Giám đốc Bảo tàng Quảng Nam không đạo văn
Thời gian qua, trên nhiều tờ báo có đề cập đến luận án tiến sĩ của ông Trần Tấn Vịnh, Giám đốc Bảo tàng Quảng Nam, bị tố đạo văn. Sau một thời gian thanh tra, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đã kết luận ông Vịnh không đạo văn.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vịnh cho rằng dù đã có kết quả thanh tra nhưng việc “Nói không thành có trên mặt báo đã làm dư luận hiểu nhầm, tội cho tôi!”.
Mượn mấy trang tư liệu
Năm 2004, ông Vịnh bắt đầu đăng ký luận án tiến sĩ với đề tài Nghề dệt và trang phục cổ truyền của dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam tại Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Luận án này được bảo vệ cấp cơ sở vào năm 2008. Cũng vào năm này, ông Vịnh thấy đề tài của mình có thể ứng dụng vào thực tiễn nên đề xuất lãnh đạo Bảo tàng Quảng Nam gửi hồ sơ xin đăng ký đề tài khoa học cấp tỉnh với tên gọi Nghề dệt và trang phục cổ truyền của dân tộc Cơ Tu do chính ông làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài này được phê duyệt cho Bảo tàng Quảng Nam là cơ quan thực hiện, ông Vịnh làm chủ nhiệm đề tài, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP Huế (thuộc Bộ VH-TT&DL) là cơ quan phối hợp với kinh phí 237 triệu đồng. Vào năm 2010, đề tài được bảo vệ xuất sắc.
Tuy nhiên, cuối năm 2011 ông Nguyễn Văn Sơn (Phó Trưởng phòng Sưu tầm-Trưng bày, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam) gửi thư đến Viện Nghiên cứu văn hóa tố ông Vịnh sử dụng tư liệu của ông Sơn trong luận án tiến sĩ. Cụ thể, ông Vịnh đã sử dụng tư liệu của ông Sơn để khảo tả chiếc váy Cơ Tu (năm dòng) ở trang 74, khảo tả về chiếc gùi (sáu dòng) ở trang 106 và số liệu điều tra về mặc trang phục của học sinh dân tộc thiểu số ở trang 184.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các tộc người thiểu số của ông Trần Tấn Vịnh đã được in thành sách. Ảnh: TL
Ông Sơn còn cho rằng trong thời gian thực hiện đề tài Nghề dệt và trang phục cổ truyền của dân tộc Cơ Tu, ông Vịnh đã yêu cầu ông Sơn đi thực tế viết hai chuyên đề: Việc mặc trang phục truyền thống dân tộc Cơ Tu ở các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Các sản phẩm từ nghề dệt của dân tộc Cơ Tu. Hai chuyên đề này đã bị ông Vịnh lấy y nguyên tư liệu, số liệu; chưa kể đến lúc bàn giao, ông Vịnh viện cớ chi tiêu nhiều việc nên hết kinh phí, bảo ông Sơn thông cảm.
Bị tố khắp nơi
Không chỉ tố đến Viện Nghiên cứu văn hóa, gửi hồ sơ đến các báo… ông Sơn còn gửi hồ sơ đến Cục Bản quyền tác giả và cả đến tòa. Trong đó ông Sơn gửi đơn đến TAND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) để khởi kiện ông Vịnh về việc xâm phạm bản quyền tư liệu và đòi bồi thường thiệt hại tinh thần. Sau thời gian nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, tòa đã hai lần ra quyết định không thụ lý vụ án, trả hồ sơ với lý do chưa đủ chứng cứ khởi kiện. Ông Vịnh đã buộc phải làm đơn giải trình đến từng cơ quan báo chí, Cục Bản quyền tác giả về việc sử dụng tư liệu để viết luận án tiến sĩ của mình.
Ông Trần Tấn Vịnh là nhà nghiên cứu, nhà nhiếp ảnh chuyên sâu về văn hóa các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Các công trình về lịch sử, văn hóa dân gian của ông đã được xuất bản gồm: Luật tục M’nông, Con voi trong đời sống văn hóa dân tộc M’nông, Người Cơ Tu ở Việt Nam, Người M’nông ở Việt Nam… |
Ông Vịnh cho rằng việc tố cáo đó hoàn toàn không đúng sự thật, bởi: “Những tư liệu ông Sơn cung cấp là theo thỏa thuận. Khi tôi viết luận án tiến sĩ, là đồng nghiệp, ông Sơn có cung cấp cho tôi một ít dòng tư liệu, tôi có sử dụng để khảo tả chiếc váy Cơ Tu, chiếc gùi và vài số liệu điều tra về việc mặc trang phục truyền thống của học sinh dân tộc thiểu số. Một vài số liệu, thông tin do ông Sơn cung cấp tôi có quyền sử dụng vì ông Sơn được phân công làm nhiệm vụ của đơn vị, không phải là công việc, tư liệu riêng của ông và khi đi công tác, thực hiện công việc, ông Sơn cũng được chi trả, thanh toán đầy đủ các khoản chi phí theo quy định”.
Chưa kể, ông Sơn còn có cả thư xác nhận việc cung cấp tư liệu cho ông Vịnh là tự nguyện, giúp đỡ nhau. “Những tư liệu ông Sơn cung cấp là tài liệu thô trong quá trình nghiên cứu. Tôi và ông Sơn làm chung từ cuối năm 2005. Chúng tôi không chỉ là quan hệ thủ trưởng - nhân viên mà còn là đồng nghiệp, tôi cũng nhiều lần cung cấp tài liệu thô cho ông Sơn, đó là giúp đỡ qua lại” - ông Vịnh nói.
Sau hơn một năm ông Vịnh làm giải trình, Đảng ủy Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam - đơn vị lập đoàn thanh tra sự việc đã có kết luận ông Vịnh không đạo văn. Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Vịnh cho biết: “Nguyên một năm phải làm giải trình khiến tôi mệt mỏi. Mình làm khoa học nghiêm túc đâu ngờ lại có sự cố như vậy. Nhưng may mắn là đã được minh oan nên tôi cũng nhẹ đầu nhiều…”.
(Theo phapluattp.vn)