Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 29/03/2013 03:02
Muốn cho dân tin
Trong buổi nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hoá ngày 20/2/1947, Bác Hồ đã đề cập rất thẳng thắn tới những phẩm chất mà người cách mạng cần phải có để được dân tin. Và Bác cũng đã trả lời rất cặn kẽ câu hỏi: Cán bộ là gì?

Trong buổi nói chuyện đó, Bác Hồ đưa ra một định nghĩa rất dễ hiểu về cán bộ: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được...”.

Từ định nghĩa này, Bác đã xác định những phẩm chất mà người cán bộ của chế độ mới cần phải có đối với bản thân mình, đối với đồng chí, đối với công việc, đối với nhân dân và đối với đoàn thể. Đây có thể coi như bộ cẩm nang ứng xử của người cán bộ cách mạng. Trước hết, đối với bản thân mình, cần phải làm theo dúng những quy tắc sau: “Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng tiết kiệm”.

Trong quan hệ với đồng chí đồng đội, phải “thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kị và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị. Thí dụ: một anh nói giỏi, một anh không, khi ra quần chúng anh nói kém sợ anh nói giỏi lên nói, nói sẽ được công chúng vỗ tay hoan nghênh lấn át ảnh hưởng mình đi, nên không cho anh nói giỏi lên nói”.

Trong công việc, theo Bác, người cán bộ cách mạng “trước hết, phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau. Có việc địa phương này làm có lợi nhưng có hại cho địa phương khác. Những cái như thế phải tránh... Phải có kế hoạch bước đầu làm thế nào? Thành công thì thế nào? Nếu thất bại thì thế nào? Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát do dự...”.

Cũng trong bài nói chuyện với cán bộ Thanh Hóa tháng 2/1947, Bác Hồ thêm một lần nhấn mạnh tới nghĩa vụ của người cán bộ đối với nhân dân: “Phải nhớ Đoàn thể làm việc cho dân, Đoàn thể mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân”. Và Bác đúc kết: “Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết!”.

Về trách nhiệm của người cán bộ đối với tổ chức, Bác đã chỉ rõ: “Trước lúc mình vào Đoàn thể nào thì phải hiểu rõ Đoàn thể ấy là gì? Vào làm gì? Mỗi đoàn thể phải vì dân vì nước. Khi vào Đoàn thể, tự do cá nhân phải bỏ. Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đoàn thể. Phải tuyệt đối trung thành. Khi bình thời phải hết sức làm việc. Khi hiểm nguy phải hy sinh vì Đoàn thể. Hy sinh tính mạng, lợi quyền, giữ danh giá của Đoàn thể. Muốn giữ danh giá của Đoàn thể phải giữ danh giá mình. Không được báo cáo láo như: Làm thành một việc thì phóng đại, thất bại thì giấu đi....”.

Đặc biệt, Bác rất nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình của người cán bộ: “Một Đoàn thể mạnh thì cái tốt càng ngày càng phát triển, cái dở càng ngày càng bớt đi. Một điều tốt phải đưa ra tất cả mọi người cùng học, một điều xấu phải đưa ra tất cả mọi người cùng biết mà tránh...”.

Chỉ có những ai không làm thì mới không phạm sai lầm. Bất cứ một chính đảng nào khi trở thành lực lượng cầm quyền cũng dễ phải đối mặt “hội chứng vòng nguyệt quế” và vì thế, bị suy giảm uy tín trong xã hội. Hơn ai hết, ngay từ mùa thu năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rất rõ ràng về điều này và có lẽ chính vì thế, Bác Hồ đã luôn nhấn mạnh tới bản chất nhân dân của chính quyền cách mạng. Khi nói tới những công việc đã và đang làm của chính quyền mới, Bác đã nhấn mạnh:

“Chúng ta không sợ có khuyết điểm.
Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi.
Chúng ta phải lấy lòng chí công vô tư”.

Trong bài Chính phủ là công bộc của dân, viết ngày 19/9/1945 với bút danh Chiến Thắng, Bác đã nêu rõ:

Mười vạn nhân dân, cán bộ và bộ đội tỉnh Thanh Hóa mít tinh chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và hứa với Người ra sức xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa (12/1961).

“Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh.

Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó.

Ủy ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý. Ủy ban nhân dân thận trọng hết sức trong chỗ chi dùng công quỹ, không tuỳ ý tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống.

Những nhân viên Ủy ban sẽ không lợi dụng danh nghĩa Ủy ban để gây bè tìm cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình...

Ủy ban nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”.

Trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, viết ngày 17/10/1945, Bác cũng đã thống kê ra những sai lầm mà các công bộc mới của nhân dân có thể mắc phải. Đó là:

“1. Trái phép - Những kẻ Việt gian phản quốc, chứng cớ rõ ràng thì phải trừng trị đã đành, không ai trách được.

Nhưng cũng có lúc vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán.

2. Cậy thế - Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.

3. Hủ hóa - Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?

Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó do ai chịu?

4. Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.

5. Chia rẽ - Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các từng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau. Thậm chí có đôi nơi để đất ruộng bỏ hoang, nông gia ta thán. Quên rằng lúc này ta phải đoàn kết toàn dân, không chia già trẻ, giàu nghèo để giữ nền độc lập, chống kẻ thù chung.

6. Kiêu ngạo - Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của chính phủ...”.

Những lời dạy như thế của Bác Hồ cho tới hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự và rất thấm thía đối với tất cả những ai quan tâm tới chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên của chúng ta. Nếu hiểu đúng và làm đúng được như lời Bác Hồ đã dạy, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu đã ghi trong dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng là xây dựng được đội ngũ “cán bộ là người có đức, có tài, có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng; hết lòng phấn đấu vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; không dao động trước mọi biến cố phức tạp, có đủ năng lực thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có nhân cách và lối sống mẫu mực, trong sáng, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân...”



(Theo cand.com.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)