Nhà nghiên cứu Trần Văn Mỹ, tác giả cuốn sách nói trên - "Làng Đại Lan -
những nét văn hóa xưa" - sẽ chia sẻ với bạn đọc quanh câu chuyện này!
 |
Đầu năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi hoàn thành
việc biên soạn sách "Làng Đại Lan - những nét văn hóa xưa" kể về đời
sống muôn mặt của một làng cổ ở phía nam sông Hồng (nay thuộc xã Duyên
Hà, Thanh Trì). Từ thay đổi về đất đai, cách ăn mặc, đến nghề trồng dâu
chăn tằm, đánh cá, tất cả đều mang một nét riêng. Đại Lan được biết tới
là nơi khí thiêng hội tụ với 7 vị đỗ tiến sỹ, 35 vị hương cống, sinh đồ
vào các đời Trần - Lê. Nét văn hóa độc đáo của vùng đất này còn được thể
hiện qua bản hương ước do các chức sắc của làng soạn thảo năm 1924 bằng
chữ Nôm, gồm 108 điều, trong đó có nhiều điều đến nay vẫn còn nguyên
giá trị.
Chỉ ít ngày sau khi sách phát hành, tôi thật sự bất ngờ khi đã nhận được
nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Họ là những người nông dân ở đủ lứa
tuổi, cán bộ về hưu và cả các nhà khoa học như TS Nisi Mura. Vị tiến sỹ
từ đất nước "Mặt trời mọc" này khi đó đang nghiên cứu về gốm sứ làng Kim
Lan, huyện Gia Lâm, đã tìm gặp và tặng tôi tấm bản đồ Hồng Đức vẽ năm
1490 dưới thời vua Lê Thánh Tông mô tả hình thế kinh đô Thăng Long. Qua
đây, TS Nisi Mura khẳng định rằng, hai làng Kim Lan (Gia Lâm) và Đại Lan
(Thanh Trì) có sự liên quan mật thiết, vì cùng thờ Cao Biền. Ông Trần
Văn Thụ, một nhà giáo về hưu cũng đã tặng tôi một số tư liệu Hán - Nôm
mà ông đã giữ gìn cẩn thận, trong đó có bản Văn tế chữ Hán 85 trang do
các vị chức sắc của làng soạn năm 1886, góp phần khẳng định nhận định
của TS Nisi Mura là chính xác.
Một tài liệu khác gồm 7 trang chữ Hán, kể rằng làng Tiểu Lan (cuối đời
Lê được đổi thành Yên Mỹ) và Đại Lan khi di sang bờ bắc vốn là 2 ấp cùng
một xã, có phong tục đẹp, nhưng khi trở về bờ nam, chỉ vì tranh chấp
một bãi đất bồi mà xảy ra việc kiện tụng kéo dài. Chức sắc hai làng đã
họp bàn và soạn những điều khoán ước cam kết nối lại tình xưa…
Những tài liệu Hán - Nôm mới sưu tầm ở Đại Lan đã giúp tôi khẳng định
điều trăn trở lâu nay là các làng Đại Lan, Yên Mỹ (Thanh Trì) và làng
Trung Quan (xã Văn Đức, Gia Lâm) hiện nay, vốn là 3 làng Lan có cùng
chung một gốc. Để sớm công bố các tài liệu quý giá này, tôi quyết định
tái bản sách "Làng Đại Lan - những nét văn hóa xưa".
Mừng là, sau khi tái bản, dựa vào mục "Các kỳ lễ chính trong năm", một
chi họ Đặng ở làng đã tổ chức lễ giỗ Đức Thánh Cả sau nhiều năm ngắt
quãng. Ông Triệu Văn Lưu (làng Mai Động, quận Hoàng Mai) còn cho hay,
những tài liệu Hán - Nôm và các bài văn tế trong sách là tài liệu để các
học viên của lớp Hán - Nôm (mở tại chùa Cổ Linh, quận Long Biên) nghiên
cứu, học cách viết văn tế của người xưa.
Thật không có gì vui hơn khi trong cuộc sống tất bật hôm nay, thông tin
về những ngôi làng cổ ở Hà Nội đã được quan tâm bằng cả tinh thần và vật
chất đáng trân trọng đến vậy!