 |
Ban soạn thảo Dự thảo Luật Hộ tịch dự kiến đề xuất miễn lệ phí tất cả trường hợp trong nước và có yếu tố nước ngoài. Ảnh minh họa |
Nhiều quy định, khó nắm bắt
Hệ
thống pháp luật hiện hành của nước ta có một số văn bản quy định về
thu, nộp lệ phí hộ tịch, đồng thời kèm theo đó cũng có những quy định
miễn, giảm khoản lệ phí này nên rất khó để người dân nắm bắt. Chẳng hạn,
tại Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 6/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi
hành Pháp lệnh Phí và lệ phí, lệ phí, việc đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi
con nuôi cho người dân thuộc các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; đăng ký
khai sinh cho trẻ em của hộ nghèo thì được miễn lệ phí hộ tịch.
Ngày
12/2/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg về
việc miễn lệ phí quốc tịch, lệ phí hộ tịch đối với người Lào di cư sang
Việt Nam đã được cấp phép cư trú ổn định và có nguyện vọng xin nhập quốc
tịch Việt Nam. Triển khai Quyết định số 206/QĐ-TTg, các địa phương đã
ban hành chính sách miễn thu lệ phí hộ tịch đối với người Lào di cư sang
Việt Nam đã được cấp phép cư trú ổn định trước ngày 1/1/2009 và có
nguyện vọng xin nhập quốc tịch Việt Nam khi có yêu cầu giải quyết các
công việc về hộ tịch trên địa bàn.
Tuy
nhiên, mỗi địa phương lại có cách hướng dẫn khác nhau. UBND TP.Hà Nội
có Quyết định số 88/2009/QĐ-UBND ngày 16/7/2009 quy định rất cụ thể về
miễn lệ phí hộ tịch cho các trường hợp người Lào di cư sang Việt Nam
thuộc diện trên đối với các việc đăng ký hộ tịch thuộc thẩm quyền của
UBND cấp xã, phường, thị trấn; thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận, huyện
và tương đương và thuộc thẩm quyền của UBND thành phố. Còn theo Quyết
định số 40/2011/QĐ-UBND ngày 13/9/2011 của UBND tỉnh An Giang về các
trường hợp được miễn lệ phí hộ tịch thì chỉ có một quy định ngắn về miễn
lệ phí hộ tịch đối với trường hợp này.
Còn
theo Thông tư 146/2009/TT-BTC ngày 20/7/2009 của Bộ Tài chính, các đối
tượng được miễn lệ phí liên quan đến quốc tịch gồm người có công lao đặc
biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; người
có hoàn cảnh kinh tế khó khăn theo quy định về chuẩn nghèo của Thủ tướng
Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành xin nhập, xin trở lại quốc
tịch Việt Nam; người không quốc tịch xin nhập quốc tịch Việt Nam theo
quy định tại Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam; người xin nhập quốc tịch
Việt Nam là người Lào di cư sang Việt Nam đã được cấp phép cư trú ổn
định trước ngày 1/1/2009.
Ngoài
ra, người xin nhập quốc tịch Việt Nam là người Campuchia lánh nạn diệt
chủng từ những năm 1978 đến 1983 mà không có giấy tờ chứng minh quốc
tịch gốc và đã từng được đăng ký tại các trại tị nạn ở Việt Nam do Cao
ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn bảo trợ, cũng thuộc nhóm đối tượng được
miễn lệ phí liên quan đến quốc tịch.
Đã đến thời điểm miễn lệ phí hộ tịch
Theo
Dự thảo Luật Hộ tịch, có hai phương án về lệ phí hộ tịch là tất cả các
sự kiện hộ tịch khi đăng ký thì cá nhận, tổ chức phải nộp lệ phí và
phương án thứ hai là cá nhân, tổ chức đăng ký khai sinh, khai tử, giám
hộ được miễn lệ phí, còn các sự kiện hộ tịch khác phải nộp lệ phí.
Bộ
trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định, nguyên tắc hiện nay là thu
lệ phí hộ tịch, dù có việc miễn, giảm nhưng nhiều sự kiện hộ tịch, người
dân vẫn không đăng ký dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan
Nhà nước. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, Dự thảo Luật Hộ tịch cần đề xuất
“bước tiến” mạnh là miễn lệ phí tất cả trường hợp trong nước và có yếu
tố nước ngoài.
Tuy
nhiên, Bộ trưởng chỉ đạo cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên
thế giới về lệ phí hộ tịch, nếu phổ quát thu thì mới thu. Bằng không,
cải cách nhất là mô hình dịch vụ công, tự trang trải tương tự của Tây
Ban Nha. Nước này có cơ quan đăng ký hộ tịch nằm ngoài hệ thống cơ quan
hành chính, thực hiện việc đăng ký hộ tịch theo mô hình dịch vụ công,
thu phí song có phân biệt giữa phí đăng ký và phí cấp giấy tờ hộ tịch.
Nếu
đa số các nước không thu lệ phí hộ tịch thì đây là thời điểm mà Dự thảo
cần tiến tới quy định miễn lệ phí. Trong trường hợp này, cần báo cáo
vấn đề với Chính phủ để Nhà nước đảm bảo cơ sở vật chất, nguồn lực thực
hiện.