Phóng viên (PV):Thưa GS Phong Lê, ông định vị tác phẩm “Phác thảo văn học Việt Nam hiện đại (thế kỷ XX)” ở đâu trong sự nghiệp của mình?
GS Phong Lê:
Cuốn sách “Phác thảo văn học Việt Nam hiện đại (thế kỷ XX)” chỉ có thể
ra đời sau khi tôi đã viết 25 cuốn sách trong 50 năm công tác ở Viện Văn
học.
Đối
tượng tôi quan tâm là các tác giả; tính ra tôi đã viết trên dưới 150
chân dung các nhà văn, từ những nhà văn “mở đường” như Hoàng Ngọc Phách
(1896-1973) cho đến các nhà văn thành danh ở cuối thế kỷ XX. Nghiên cứu
các tác giả đều phải đặt sáng tác của họ trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể;
cho nên hiểu lịch sử văn học sẽ giúp các bài viết về tác giả sâu sắc
hơn. Theo tôi, văn học thế kỷ XX khu biệt thành một khu vực riêng trong
lịch sử văn học Việt Nam. Lịch sử văn học Việt Nam có 3 bộ phận: Văn học
dân gian, văn học trung đại (chữ Hán và chữ Nôm) và văn học chữ Quốc
ngữ. Văn học viết bằng chữ Quốc ngữ có từ giữa thế kỷ XIX nhưng đến đầu
thế kỷ XX mới phát triển cho nên văn học thế kỷ XX thực chất là văn học
chữ Quốc ngữ. Tôi tập trung nghiên cứu văn học chữ Quốc ngữ, bộ phận còn
lại là công việc của các nhà nghiên cứu khác.
 |
GS Phong Lê. Ảnh: H.H. |
Ban
đầu, trong nhan đề có chữ “tổng quan”, sau anh Chu Hảo (Giám đốc NXB
Tri thức) góp ý đổi thành là “phác thảo”. Tôi thấy góp ý đó là hợp lý vì
có nhiều vấn đề chưa thể bao quát được. Ngoài ra, tôi còn phải mở ngoặc
trong nhan đề “thế kỷ XX” bởi tôi cho rằng, văn học Việt Nam hiện đại
bắt đầu từ thập niên đầu tiên kể từ Phong trào Đông Du (1905) và Đông
Kinh nghĩa thục (1907) đến hết thế kỷ XX. Mặt khác, các xu hướng phát
triển văn học của hơn chục năm mở đầu thế kỷ XXI, tôi chưa bao quát được
và cần các công trình riêng nhờ nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu trong
tương lai.
PV:Giáo sư có thể cho biết khó khăn khi viết tác phẩm dày gần 600 trang này?
GS Phong Lê:
Khó khăn khách quan là văn học thế kỷ XX có quá nhiều sự kiện, đối
tượng khảo sát phong phú, bề bộn so với các thế kỷ trước, thậm chí là
nhiều thế kỷ gộp lại. Riêng đơn vị tác giả cần khảo sát đã lên tới hàng
nghìn; trong khi văn học trung đại, một thế kỷ cùng lắm chỉ dăm chục tác
giả tên tuổi.
Ngoài
ra, sự phát triển văn học trong thế kỷ XX quá nhanh so với 10 thế kỷ
văn học trung đại, cái mà tôi gọi là “gia tốc lịch sử” của sự phát
triển. Hãy so sánh Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX với các nhà văn, nhà thơ
thế hệ 8X cuối thế kỷ khác nhau ghê gớm thế nào.
PV:Đây không phải cuốn sách đầu tiên viết lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX, vậy đâu là điều xuyên suốt để ông làm nên cái riêng của tác phẩm dài hơi này?
GS Phong Lê:
Trong bài viết đầu tiên của cuốn sách, tôi đã chỉ ra hai xu hướng chính
của văn học Việt Nam thế kỷ XX là cách mạng hóa và hiện đại hóa.
Hiện
đại hóa là yêu cầu chung của các nền văn học Đông Á khi tiếp xúc với
nền văn học phương Tây. Song, do hoàn cảnh lịch sử nước ta là một nước
thuộc địa nên nền văn học Việt Nam luôn tồn tại ý thức dân tộc. Yêu cầu
hiện đại hóa ở Việt Nam là gắn với yêu cầu cách mạng hóa, bởi cuộc tìm
kiếm mục tiêu hiện đại phải trên cơ sở một đất nước có chủ quyền.
Những
kết quả hiện đại hóa và cách mạng hóa đã thu được thành tựu lớn trong
thế kỷ XX đã qua. Ngày nay, hiện đại hóa văn học vẫn còn tiếp tục mà
diện mạo và thành tựu khó có thể dự đoán.
PV:Trong tác phẩm này, điều gì khiến Giáo sư chưa thật hài lòng?
GS Phong Lê:
Tác phẩm này vẫn có khiếm khuyết nhất định. Dù tôi đã nghiên cứu nửa
thế kỷ nhưng chỉ một người viết nên có hạn chế vì khối lượng công việc
quá lớn. Giá như tầm bao quát rộng hơn, soi vào mọi góc khuất thì chất
lượng cuốn sách sẽ tốt hơn.
Phương
pháp tiếp cận lịch sử văn học của tôi là chủ nghĩa duy vật lịch sử. Tôi
quan niệm văn học như là tấm gương của xã hội, chịu sự tác động các ý
thức hệ xã hội. Tôi muốn làm rõ con đường phát triển của văn học gắn với
lịch sử dân tộc, đặt văn học đồng hành với lịch sử. Tất nhiên, văn học
là nghệ thuật ngôn từ nên biến động nghệ thuật ngôn từ có con đường phát
triển riêng mà chỉ có thể sử dụng các phương pháp nghiên cứu phương Tây
hiện đại để làm rõ. Đây là điều tôi chưa thực hiện được mà sẽ là công
việc của các thế hệ nghiên cứu mai sau, những người có sức trẻ và hoài
bão.
Tới
đây, NXB Khoa học xã hội sẽ thực hiện tuyển tập các tác phẩm của tôi
dày hơn 1.200 trang. Đó là món quà kết tinh một đời viết mà tôi muốn
dành tặng người đọc nhiều thế hệ.
PV:Xin cảm ơn Giáo sư!