Đi liền với hành động bắn cháy tàu cá
Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc
ngang ngược huy động lực lượng đặc nhiệm của Hải quân đi trên tàu
Jinggangshan, một trong số 3 con tàu đổ bộ hiện đại nhất của Hải quân
Trung Quốc, được hỗ trợ bởi một số thủy phi cơ, tàu hộ tống tốt nhất và
nhiều chiến đấu cơ bảo vệ từ trên không… để triển khai nhiệm vụ “bảo vệ
Nam Hải, duy trì chủ quyền quốc gia và phấn đấu đạt ước mơ Trung Hoa
hùng mạnh”. Lực lượng đặc nhiệm này đã đổ bộ lên bãi cạn James Shoal mà
Trung Quốc gọi là “Tăng Mẫu, điểm cực nam” của CHND Trung Hoa. Theo
nhận xét của một Tùy viên quân sự, “việc triển khai lực lượng đặc nhiệm
đổ bộ đã thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ
quyền”... Việc họ tiến hành ở “quần đảo Trường Sa là một chuyện, nhưng
triển khai ở bãi James, nơi nước này tuyên bố là điểm cực Nam, lại là
một chuyện khác”…. Theo đánh giá của TS Trần Công Trục, việc đổ bộ lên
bãi James là hành động vô cùng nguy hiểm cho vấn đề Biển Đông. Dưới đây
là bài trả lời phỏng vấn của ông với Infonet.

|
Trung Quốc cho lực lượng hùng hậu đổ bộ lên bãi cạn James Shoal sát bờ biển Malaysia |
Thưa ông, sự kiện Trung Quốc
cho quân đổ bộ lên bãi James Shoal và sự kiện bắn cháy tàu cá của Việt
Nam có gì liên quan đến nhau?
Theo tôi , tất cả động thái gần đây của
Trung Quốc đều có liên quan chặt chẽ với nhau. Tất cả đều được bố trí,
sắp xếp theo đúng kịch bản: Độc chiếm Biển Đông, sử dụng Biển Đông và
thông qua Biển Đông để thực hiện tham vọng trở thành siêu cường quốc tế.
Tôi không ngạc nhiên và quá bất ngờ về nhưng gì đã xảy ra gần đây trên
Biển Đông. Thậm chí, việc Trung Quốc đã sử dụng đến sức mạnh vũ khí để
bắn cháy tàu cá Việt Nam, rồi tiến hành “diễn tập” đổ bộ lên bãi cạn
James Shoal ở cách bờ biển của Malaysia khoảng 80km, cách Brunei 200km…
Tuy nhiên điều làm tôi băn khoăn, thậm chí còn lo ngại rằng: Tại sao
cho đến bây giờ mà vẫn còn có khá nhiều ý kiến cho rằng: “Sau những lần
Hải Quân PLA tuần tra Biển Đông, thì việc đưa lực lượng đặc nhiệm ra khu
vực này là một thông điệp đáng ngạc nhiên”… “chúng tôi chưa bao giờ
thấy bất cứ điều gì tương tự ở khu vực này cả về chất lượng và số
lượng…dường như nó thể hiện tham vọng của lãnh đạo mới Trung Quốc” (Ý
kiến của Gary Li, nhà phân tích cấp cao thuộc Trung tâm tham vấn HIS
Fairplay ở Luân Đôn, Vương quốc Anh).
Tại sao lại có sự bất ngờ, ngạc nhiên đó? Có lẽ không ai hơn chúng ta phải có trách nhiệm trả lời câu hỏi này của dư luận.
Sự kiện tàu chiến Trung Quốc bắn cháy
tàu đánh cá Việt Nam và sự kiện lực lượng đặc nhiệm thủy quân lục chiến
Trung quốc “diễn tập” đổ bộ lên James Shoal, mặc dù rất liên quan với
nhau, tuy vậy vẫn có những điểm giống nhau và khác nhau. Giống nhau ở
chỗ 2 sự kiện này đều được tiến hành bởi lực lượng vũ trang của Trung
Quốc và đều sử dụng đến các phương tiện chiến tranh như súng phun lửa,
tàu chiến, tàu đổ bộ, thủy phi cơ, máy bay chiến đấu, trực thăng… Khác
nhau là về địa điểm, một là diễn ra ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa của
Việt Nam, một là diễn ra tại một bãi cạn san hô nằm trên vùng biển và
thềm lục địa của Malaysia và điểm khác nhau đáng lưu ý nữa, đó là về quy
mô, cách thức thực hiện. Việc Trung Quốc huy động một lực lượng quân sự
khá hùng hậu vượt qua hàng ngàn hải lý để đổ bộ lên một bãi cạn nằm
gần bờ biển của Malaysia chắc hẳn không thể gọi đó là một cuộc diễn tập
thông thường như Trung Quốc đã nói. Phải chăng đây là động thái mở đầu
cho một chiến dịch quân sự đánh chiếm một số bãi cạn nằm trên thềm lục
địa của các nước ven bờ Biển Đông như họ đã tiến hành trước đây. Năm
1988 và năm 1995 đối với một số bãi cạn ở phía Tây Bắc quần đảo Trường
Sa và đá Vành Khăn ở Đông Nam quần đảo Trường Sa; năm 2012 đối với bãi
cạn Scaborough nằm trên Thềm lục địa của Philippines?
|
Tàu cá Việt nam bị bắn cháy cabin cùng sự kiện đổ bộ lên bãi James đã hiện rõ bước đi nguy hiểm của Trung Quốc. Ảnh Tiền Phong |
Theo ông, bản chất của sự kiện đổ bộ lên James Shoal là gì?
Như mọi người đều đã biết, để thực hiện
chủ trương độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc luôn luôn khẳng định rằng họ
có chủ quyền không thể tranh cãi đối với 4 quần đảo nằm giữa Biển Đông,
(họ gọi là "Tây Sa", "Đông Sa", "Trung Sa", "Nam Sa") mà phạm vi của
chúng, theo quan niệm của họ, đều bao gồm hết tất cả các bãi cạn, bãi đá
san hô nằm cách rất xa các đảo nổi của các quần đảo này, thậm chí kể cả
các bãi cạn, bãi ngầm nắm sát bờ biển của các nước ở xung quanh Biển
Đông. Đây là một quan niệm hết sức chủ quan, không có căn cứ khoa học,
cả về phương diện địa chất, địa mạo, địa lý, lẫn lịch sử, pháp lý. Trung
Quốc đã lấy quan niệm phản khoa học về phạm vi các “quần đảo” đó để
biện minh cho đường biên giới biển “lưỡi bò” phi lý của họ. Để biến quan
niệm phản khoa học và yêu sách phi lý đó thành hiện thực, họ đã tính
toán từng bước đánh chiếm các bãi cạn và đầu tư xây dựng các công trình
nhân tạo trên đó, biến chúng thành những đảo nổi để đóng quân và hòng
gộp chúng vào các “quần đảo” theo quan niệm rất khiên cưỡng của họ. Sự
kiện bãi cạn James Shoal không nằm ngoài mục tiêu đầy tham vọng đó!
Vì sao sự xâm phạm của Trung Quốc đã đến sát bờ biển Malaysia mà nước này lại chưa có phản ứng gì?
Đó là thắc mắc của dư luận, ít nhất là
cho đến thời điểm này. Nếu khẳng định như vậy thì tôi cho rằng hãy còn
quá sớm. Bởi vì, như mọi người đã biết, từ những năm 70 của thế kỷ
trước, Malaysia đã từng công bố bản đồ vẽ ranh giới vùng đặc quyền về
kinh tế và thềm lục địa, trong đó đương nhiên có bãi ngầm James Shoal.
Việc Trung Quốc đổ bộ lên bãi ngầm này rõ ràng là vi phạm các quyền và
lợi ích chính đáng của Malaysia. Hãy chờ xem! Bài học trong việc bảo vệ
bãi ngầm Scaborough nằm trên thềm lục địa của Philippines, một thành
viên của ASEAN, có lẽ cũng có ích cho người Malaysia. Lợi ích nào còn có
thể so sánh được với danh dự và chủ quyền, lợi ích quốc gia???
|
Bãi cạn James Shoal cách thành phố biển Malaysia 80km, nằm trong khu vực Malaysia tuyên bố chủ quyền. |
Đây có phải là bước đi táo tợn, bất chấp luật pháp quốc tế không, thưa ông?
Hành động của Trung Quốc hoàn toàn đi
ngược lại Tuyên bố ứng xử trong Biển Đông (DOC) , vi phạm Hiến chương
LHQ và vi phạm các quy định của Công ước Luật biển năm 1982. Đấy là bước
đi mới, cực kỳ nguy hiểm.
Theo ông, sự kiện Trung Quốc diễn tập đổ bộ lên James Shoal có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?
Theo tôi mọi động thái của Trung Quốc
trên Biển Đông đều có ảnh hưởng đến chúng ta. Chúng ta là nước có lợi
ích liên quan trực tiếp đến Biển Đông. Chúng ta có chủ quyền với Hoàng
Sa. Chúng ta có chủ quyền với Trường Sa. Chúng ta có vùng biển và thềm
lục địa mà một số khu vực chồng lấn cần xử lý, giải quyết. Đặc biệt,
chúng ta đang phải đối mặt với yêu sách “đường biên giới lưỡi bò” của
Trung Quốc “liếm” sát vào bờ biển của chúng ta. Để thực hiện yêu sách vô
lý đó, họ đã và đang đẩy mạnh mọi hoạt động, kể cả dùng vũ lực, để biến
yêu sách vô lý đó thành hiện thực. Việc Trung Quốc tiến hành “diễn tập”
đổ bộ lên James Shoal không phải chỉ gây nguy hại cho riêng Malaysia mà
còn gây nguy hại trực tiếp đên các nước trong khu vực ASEAN. Đúng
như có ai đó đã từng nhận xét rất xác đáng rằng : Không thể khoanh tay
đứng nhìn nhà hàng xóm cháy. Bởi vì ngọn lửa đó trước sau rồi cũng sẽ
cháy lan sang nhà mình. Phải cùng nhau hợp sức để dập tắt ngọn lửa ngay
từ khi nó mới bùng lên!
Xin cảm ơn ông!