Kinh tế trong nước đã từng bước thoát khỏi đáy
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại phiên họp này, Chính phủ đã nghe và thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2009, báo cáo công tác cải cách hành chính, bàn thảo các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2009 tăng 10,27% so với 6 tháng đầu năm 2008. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh giải thích, chỉ tiêu CPI năm 2009 mà Quốc hội thông qua ở mức dưới 10% là so sánh với tháng 12.2008. Nếu so sánh với tháng 12.2008, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2009 tăng 2,68%. Thứ trưởng Cao Viết Sinh khẳng định: “CPI năm 2009 ở mức dưới 10%, chắc chắn thực hiện được”.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2009 đạt 3,9%. Xây dựng và tiêu dùng trong nước đã trở thành bàn đạp để kéo GDP tăng trưởng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất của lĩnh vực xây dựng tăng tới 8,74%, tổng mức bán lẻ tiêu dùng cả nước 6 tháng tăng 20% so với cùng kỳ năm 2008.
Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 3,9% là khả quan. Ông Sinh nhận định, cho đến thời điểm hiện tại, kinh tế trong nước đã từng bước thoát khỏi đáy. Đây là kết quả của việc thực hiện đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân, nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ theo tín hiệu thị trường…
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 2.7, tổng dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo các Quyết định của Thủ tướng đạt trên 372 nghìn tỉ đồng. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng tiếp tục triển khai các gói kích cầu của Chính phủ, Chính phủ chưa có chủ trương thu hẹp diện hỗ trợ lãi suất.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhận xét: “Nếu Chính phủ tiếp tục có các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, mức tăng trưởng kinh tế năm 2009 có thể đạt cao hơn 5%”.
Công khai mọi quy định về thủ tục hành chính
Bên cạnh những kết quả trên, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong điều hành, tổ chức thực hiện. Một số lĩnh vực triển khai chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và đời sống xã hội, như việc huy động và giải ngân các nguồn vốn đầu tư đạt thấp, tiêu thụ hàng hóa nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nạn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, quản lý lao động nước ngoài, hiện tượng tái nghèo, nạn phá rừng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản ở một số địa phương…
Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mặc dù đã được tập trung chỉ đạo nhưng chưa đạt hiệu quả cao, kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kết thúc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung thực hiện trong thời gian tới: “Tiếp tục tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu GDP năm 2009 tăng cao hơn 5%, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, không để lạm phát quay trở lại, giữ vững an ninh trật tự”...
Về các biện pháp cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục tăng trưởng; thực hiện chính sách tài chính tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa lạm phát; thực hiện tốt các chính sách an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Các Bộ, ngành cần sâu sát địa phương, cơ sở; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; chỉ đạo tập trung, quyết liệt; kịp thời nắm bắt và giải quyết các vướng mắc, khó khăn; xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể, của từng cấp, từng cơ quan”.
Riêng về cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm, Thủ tướng yêu cầu đến tháng 9.2009, các Bộ, ngành có liên quan nhiều đến đời sống xã hội như Công an, Kế hoạch và Đầu tư… phải hoàn thành việc công bố công khai bộ thủ tục hành chính của ngành. Dựa vào các thủ tục đã công khai, nếu người dân phát hiện ra cấp cơ sở gây phiền phức, có quyền khiếu nại lên cấp trên. Chính phủ cũng sẽ có chế tài đối với các trường hợp chậm công khai thủ tục hành chính, cũng như việc thực hiện sai các thủ tục đã công khai.
Trước những diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành chức năng cần theo dõi sát tình hình, nâng cao năng lực nghiên cứu, phân tích tình hình, đổi mới và từng bước hiện đại hóa công tác thông tin, thống kê kinh tế - xã hội nhằm dự báo đúng và kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, phục vụ sát sự chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội đất nước.
Theo Thanh Niên