Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 04/04/2013 03:05
Những chuyện ít biết về vua Đồng Khánh
Qua ghi chép của sử sách chúng ta có thể coi vua Đồng Khánh (1885 - 1888) là vị vua đầu tiên cho phép thợ ảnh chụp ảnh mình.
Vị vua đầu tiên cho phát hành công báo

Công báo được hiểu là ấn phẩm thông tin pháp lý chính thức của nhà nước, có chức năng đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật do người đứng đầu nhà nước, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban và các văn bản pháp luật khác.

Nhiều người nghĩ rằng công báo xuất hiện ở nước ta trong mấy chục năm gần đây, nhưng thực ra tờ công báo đầu tiên ra đời vào tháng 3 năm Bính Tuất (1886) đời vua Đồng Khánh. Theo vua đó là “muốn nước nhà bỏ thói quen cũ, học theo người để mưu cầu đổi mới”. Trong sách Đồng Khánh chính yếu cho biết vua đồng ý với đề xuất của bề tôi về việc ra công báo, ông còn cho lập cả một cơ quan phụ trách hoạt động này: “Quan Viện Cơ mật tâu xin phỏng theo cách làm nhật báo của các nước, thành lập ra Cục Đại Nam công báo, trao cho sử quán kiêm quản công việc này. Cứ 10 ngày ra chung thành một tờ. Viện Cơ mật cùng với các Bộ, nha tập hợp, ghi lại những công việc đã thực hiện để giao cho Cục ấy, cứ 10 ngày một lần Cục tổng hợp kiểm tra, đối chiếu với văn thư trực ban của từng ngày rồi giao cho thợ khắc in truyền bá ra ngoài”.

Sách Đại Nam thực lục cho biết: “Viện Cơ mật tâu nói: Tục lệ các nước đều có nhật báo tân văn, việc lớn thì chính sự triều đình, sau đến tình trạng hương lý, cùng là giá hàng cao hạ, truyền bá với nhau, tuy việc hình như viển vông, nhưng lấy đất mà khen chê công cộng, tình hình trong ngoài, động có điều gì lầm lỗi, tức thì bị mọi người nghị luận, đó là một việc, mà ý khuyên răn được ngụ ở trong. Nước ta từ trước đến giờ chưa từng làm việc ấy, cho nên tình hình bên trong không thể thấu đến bên ngoài; tình hình ở trong không thể thấu được, thì dân tình ở dưới thông với trên sao được. Việc giao thiệp nhiều, nhật báo là cần hơn cả, nhưng xem xét nhật báo ở các nước đều đặt ra Cục, người trông coi Cục ấy phần nhiều là nhàn nhân, ẩn sỹ, cho nên nghị luận thường nhiều ý kiến cao rộng, và bản in đều riêng từng chữ, xếp in dễ dàng, cho nên ngày nào cũng có, xin bắt chước phương pháp các nước, lập Cục Đại Nam công báo nhưng do sử quan kiêm giữ việc ấy, cứ 10 ngày hợp làm 1 tờ.


Một mẫu huân chương thời Đồng Khánh.    Ảnh: Nguồn: http://users.panola.com/vietnam

Từ bỏ quan niệm lạc hậu, cho phép chụp ảnh chân dung

Đồng Khánh là vị vua đầu tiên không nặng nề về quan niệm lạc hậu hồn vía khi được Pháp đề nghị chụp ảnh để gửi về Pháp “cho biết mặt, tỏ rõ tình giao hiếu”, nên vua Đồng Khánh đã cho phép thợ ảnh chụp mình vào tháng Chạp năm Ất Dậu (tháng 1-1885). Bức ảnh vua Đồng Khánh sau đó được rửa làm 2 bản, một gửi về Pháp, một nhà vua giữ lại.

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép rằng: “Niên hiệu Đồng Khánh, Ất Dậu, tháng 12. Bấy giờ Phó đô thống Pháp bàn với đô thống đại thần ủy phái quan họa đồ ấn ảnh Đại Pháp đến điện đình in chân dung của vua, gửi về nước Pháp để tỏ tình giao hiếu với nhau. Viện thần nói: Quốc tục phương Tây, lấy việc ấy làm trọng xin nên y theo. Mới chọn ngày quang tạnh, vua mặc mũ, áo đại triều, ngồi ở điện Văn Minh cho quan Pháp chụp ảnh. Rồi chuẩn cho in thành hai tấm ảnh, 1 tấm để lại dâng lên, 1 tấm gửi về Pháp”.

Theo dữ liệu nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, tấm ảnh này chụp vào mùa đông xứ Huế, trong điện Văn Minh không đủ ánh sáng nên tấm ảnh lịch sử của vua Đồng Khánh gửi cho chính phủ Pháp không rõ lắm. Vì thế về sau vua Đồng Khánh cho chụp lại, nhà vua mặc đại triều nhưng đầu lại quấn khăn chứ không đội mũ. Tấm ảnh thứ hai này rõ hơn và được phổ biến rộng trên sách báo từ đó đến nay.

Qua ghi chép của sử sách chúng ta có thể coi vua Đồng Khánh (1885 - 1888) là vị vua đầu tiên cho phép thợ ảnh chụp ảnh mình.


Bức chân dung vua Đồng Khánh (chụp năm 1886).    Ảnh: TL

Cũng có một bài thơ “Nam quốc sơn hà”

“Nam quốc sơn hà” được coi là bài thơ “thần”, là bản “tuyên ngôn độc lập” đầu tiên ra đời trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược thời nhà Lý. Còn bài thơ “Nam quốc sơn hà” của vua Đồng Khánh được viết vào tháng 2 năm Đinh Hợi (1887) có nội dung thể hiện lo lắng trước thời cuộc, nhắc nhở quan lại phải hoàn thành chức phận nhưng nội dung của bài thơ gồm 20 khổ 80 câu thơ còn dành phần lớn để ca ngợi công lao của sáng nghiệp của vua Gia Long, công tích của triều Nguyễn với dân chúng và chỉ trích các đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường phế lập ngôi vua, gây hấn với Pháp nên khiến đất nước rước họa binh đao, các cuộc nổi dậy “phản loạn” khiến cho triều đình và Pháp phải cùng hợp sức đánh dẹp “bọn ngông cuồng”. Bài thơ còn có đoạn nói rằng vì có ơn đức thấm lòng dân mà Đồng Khánh được làm vua…

Bài thơ của vua Đồng Khánh được mở đầu bằng hai câu: “Nam quốc sơn hà Nam đế đô/Thần truyền thánh kế tráng hoàng đồ/Hưng diệt kế tuyệt cổ lai hữu/Thịnh suy bĩ thái há thời vô” (Sông núi nước Nam vua Nam trị/Thần truyền Thánh nối rộng cơ đồ/Còn mất, đứt nối, xưa nay vẫn thế/Thịnh suy, bĩ thái chẳng thuở nào không).

Từng dự định sang thăm nước Pháp

Trong lịch sử bang giao của nước ta với nước ngoài, vua Khải Định là người đầu tiên xuất dương sang châu Âu, đến thăm nước Pháp vào năm 1922. Tuy nhiên ít ai biết rằng vua Đồng Khánh cũng đã có kế hoạch sang Pháp nhưng dự định bất thành bởi ông mất vì bạo bệnh ngày 27 - 12 năm Mậu Tý (1888), một năm trước khi tiến hành cuộc Tây du.

Trong sách “Khải Định chính yếu sơ tập”, có chép lời dụ của vua Khải Định, con trai vua Đồng Khánh nói về chuyến đi bất thành của cha mình như sau: “Sự sáng suốt, thân ái và tin cậy của Tiên Hoàng khảo chính khớp với tấm lòng của quý Đại Pháp. Vì thế vào năm Đồng Khánh thứ 3, Mậu Tý, Người đã hạ sắc quyết định rằng đến năm Đồng Khánh Kỷ Sửu, tức năm 1889 theo Tây lịch sẽ ngự giá sang triều đình Pháp để bày tỏ tình hữu hảo từ xưa giữa hai nước, thể hiện lòng chân thành hết mực tin cậy đối với Pháp, đồng thời nhân đó đi khảo sát các nền chính trị văn minh để khi hồi loan sẽ cùng với chính phủ Bảo hộ mưu tính tiền đồ tiến hóa cho dân nước ta. Ai đâu có ngờ vận hạn gian truân, chưa kịp đi tới mục đích hoàn toàn thì vào ngày 27 tháng 12 năm Mậu Tý niên hiệu Đồng Khánh thứ 3, tức là ngày 28- 1- 1889, Tiên Hoàng khảo Cảnh Tôn Thuần Hoàng đế đã ngự lưng rồng lên làm khách trên trời. Thế là ý nguyện ngự giá sang triều đình nước Pháp biến thành niềm hư ảo mây trời, còn quốc dân đương thời cũng một phen ngao ngán, thất vọng”.

Đặt lệ làm huân chương

Tại Việt Nam, ít người biết rằng học hỏi theo và dựa vào cách thức, quy chế về huân chương của Pháp, vua Đồng Khánh nhà Nguyễn đã ban hành những quy định đầu tiên về huân chương.

Theo sách Đồng Khánh chính yếu, vào tháng 2 năm Bính Tuất (1886), vua Đồng Khánh đã cho áp dụng kiểu cách về huân chương, sách viết như sau: “Về phẩm cấp có cao có thấp, công trạng có lớn có nhỏ, nên phân biệt ra hạng văn hạng võ, mỗi hạng lại phân biệt ra thành ngũ đẳng khác nhau. Về văn: Hạng nhất là Khôi kỳ long tinh; hạng nhì là Chương hiền long tinh; hạng ba là Biểu đức long tinh; hạng tư là Minh nghĩa long tinh; hạng năm là Gia thiện long tinh. Về võ: Hạng nhất là Trác dị long tinh; hạng nhì là Thù huân long tinh; hạng ba là Tinh năng long tinh; hạng tư là Tưởng trung long tinh; hạng năm là Khuyến công long tinh”. Các loại huân chương này được gọi chung trong hệ thống Đại Nam Long tinh Viện hay Nam Việt Long bội tinh và là những kiểu huân chương đầu tiên ở nước ta.

Trên đây là những dấu ấn lý thú trong cuộc đời làm vua của Đồng Khánh, người mà ngay đến kẻ bảo trợ, tạo dựng ngai vàng cho ông cũng đã phải thừa nhận: “Chưa hề ở xứ sở nào, thời nào có ông vua bị thần dân oán ghét như vua bù nhìn Đồng Khánh” (Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, Paris, 1904, tr. 267).


(Theo phapluatxahoi.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)