Hà Nội: Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng vốn cho vay của Quỹ giải quyết việc làm
Quy
chế quy định rõ, phần nguồn vốn cho vay của Quỹ giải quyết việc làm địa
phương qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cho
vay giải quyết việc làm phải thu lãi. Riêng đối với người nghèo, cận
nghèo, người lao động là người tàn tật vay không thu lãi, chỉ thu phí
để thực hiện công tác quản lý triển khai việc cho vay và thu nợ tiền
vay.
Đối
tượng vay vốn gồm 6 đối tượng: Hộ gia đình (kể cả hộ gia đình lực lượng
vũ trang ở các khu tập thể quân đội, hộ gia đình công nhân nghỉ việc
dài ngày); Các cá nhân có nhu cầu vay vốn đi xuất khẩu lao động; Tổ sản
xuất, Hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Doanh nghiệp được
thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Lao động dôi dư do sắp
xếp lại doanh nghiệp, lao động bị mất việc do doanh nghiệp thay đổi cơ
cấu; Đoàn viên thuộc các tổ công đoàn cơ quan, doanh nghiệp nhà nước
thuộc thành phố quản lý; Người tàn tật.
Mức
vốn cho vay được áp dụng theo quy định: đối với hộ gia đình, mức vay
tối đa không quá 20 triệu đồng và phải tạo ra ít nhất một chỗ làm việc
mới. Đối với dự án có nhiều hộ vay vốn, mức vay phụ thuộc và số hộ thực
hiện dự án nhưng mức vay của mỗi hộ tối đa không quá 20 triệu đồng. Mức
vay tối đa không quá 300 triệu đồng và không quá 20 triệu đồng trên một
chỗ làm việc mới đối với dự án của cơ sở sản xuất kinh doanh. Cá nhân
vay vốn đi xuất khẩu lao động sẽ tùy theo từng mức mà cá nhân dự định
đi, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội thực hiện
mức cho vay cụ thể căn cứ theo Thông tư hướng dẫn của Liên Bộ Lao động
Thương binh và Xã hội và Tài chính.
Thời
hạn cho vay từ 12 tháng đến 36 tháng. Nếu hết thời hạn, đối tượng có
nhu cầu vay tiếp phải hoàn trả đủ gốc, lãi và lập thủ tục vay cho chu
kỳ mới.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 17/7 và các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Theo Hà Nội Mới