Qua
khảo sát ban đầu, thành phố Hà Nội hiện nay có 12 điểm doanh nghiệp
trực tiếp đổi mũ cho người tiêu dùng, tập trung ở các quận Cầu Giấy, Hà
Đông, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa. Hai nhãn hiệu mũ bảo hiểm được trợ
giá dịp này là B'color và Chita (với các mức trợ giá từ 20.000 đồng đến
100.000 đồng/chiếc, tùy theo mẫu mã). Nhưng chỉ qua ba ngày thực hiện
chương trình, nhiều người bày tỏ sự hoài nghi khi một số doanh nghiệp có
biểu hiện mượn chương trình này để PR và biến nó thành một chiêu quảng
cáo để bán hàng. Cùng treo biển trợ giá đổi mũ bảo hiểm, nhưng mỗi cửa
hàng lại có mức trợ giá khác nhau với nhiều loại mũ bảo hiểm chứ không
chỉ có dòng mũ B'color và Chita như chương trình. Thậm chí, cùng một
loại mũ, nhưng mức giá đã được trợ giá ở cửa hàng này lại y trang với
giá chưa được trợ giá ở cửa hàng khác. Liệu rằng, những cửa hàng nêu
trên có lợi dụng chủ chương trên để tăng giá, rồi sau đó dùng chiêu hỗ
trợ đổi mũ hay không?
Giải
thích cho việc trên, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia
Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết: Giá thành sản xuất mũ bảo hiểm mà doanh
nghiệp đăng ký là 200.000 đồng, các cơ quan chức năng sẽ lấy đây là mức
giá chuẩn, có nghĩa là khi người dân đổi mũ chỉ phải bỏ ra 150.000 đồng
để mua mũ mới. Hiện mũ thật được nhà sản xuất chiết khấu hoa hồng 25%
cho người bán, nếu thực hiện chương trình đổi mũ thì doanh nghiệp sẽ đưa
thẳng đến tay người dân, bỏ qua khâu trung gian để tiết kiệm 25% này.
Doanh nghiệp sẽ có lãi ít đi do phải tăng thêm chi phí, nhưng đây cũng
là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Như vậy, số tiền chiết khấu 25%
của doanh nghiệp cho các đại lý sẽ được trợ giá lại cho người dân khi
đem mũ bảo hiểm “rởm” đến mua mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng. Ngoài ra,
để bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng còn yêu cầu người sản
xuất phải cam kết và công bố giá sản xuất, giá niêm yết, không thể nâng
giá lên khi thực hiện trợ giá.
Phải
thừa nhận rằng, việc kêu gọi các doanh nghiệp cấp đổi mũ bảo hiểm thật
cho người dân là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc cấp đổi mũ bảo
hiểm phải được thực hiện song song với việc tăng cường quản lý chất
lượng sản phẩm; đồng thời việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương
trình cũng cần phải cẩn trọng. Cùng với việc có những tiêu chí đánh giá
nhất định như uy tín doanh nghiệp, năng lực sản xuất, chất lượng sản
phẩm và có sự tham vấn ý kiến chuyên môn từ phía cơ quan chức năng liên
quan, cần phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan liên quan nhằm
lựa chọn doanh nghiệp uy tín, có tâm để thực hiện chương trình này. Để
chương trình thật sự có hiệu quả cũng như mang lại hiệu ứng xã hội tích
cực, rất cần sự thống nhất trong việc định giá bán và mức trợ giá cho
sản phẩm, có như vậy mới giúp người dân thay đổi tư duy đối phó và sử
dụng mũ đảm bảo chất lượng.
(Theo baotintuc.vn)