Ở
Nam Bộ, tranh thờ ngày xưa, cực hiếm hoi là các bức chạm gỗ, phù điêu
sơn son thiếp vàng và phổ biến là các bài vị khắc chữ Hán trên gỗ; kế đó
là các sản phẩm cẩn xà cừ hay phổ biến là viết vẽ trên giấy hồng đơn...
Đến đầu thế kỷ XX, sự xuất hiện của tranh kiếng đã cung ứng cho nhu cầu
trang trí, thờ tự một loại đặc phẩm mỹ thuật thích dụng và đặc biệt,
nhờ chúng có giá thành hạ nên nhanh chóng phổ biến khắp cả miền Nam,
trong cả đình, chùa, đền, miếu đến tận gia đình, tiệm quán...
Nghề
vẽ tranh kiếng được truyền vào Việt Nam do những di dân người Hoa vào
đầu thế kỷ XX. Lúc đầu, các tiệm kiếng ở Chợ Lớn chỉ buôn bán các loại
kiếng soi mặt, cắt kiếng lộng khuôn hình, lắp tủ kiếng và những loại
kiếng màu xanh, vàng, đỏ để gắn khung cửa chớp, cửa gió... về sau họ còn
vẽ những tấm đại tự trên kiếng thủy, chữ nhũ vàng dùng để mua tặng nhân
dịp hiếu hỷ khai trương, tân gia, đám cưới, chúc thọ... và cả những bộ
tranh thư họa.

Ngũ Công Vương Phật, Chợ Lớn.
Đến
thập niên 1920, một số thợ vẽ tranh kiếng này theo về Lái Thiêu, cái
nôi của ngành thủ công nghiệp lúc bấy giờ. Lái Thiêu thuộc Thủ Dầu Một
(nay là tỉnh Bình Dương), cách Sài Gòn-Chợ Lớn không xa, là vùng đất
giàu tài nguyên, giao thương thuận tiện, lại có đường xe lửa Sài Gòn-Lộc
Ninh nên nơi đây là chợ đầu mối tập trung hàng hóa bán buôn, phân phối
đi khắp nơi. Nghề vẽ tranh kiếng Lái Thiêu khởi phát nhanh chóng, lại
được bổ sung bằng đội ngũ họa sĩ được đào tạo từ Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu
Một nên càng ngày càng có chất lượng hơn, chiếm được thị phần quan trọng
khắp Nam Kỳ. Bấy giờ, ghe buôn tấp nập đậu chờ dưới bến lấy hàng ngày
đêm...
Sau,
Cách mạng Tháng Tám bùng lên, thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương. Đầu
năm 1946, quân đội Anh-Pháp tiến chiếm Thủ Dầu Một (Bình Dương), lập đồn
bót, bắt bớ dân lành. Nhà tiệm đóng cửa, chợ búa không nhóm, mọi ngành
nghề đều ngưng hoạt động. Nghề làm tranh kiếng cũng không tránh khỏi ảnh
hưởng đó. Qua Tết Bính Tuất 1946, hoạt động mua bán chợ Lái Thiêu mới
hoạt động trở lại nhưng còn thưa vắng, giao thương khó khăn, trì trệ.
Lúc bấy giờ, nguyên liệu để làm tranh kiếng rất khan hiếm. Đến thập niên
1950, tình hình tạm lắng, nhưng công việc làm tranh kiếng thì ế ẩm,
song vẫn còn duy trì và phát tán ra các địa phương khác. Ở đây, nghề vẽ
tranh kiếng vẫn được bảo lưu và duy trì bởi một số nhóm thợ vốn là học
trò của những lớp nghệ nhân vẽ tranh kiếng tài hoa ngày trước, song
không thịnh đạt như trước.

Cửu Thiên Huyền Nữ, Lái Thiêu.
Về
kỹ thuật, tranh kiếng là loại tranh vẽ phía sau mặt kiếng. Khi bắt đầu
vẽ thì người thợ đặt tấm kiếng trên tờ giấy mẫu vẽ ngược, rồi dùng bút
lông chấm mực vẽ đồ theo tờ giấy mẫu ấy, từ chuyên môn được gọi là
“tách”. Người thợ tách phải có bàn tay khéo léo để nét bút được sắc sảo.
Sau khi tách xong, người thợ chấm sơn tô màu theo quy định vào những ô
đã tách và “tán” tức pha ô màu từ đậm tới lợt. Tô màu theo trình tự nhất
định: vật thể tiền cảnh trước, hậu cảnh sau. Cuối cùng là màu phông.
Rồi đem phơi khô. Sau khi tranh đã khô thì mới cẩn ốc xà cừ, dán vàng
quỳ, tô nhũ kim, hay dán giấy trang kim vào phía sau bức tranh để tăng
thêm phần rực rỡ. Sau cùng họ phủ thêm lớp sơn để bảo vệ rồi mới đặt vào
khuôn gỗ đóng hậu, hoàn thành sản phẩm.
Khởi
thủy, nguyên liệu để vẽ tranh kiếng là màu bột pha với đồng du (dầu cây
du đồng), mực tàu. Về sau người thợ vẽ dùng cả sơn tây, sơn ta, bột màu
pha a dao.
Đặc
điểm nổi bật trong quá trình phát triển của tranh kiếng là tại mỗi tọa
độ địa lý - văn hóa, nó luôn tích hợp những nội dung mới để phù hợp với
phong hóa cộng đồng dân cư, dân tộc và từ đó, mỗi dòng tranh kiếng hình
thành những sắc thái riêng biệt, độc đáo.
1. Dòng tranh Chợ Lớn
Tranh
kiếng người Hoa ở Chợ Lớn có lịch sử lâu đời nhất và trước hết, chúng
đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa, người Minh
Hương và kế đó là người Việt. Loại tranh sản xuất ở Chợ Lớn có đặc trưng
thường dùng màu đỏ, dán giấy quỳ vàng, quỳ bạc và áp dụng kỹ thuật
tráng thủy tạo nên những đường nét hay nền bức tranh thường ánh lên sắc
sáng bạc tăng thêm phần lung linh. Ở kỹ thuật tráng thủy, trước tiên
người thợ đổ một lớp sáp lỏng lên mặt sau của tấm kiếng, chờ sáp khô rồi
khắc những đường nét muốn tráng thủy lên. Việc khắc vẽ này là tạo nét
đường viền, trang trí hay nhằm cạo sạch lớp sáp để tráng thủy: thực hiện
phản ứng hóa học giống như phản ứng tráng gương. Dòng tranh Chợ Lớn
luôn tiếp nhận những kỹ thuật mới nên có nhiều cải tiến, áp dụng các kỹ
pháp tạo hình đa dạng. Đó là đặc trưng khác biệt với các dòng tranh
khác. Cái hay của tranh kiếng Chợ Lớn là sự tân kỳ, song về giá trị mỹ
thuật lại giảm sút, nặng về kỹ thuật.

Tử Vi, Chợ Lớn.
Dòng tranh kiếng Chợ Lớn chủ vào tranh chúc tụng và tranh thờ. Loại tranh khánh chúc rất
đa dạng về chủ đề cũng như kiểu thức thể hiện. Chúng thường được tặng
vào dịp lễ Tết, mừng thọ, mừng tân gia, khai trương các tiệm quán, cơ sở
kinh doanh, sản xuất.... như tranh Ngư ông đắc lợi với lời chúc Niên Niên đại lợi tặng vào dịp khai trương công việc làm ăn, cốt chúc cho chủ đạt được thành công, gặt hái nhiều lợi lộc. Còn tranh Bát Tiên biểu thị cho những điều chúc lành. Tranh Mã đáo thành công hàm ý chúc người được tặng gặt hái được thành công trong công việc, sự nghiệp... Tranh Ngũ lộ tài thần thể hiện năm vị thần tài cùng câu chúc Chiêu tài tiến bảo nhằm mong cầu giàu sang, phát tài.
Đây vừa là tranh khánh chúc vừa là tranh thờ. Loại tranh thờ, phổ
biến là tranh kiếng vẽ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tranh thờ Bồ tát cùng
rất nhiều đề tài hỗn hợp về các vị thần linh Hoa, Việt như Nhị phủ Bổn
Đầu Công, Quan Thánh Đế Quân, Huê Quang Đại Đế, Thiên Hậu Thánh Mẫu,
Ngọc Hoàng Thượng Đế, Lão Tử... Quan Thánh Đế quân tức Quan Công, một
nhân vật đời Tam Quốc, được coi là một võ quan trung nghĩa. Dân gian tin
tưởng Quan Đế có đầy đủ vạn năng uy lực nên được xác tín là “Vạn Năng
thần”.
Tranh
Quan Thánh Đế vẽ mỗi Quan Công và đa phần có tùng tự Quan Bình và Châu
Xương. Bộ ba Quan Đế, Quan Bình, Châu Xương tích hợp với Vương Thiên
Quân và Trương Tiên Đại Đế trở thành tranh Ngũ Công Vương Phật, gồm các
đối tượng đồng quyền năng tạo nên một sức mạnh phù trợ đa năng, nhiều uy
lực.
Các tranh thờ nữ thần rất phong phú. Bà Chúa Ngọc, Chúa Tiên là các
thần độ mạng phổ biến, chiếm tỷ lệ lớn trong số lượng tranh kiếng Chợ
Lớn. Các nữ thần bản xứ như bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Linh Sơn Thánh Mẫu
(Tây Ninh) cũng được vẽ làm loại tranh thờ trên kiếng.
Tranh
Ông Táo là một loại tranh thờ phổ biến khác. Ở Nam Bộ, tranh thờ Ông
Táo gồm Táo Quân và hai phụ tá: Tả Mạng thần quan có trách nhiệm ghi
công đức của chủ nhà và Hữu Mạng thần quan ghi chép tội lỗi của chủ nhà
để Táo Quân có chứng cớ tâu báo với Ngọc Hoàng mỗi dịp về trời vào ngày
23 tháng Chạp hằng năm.
Đặc trưng của dòng tranh kiếng Chợ Lớn là đề tài phong phú, đa tạp được thể hiện bằng nhiều kỹ pháp tân kỳ.
(*) Xem tiếp kỳ sau: Các dòng tranh Lái thiêu, Bà Vệ Và tranh kiếng khmer)
(Theo thethaovanhoa.vn)