuệ trung ngữ lục (nguyên bản chữ Hán cùng
phần dịch sang tiếng Pháp và chú giải, NXB Les Indes Savantes, Paris,
2013)...
Giải thưởng dịch thuật năm nay được trao cho hai dịch
giả rất uy tín, đã có những dịch phẩm có sức lan toả mạnh trong đời sống
văn học, triết học và khoa học xã hội nói chung thời gian gần đây: Chu
Tiến Ánh và Phạm Nguyên Trường. Dịch giả Chu Tiến Ánh, người đã dày công
dịch, giới thiệu các tác phẩm quan trọng của triết gia Pháp đương đại
Edgar Morin, đáng kể nhất là ba cuốn (Đạo đức học, Tư tưởng, Tri thức về
tri thức) trong bộ sáu cuốn La Méthode (Phương pháp) và tác phẩm có
tính dẫn nhập Nhập môn tư duy phức hợp.
Dịch giả Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường),
dịch giả của những tác phẩm gây tiếng vang trong đời sống học thuật
khoảng năm năm trở lại đây như: Đường về nô lệ (của F.A. Hayek), Chế độ
dân chủ – Nhà nước và xã hội (của N.M.Voskresenskaia và N.B.
Davletshina), Về trí thức Nga (nhiều tác giả), Tâm lý học đám đông và
phân tích cái tôi của S. Freud in chung trong cuốn Tâm lý học đám đông
của Gustave Le Bon do Nguyễn Xuân Khánh dịch, Khảo lược Adam Smith
(Eamonn Butler) và mới đây nhất là cuốn sách kinh điển về hải chiến Ảnh
hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660 – 1783 của A.T.
Mahan. Ngoài các dịch phẩm học thuật do NXB Tri Thức in trong thời gian
từ 2009 trở lại đây, dịch giả Phạm Nguyên Trường còn được độc giả biết
đến với nhiều dịch phẩm văn học nổi tiếng của George Owell, Aleksandr
Solzhenitsyn...
Trong thông cáo về giải thưởng, ban tổ chức giải Văn
hoá Phan Châu Trinh viết: “Trao giải Dịch thuật cho Phạm Duy Hiển, quỹ
Văn hoá Phan Châu Trinh mong muốn tiếp tục biểu dương nỗ lực khai hoá
qua con đường đưa đến cho độc giả Việt Nam những giá trị kinh điển của
nhân loại”.
Giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh sẽ tổ chức giới
thiệu và công bố chính thức hệ thống giải lần VI (năm 2012) vào 14 giờ
ngày 25.3 tại hội trường tầng 3, Vusta 53 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà
Nội.
Qua sáu năm hoạt động, đây vẫn là một giải thưởng học thuật có thái độ độc lập, trí thức và danh giá tại Việt Nam hiện nay.
(Theo sgtt.vn)