Đeo khẩu trang trong công sở để tránh cúm A/H1N1
Khắp
nơi trong gian phòng làm việc rộng khoảng 200 mét vuông, tất cả mọi
người đều đeo khẩu trang y tế trong lúc thảo luận công việc. Chị Mai
Thanh, nhân viên kinh doanh của công ty trên cho biết, việc đeo khẩu
trang cho nhân viên và khách hàng đã được công ty áp dụng từ cách đây 2
tháng (khi có thông tin về dịch cúm A/H1N1).
 |
Nhân viên và khách hàng đều đeo khẩu trang khi giao dịch. Ảnh: Thanh Huyền.
|
Từ
khi áp dụng quy định này, hơn 50 nhân viên của phòng kinh doanh thực
hiện rất nghiêm túc. “Mỗi ngày, chúng em phải tiếp chuyện hàng trăm
khách hàng. Chủ yếu những khách hàng đến để giao dịch mua bán bất động
sản là người nước ngoài và Việt kiều. Chính vì vậy, việc đeo khẩu trang
là rất cần thiết. Nó không chỉ khiến nhân viên công ty có cảm giác an
toàn khi làm việc mà đó cũng là phương pháp phòng, chống lây nhiễm cúm
A/H1N1 cho tất cả mọi người”, chị Thanh nói.
Một
nhân viên khác của công ty cho biết: “Nhiều khách hàng đã thắc mắc,
thậm chí khó chịu khi được nhân viên yêu cầu rửa tay bằng nước sát
khuẩn và đeo khẩu trang. Nguyên nhân là do họ cảm thấy bất tiện, vướng
víu, không được thân thiện khi làm việc. Ngay bản thân nhân viên của
công ty vì chưa quen nên lâu lâu cũng phải kéo khẩu trang xuống cho dễ
thở. Tuy nhiên, khi được giải thích đeo khẩu trang là để tránh lây
nhiễm cúm A/H1N1 thì tất cả khách hàng đều chấp thuận. Số lượng khách
hàng đến giao dịch tại văn phòng không vì thế mà giảm đi”.
Chưa
dám mạnh dạn quyết định như công ty kinh doanh bất động sản tại quận 7,
nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn TP.HCM vẫn còn rất đắn đo về việc
ra quyết định trang bị khẩu trang cho nhân viên và khách hàng.
Ông
Phạm Văn Khôi, Giám đốc Công ty TNHH TM – DV – XNK Lan Thảo, địa chỉ
71/20 Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú cho biết: “Nhân viên của công ty rất lo
lắng khi hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, trong đó có
cả Việt kiều và người ngoại quốc. Tuy vậy, ban giám đốc công ty chưa
dám quyết định cho họ đeo khẩu trang khi tiếp khách vì sợ phản ứng từ
phía khách hàng. Công ty đã chỉ đạo nhân viên vệ sinh lau chùi tay nắm
cửa ra vào bằng nước sát khuẩn mỗi ngày 2 lần để giảm nguy cơ lây nhiễm
cúm A/H1N1”.
Theo
ông Khôi, khi khách hàng đến để giao dịch mà nhân viện lôi khẩu trang
ra bịt miệng đã là một hành động phản cảm, huống chi là bắt khách hàng
phải đeo khẩu trang và rửa tay. “Tôi sợ làm vậy chẳng ai dám đến để làm
ăn với công ty nữa”, ông Khôi nói.
Chị
Thúy Mai, nhân viên của một phòng vé máy bay trên đường Nguyễn Văn
Linh, quận 7 cho biết: “Dù chưa ai quy định nhưng vì sức khỏe của bản
thân và khách hàng nên chúng tôi đã tự mua dung dịch cồn sát khuẩn để
rửa tay và lau chùi tay nắm cửa. Bản thân mỗi nhân viên của phòng vé
đều rất muốn đeo khẩu trang trong khi làm việc nhưng không dám vì sợ
khách hàng cho đó là hành động thiếu tôn trọng”.
 |
Nhân viên công ty tự trang bị cồn sát khuẩn để rửa tay. Ảnh: Thanh Huyền.
|
Trước
dịch cúm, Công ty TNHH Ernst and Young Việt Nam, tầng 15, trung tâm
thương mại Daeha (Hà Nội) cũng có biện pháp dự phòng cho nhân viên của
mình. Anh Trịnh Quốc Huy, kiểm toán viên của công ty cho biết: “Lãnh
đạo công ty đã gửi cho chúng tôi một bức thư cảnh báo về dịch cúm. Thú
thực, tôi không quan tâm lắm đến đại dịch này vì nghĩ nó sẽ chẳng bao
giờ đến mình cả. Nhưng từ khi nhận được thư cảnh báo trên, tôi đã sắm
cho mình một chiếc khẩu trang hoạt tính, đồng thời chú ý hơn đến vệ
sinh cá nhân và vệ sinh thực phẩm. Cái gì phòng được thì nên phòng”.
Anh Nguyễn Bá Sơn,
trưởng văn phòng luật sư Phidenson - tầng 4, toà nhà Phương Đông, số 33
Dương Văn Minh (Hà Nội chia sẻ: “Mọi người trong văn phòng chúng tôi
thường trao đổi với nhau về những diễn biến mới nhất của dịch cúm và đã
chủ động đề phòng. Chúng tôi quán triệt phải rửa tay sạch trước khi ăn
và đeo khẩu trang y tế khi đi ngoài đường, đặc biệt là hạn chế tụ tập
đông người”.
Các
tổ chức cứu trợ trẻ em ở khu đoàn ngoại giao Trung Tự - số 6 Đặng Văn
Ngữ (Hà Nội) những ngày gần đây cũng tăng cường vệ sinh khu làm việc,
thông tin cập nhật tình hình dịch cúm đến toàn bộ nhân viên.
Chị Trần Đông Mai – cán bộ phụ trách y tế của tổ chức cứu trợ trẻ em Mỹ
cho biết: “Khi chưa có vắc xin phòng bệnh thì cần tiến hành các biện
pháp dự phòng. Tổ chức của chúng tôi chủ yếu lấy thông tin từ trang web
của WHO, cập nhật hàng ngày để biết diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời
tăng cường vệ sinh, sát khuẩn tại các phòng làm việc, khu nhà vệ sinh.
Khẩu trang y tế cũng là giải pháp cho toàn bộ nhân viên khi tham gia
giao thông, đến những khu vực đông người”.
Theo Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, TP.HCM, tuy số
ca mắc cúm A/H1N1 tại Việt Nam có gia tăng mỗi ngày nhưng số ca bệnh
chưa phải là nhiều so với các quốc gia đang có dịch.
Việc áp dụng đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát trùng tại một số
doanh nghiệp có đặc thù công việc phải tiếp xúc và giao tiếp nhiều rất
đáng hoan nghênh nhưng ngành y tế vẫn chưa khuyến cáo người dân phải
đeo khẩu trang trong khi làm việc.
Theo Vietnamnet