Bỏ Thanh tra xây dựng cấp phường, xã
Thanh tra xây dựng
được tổ chức hai cấp là Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng.
Riêng Hà Nội và TP.HCM được tổ chức các đội đặt tại địa bàn cấp huyện -
Nghị định 26/2013 vừa được ký ban hành ngày 29-3 quy định.
Sở Xây dựng quản lý
Nghị định 26 (có hiệu lực từ ngày 15-5) sẽ thay thế
Nghị định 46/2005 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra xây dựng. Đồng
thời, Quyết định 89/TTg năm 2007 về thí điểm thành lập Thanh tra xây
dựng tại quận, huyện, phường, xã, thị trấn ở Hà Nội và TP.HCM cũng chấm
dứt hiệu lực.
Như vậy từ ngày 15-5, Thanh tra xây dựng cấp huyện
hiện đang trực thuộc UBND cấp huyện sẽ được tổ chức lại thành các đội do
Sở Xây dựng quản lý. Còn Thanh tra xây dựng cấp phường, xã, thị trấn sẽ
không được duy trì.
Trước đó, trong tờ trình Chính phủ về sắp xếp lại lực
lượng Thanh tra xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng phương án trên “có tính
ổn định cao, không gây xáo trộn về tổ chức mà vẫn phù hợp với tình hình
thực tế tại hai đô thị lớn (cần có Thanh tra xây dựng bám sát cơ sở để
duy trì thường xuyên việc thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo trật tự xây
dựng đô thị)”.

Thanh tra xây dựng đang phá dỡ một công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè tại huyện Bình Chánh. Ảnh: HTD
Chờ hướng dẫn cụ thể hơn
Theo Quyết định 89, Thanh tra xây dựng cấp phường,
xã, thị trấn là cánh tay nối dài cho cơ quan quản lý hành chính nhà nước
trong việc kiểm soát trật tự xây dựng tại địa phương. Lực lượng này
được giao nhiều nhiệm vụ như: kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng trong
việc tuân thủ quy định về quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt; phát
hiện, xử lý các hành vi xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm không
gian chung…
Thanh tra xây dựng cấp phường cũng được lập biên bản
vi phạm, yêu cầu ngừng thi công và trình chủ tịch UBND cấp phường ra
quyết định đình chỉ thi công, phá dỡ công trình vi phạm. Nếu sắp tới
không còn lực lượng này tại cấp phường, liệu tình trạng xây dựng sai
phép, không phép có bùng phát?
Theo thống kê của Sở
Xây dựng, trong năm 2012 toàn TP có 4.089 vụ vi phạm xây dựng. Tổng số
tiền xử phạt thu được hơn 988 triệu đồng. Chỉ tiêu đặt ra năm 2013 là
công trình xây dựng sai phép, không phép kéo giảm còn 10% tổng số công
trình xây dựng. |
Ông Lâm Quang
Thơ, Chánh Thanh tra xây dựng quận Tân Phú, đề nghị sau khi thành lập
các đội đặt tại cấp huyện, cần tiếp tục có sự phân bổ xuống địa phương.
Bởi “địa phương là cơ quan phát hiện nhanh nhất, kịp thời nhất các vi
phạm xây dựng” - ông góp ý.
Còn ông Nguyễn Gia Thái Bình, Bí thư Đảng ủy phường
Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, băn khoăn: “Phải thừa nhận chuyên môn
của Thanh tra xây dựng cấp phường còn thấp. Tuy nhiên, do bám sát địa
phương nên lực lượng này dễ phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm xây
dựng. Nếu Thanh tra xây dựng chỉ tổ chức ở cấp sở và các đội đặt tại
quận, huyện mà không tổ chức tại cấp phường thì liệu việc giám sát có
chặt chẽ đến từng công trình được không?”.
Ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM,
cho biết Sở sẽ phối hợp với Sở Nội vụ để triển khai Nghị định 26 về tổ
chức và nhân sự. Còn về nội dung công việc, trách nhiệm quyền hạn của
Thanh tra xây dựng cấp sở và các đội đặt tại cấp huyện thì phải chờ
thông tư hướng dẫn cụ thể.
(Theo phapluattp.vn)