PV: Qua
gần ba tháng lực lượng Công an triển khai lấy ý kiến đóng góp vào Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong CAND, là đơn vị Thường trực, đồng
chí thấy những vấn đề gì đáng quan tâm?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh:
Mặc dù việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tổ
chức trong thời gian tương đối ngắn, lại trùng vào thời điểm Công an các
đơn vị, địa phương mở các đợt cao điểm tập trung bảo vệ an ninh, trật
tự trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tiến hành triển khai kế hoạch công tác
năm 2013, nhưng cấp ủy, Thủ trưởng Công an các cấp đã chủ động, khẩn
trương ban hành kế hoạch và tổ chức việc lấy ý kiến trong đơn vị mình
bằng các hình thức phù hợp từ cấp cơ sở (tổ, đội) Công an cấp tỉnh, đến
các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục, Học viện, nhà trường trong CAND.
Sau ba tháng triển khai kế hoạch lấy ý
kiến trong CAND đã có 106/106 Công an các đơn vị, địa phương ban hành,
tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch và xây dựng báo cáo tổng hợp, tham
gia ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các ý kiến tập trung đóng góp vào
những nội dung quan trọng của Dự thảo như: Chế độ chính trị, Đảng Cộng
sản Việt Nam, Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân,
Bảo vệ Tổ quốc, Quốc hội, Chủ tịch nước, Những quy định có liên quan đến
chức năng, nhiệm vụ của CAND và những vấn đề mới và còn có nhiều ý kiến
khác nhau như Điều 120 (Hội đồng Hiến pháp)...
Ý kiến tham gia của cán bộ, chiến sĩ
CAND thể hiện trí tuệ, tâm huyết mang tính xây dựng và trách nhiệm, đã
bám sát quan điểm của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp
hành Trung ương Đảng, khóa XI.
Các ý kiến đóng góp cũng đã kế thừa
được kết quả kinh nghiệm thực tiễn qua 26 năm đổi mới, trên cơ sở tổng
kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Công an các đơn vị, địa phương.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an. (Ảnh: Nguyễn Hưng) |
PV: Đồng chí có thể nói cụ thể hơn về những nội dung đã được thể hiện trong các tham luận?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh:
Thứ nhất, thể chế hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng
được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác
của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về đẩy mạnh xây dựng Nhà nước
pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì
nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; về xây dựng nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về văn hóa, giáo dục, khoa học,
công nghệ, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; về bảo vệ Tổ quốc, về
tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; về phát huy dân chủ xã hội chủ
nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ hai, việc sửa đổi, bổ sung Hiến
pháp năm 1992 đã tập trung vào các định hướng lớn đã được Đảng, Quốc
hội, Chính phủ xác định, trong đó, định hướng cơ bản, quan trọng nhất là
phải tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng Cộng
sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; làm rõ cách thức sử dụng quyền
lực nhà nước của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện và cơ chế
dân chủ trực tiếp.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có
sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước
trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để mỗi cơ
quan thực thi có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo các quy
định của Hiến pháp và pháp luật, với sự phối hợp chặt chẽ, tạo nên sức
mạnh tổng hợp của quyền lực nhà nước.
Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung Hiến
pháp năm 1992 đã dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm
1992 và các đạo luật có liên quan; tiếp tục kế thừa những quy định còn
phù hợp của Hiến pháp năm 1992; sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự
cần thiết, phù hợp với tình hình mới với những nội dung đã được Nghị
quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định; nghiên cứu, tham khảo,
tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập hiến của một số nước trên thế giới
về quy trình, cách thể hiện, kỹ thuật trình bày để các quy định của
Hiến pháp được thể hiện rõ ràng, được hiểu một cách thống nhất; bảo đảm
Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính ổn định lâu
dài.
Thứ tư, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm
1992 cũng làm rõ hơn các nội dung có tính ưu việt, bản chất của chế độ
ta như: phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà
nước thuộc về nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy
động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; khẳng
định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối
với Nhà nước và xã hội; phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn
quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn
quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục,
khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; tiếp
tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn
thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tích cực, chủ động
hội nhập quốc tế, xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước
trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân
trong quan hệ quốc tế; tạo cơ sở hiến định để Nhà nước đẩy mạnh hợp tác
quốc tế, thực hiện quyền, nghĩa vụ quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình
khu vực và thế giới.
PV: Điểm chung
trong tham gia ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Công an
các đơn vị, địa phương, các nhà khoa học trong lực lượng Công an là gì,
thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh:
Các ý kiến đều thống nhất với các quy định mang tính nguyên tắc của
Hiến pháp. Cụ thể là tiếp tục ghi nhận các quy định về bản chất và mô
hình tổng thể của thể chế chính trị đã được xác định trong Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và
phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992.
Đồng thời làm rõ hơn, đầy đủ và sâu
sắc hơn các vấn đề như: khẳng định thể chế của Nhà nước ta là Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ, thống nhất và
toàn vẹn lãnh thổ; khẳng định rõ và sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo duy
nhất đối với Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam; quy định rõ,
đầy đủ và cụ thể hơn trong Hiến pháp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của
lực lượng CAND với tính chất là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng,
Nhà nước và của nhân dân, giữ vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an
ninh, trật tự…
Cũng qua thảo luận, 100% ý kiến của
các cơ quan, đơn vị trong Công an nhân dân kiến nghị trong Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp năm 1992 không nên bổ sung quy định về Hội đồng Hiến pháp
(Điều 120 dự thảo).
Trên thực tế, các quy định pháp luật
và cơ chế hiện có đã đủ để bảo vệ Hiến pháp. Quy định về Hội đồng Hiến
pháp trong dự thảo là chưa cần thiết, không phù hợp với thực tế Việt
Nam.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Thiếu tướng!
