Chỉ số hấp dẫn ngành nghề thấp
Theo ông Hoàng Trọng Quang, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Y học, người
dân Việt Nam vẫn chưa coi sách là thứ thiết yếu cho cuộc sống của mình.
Đây là nguyên nhân khách quan, bởi một khi nhu cầu sinh hoạt thiết yếu
ăn – mặc - ở của người dân vẫn chưa được đảm bảo thì sách trở thành thứ
“xa xỉ”. Do đó hoạt động trong ngành xuất bản cũng chưa trở thành công
việc hấp dẫn người lao động.
 |
Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản, phát hành 2013 |
Thời gian qua, giá cả tư liệu sản xuất cho ngành xuất bản liên tục
tăng nhưng giá bán sách không thể tăng lên, sách bán ra ít dẫn đến thu
nhập của người làm xuất bản không tăng trong nhiều năm trở lại đây. Khi
lương ngành xuất bản không đủ đáp ứng mức sống bình dân thì chỉ số hấp
dẫn của nghề thấp là điều tất nhiên.
Đơn cử tình trạng khó khăn trong hoạt động tuyển dụng. Sinh viên
ngành y dược phải mất 6-7 năm mới tốt nghiệp ra trường. Ngành y là một
trong những ngành có thời gian học cũng như học phí, chi phí phục vụ học
tập rất cao. Bởi vậy mà khi ra trường, hầu hết sinh viên đều muốn ứng
tuyển vào các bệnh viện và các đơn vị kinh doanh dịch vụ y tế. Ở đó họ
được sử dụng kiến thức y học vào thực tế, được hưởng mức lương cao, xứng
đáng với đầu tư của bản thân và gia đình. Như vậy, ngành xuất bản chỉ
trông chờ vào những sinh viên thực sự có tâm huyết với công việc làm “bà
đỡ” của kho tàng kiến thức chuyên ngành.
Khó khăn hơn nữa là việc nhà nước quy định người biên tập sách phải
có chứng chỉ biên tập viên. Theo đó, ngành xuất bản tuyển dụng được nhân
lực đã khó lại càng khó khi hiều nhà xuất bản mời các chuyên gia, các
nhà khoa học có uy tín tham gia biên tập sách nhưng lại gặp trở ngại khi
nhà nước yêu cầu phải có chứng chỉ biên tập viên mới được tham gia vào
hoạt động xuất bản.
Cơ sở đào tạo vừa thiếu, vừa yếu
Ông Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia - Sự
thật cho biết, hiện nay chỉ có 3 đơn vị đảm nhiệm đào tạo biên tập viên
xuất bản: Khoa xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa
xuất bản và phát hành - Đại học Văn hóa Hà Nội, Khoa xuất bản - Đại
học Văn hóa TP.HCM. Mỗi năm các cơ sở này cho ra đời khoảng 300 cử nhân
ngành xuất bản. Tuy nhiên các sinh viên này khi ra trường gặp lúng túng
khi tiếp cận ngành xuất bản vì chưa được đào tạo một chuyên ngành phù
hợp với chức năng của một loại sách nhà xuất bản yêu cầu. Ra trường chỉ
với tấm bằng cử nhân ngành xuất bản chưa đủ để một sinh viên có thể làm
việc ở bất cử một NXB hoặc một doanh nghiệp kinh doanh sách nào.
Riêng với NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, mỗi năm tiếp nhận 20 sinh
viên, tuy nhiên các bạn vẫn còn rất lúng túng khi làm quen với công
việc xuất bản. Phải mất nhiều thời gian đào tạo thêm thì may ra mới có
thể làm việc được. Như vậy, điều chỉnh lại công tác đào tạo nhân lực
ngành xuất bản là điều cấp thiết hiện nay.
Theo chia sẻ của khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì
đội ngũ cán bộ giảng dạy của khoa hiện còn rất yếu. Cả khoa chỉ 7-8
giảng viên, chủ yếu là những sinh viên xuất sắc của khoa các khóa trước
được giữ lại trường giảng dạy, chưa có kinh nghiệm thực tiễn về ngành
xuất bản.
Khó khắc phục
Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng khó khăn trên, ông Đỗ Quý Doãn,
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Khắc phục khó khăn
trong công tác đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực phục vụ ngành xuất
bản là vấn đề cực kỳ nan giải.
Ông cho biết, trước tình hình nhiều nhà xuất bản hiện nay vẫn đang
“gồng mình” lên vẫn không trả đủ lương cho nhân viên, nhuận bút cho tác
giả, việc cố gắng duy trì hoạt động là tình trạng chung của nhiều đơn vị
kinh doanh xuất bản ở nước ta. Nhìn vào tổng thể tình hình khó khăn này
thì vấn đề thu hút nguồn nhân lực vào công tác trong ngành đã khó, thu
hút được nguồn nhân lực có chất lượng lại càng khó hơn.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình lên Chính
phủ bản Dự thảo sửa đổi Luật Xuất bản trong đó có các quy định tạo điều
kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của nhà xuất bản. Trên cơ sở đó, hi
vọng trong thời gian tới ngành xuất bản cả nước sẽ có mức tăng trưởng
vượt trội hơn. Khi ngành xuất bản mang lại giá trị cao cho xã hội, thì
đồng thời cách nhìn nhận của người lao động đối với triển vọng ngành
xuất bản cũng sẽ thay đổi tích cực.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng có chỉ đạo đến các nhà xuất bản, trong
thời gian tới, mỗi đơn vị xuất bản cần chủ động vạch ra các chiến lược
đầu tư, phát triển hoạt động kinh doanh của mình, từng bước tháo gỡ khó
khăn chung của toàn ngành.