Bìa cuốn sách
"Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990 – 2010”
Viện Goethe giới thiệu buổi ra mắt
cuốn sách này và cũng là buổi trò chuyện với hai tác giả, nghệ sỹ tên
tuổi Lê Quang Đỉnh đến từ TP.HCM, cùng với rất nhiều các nghệ sỹ khác
của Hà Nội. Đây cũng là dịp để các nghệ sỹ và khán giả đối thoại và trao
đổi về nghệ thuật đương đại Việt Nam. So với phiên bản tiếng Anh năm
2012, bản tiếng Việt "Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990 – 2010” lần này
được trình bày hoàn toàn khác. Qua cuốn sách công chúng thấy được nghệ
thuật đương đại Việt Nam đã có diện mạo riêng, với nhiều loại hình phản
ánh mọi mặt của đời sống. "Chúng tôi không có tham vọng khái quát toàn
bộ các hoạt động sáng tạo nghệ thuật đương đại đa dạng ở Việt Nam thời
gian qua… Khó có thể khẳng định những gì còn đang là vấn đề thời sự mới
mẻ của nghệ thuật. Chúng tôi chỉ cố gắng đưa ra một vài đặc điểm và nhận
định ban đầu còn mang tính nhất thời của nghệ thuật”. Bùi Như Hương và
Phạm Trung - hai nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật từng có rất nhiều bài
viết về mỹ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại – đã khiêm tốn nói về
cuốn sách trong phần lời mở đầu như vậy.
Tác giả Bùi Như Hương (1953) từng tốt
nghiệp Đại học Hóa Mendeleev, Matxcơva, LB. Nga. Phạm Trung (1965) từng
tốt nghiệp Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội và
tốt nghiệp Thạc sỹ tại Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2002. Cả hai hiện là
nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện
công tác tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuật - Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

(Tác giả Phạm Trung (trái); Tác giả Bùi Như Phương (phải)
Cuốn sách đưa ra một cái nhìn khái
quát nhưng chi tiết về nghệ thuật đương đại Việt Nam dựa trên lý lịch
nghệ thuật của 26 nghệ sỹ. Hai tác giả đã không quên bất cứ một tác phẩm
đánh dấu cho mỹ thuật đương đại nào, cho dù chúng gai góc và nghệ sĩ
sáng tác từng chịu ném đá như tội đồ. Triễn lãm sắp đặt băng bó trắng
xóa những gốc cây trong Văn Miếu hồi năm 1997 của Trần Anh Quân, Nguyễn
Văn Tiến cũng có chỗ trong cuốn sách. Tác phẩm "Điệu múa” của nghệ sĩ
"chim di cư” Trương Tân cũng được nhắc tới ở đây. Nếu như những tác phẩm
nói về người đồng tính giờ đây được coi là nhân đạo, sẻ chia thì ngày
đó, là nghệ sĩ đi đầu, Trương Tân thật lạc lõng trong mắt phần lớn người
đời…
Theo nhà nghiên cứu Phạm Trung, cuốn
sách này nhằm tập hợp thông tin, để lại tư liệu về người thực, việc
thực, về một số vấn đề đã xảy ra trong nghệ thuật đương đại Việt Nam,
chừng mực nào đó như một cuốn nhật ký nghệ thuật. Sau này, hy vọng sẽ có
thêm nhiều người nghiên cứu, quan tâm, góp tay bổ khuyết thêm về tư
liệu, hình ảnh để có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử mỹ thuật Việt Nam
một thời kỳ. Tuy vậy, cuốn sách mỹ thuật được đầu tư công phu này cũng
vẫn chung số phận với những loại sách ít được quan tâm hiện nay. Đánh
giá về sách mỹ thuật, và vai trò của sách mỹ thuật hiện nay, nhà nghiên
cứu Phạm Trung cho rằng: Thị trường sách nghệ thuật Việt Nam hiện nay
quá ít và quá yếu nếu so với sự lan tràn của sách dịch tiểu thuyết Trung
Quốc, sách phong thủy, tướng số và sách dạy kinh doanh. Điều này cho
thấy văn hóa của chúng ta đang phát triển rất thiên lệch. Công chúng
Việt Nam còn ít đi xem triển lãm nghệ thuật, nghe hòa nhạc thì làm gì có
nhiều người mua sách nghệ thuật. Hiện nay, số người nghiên cứu và viết
về nghệ thuật thì quá ít, mà sự tồn tại của sách nghiên cứu nghệ thuật
là rất mỏng manh trên thị trường sách, nên khó nói là nó đã đáp ứng được
nhu cầu phổ biến kiến thức và nhu cầu bạn đọc.
(Theo daidoanket.vn)
|