 |
Lá thư xin lỗi của NXB Trẻ gửi các cơ quan truyền thông |
Nguyên văn câu chuyện về lá thư xin lỗi này như sau, Nhà xuất bản
(NXB) Trẻ đã cho phát hành ra thị trường bộ sách “Kiến văn tiểu lục” rồi
mới phát hiện ra lỗi sai ảnh ở bìa cánh, thay vì đưa ảnh Lê Quý Đôn thì
nhầm thành ảnh Nguyễn Trãi. Đó là lỗi thứ nhất. Số sách này đã được thu
hồi để chỉnh sửa.
Tuy nhiên, đến hôm 22/3/2013, bạn đọc lại phát hiện sai tên dịch giả
trên bìa sách của bộ “Kiến văn tiểu lục”, đáng lẽ Phạm Trọng Điềm in
thành Nguyễn Trọng Điềm.
Nguyên văn lá thư của ông Giám đốc viết: “Lỗi sai này cực kỳ nghiêm
trọng đối với chúng tôi, chúng tôi thật lấy làm xấu hổ về điều này. Ban
Giám đốc NXB Trẻ và toàn thể nhân viên cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi bạn
đọc… Cuối cùng, trong sự xấu hổ của nghề nghiệp, NXB Trẻ chân thành xin
lỗi bạn đọc và mong bạn đọc lượng thứ”.
Làm sách mà để sai sót là một việc khó lượng thứ, bởi độ dài của quá
trình chuẩn bị bản thảo, qua nhiều khâu biên tập, chỉnh sửa, soát lỗi
rồi sách mới được phát hành, nếu sai thì chỉ có thể là do làm ẩu. Thế
nhưng việc xuất bản sách ở ta thời gian này đang gặp nhiều sai sót, dù
chưa đến nỗi “như cơm bữa” nhưng chuyện độc giả phải bưng miệng vì “nhai
phải sạn” cũng khá là thường xuyên.
Trong các nhà làm sách có tiếng trên thị trường hiện nay, NXB Trẻ là
một trong những nhà có tiếng tăm và uy tín nhất cả nước. Các tác giả mỗi
khi muốn ra sách đều muốn gửi gắm “đứa con tinh thần” cho bà đỡ này, vì
sách được làm cẩn trọng, bìa đẹp, giấy tốt, hầu như không có lỗi biên
tập, lỗi moras. Bị một cú thế này, chắc hẳn những người bao năm nay xây
dựng nên thương hiệu của NXB Trẻ cảm thấy rất đau.
Nhưng cái làm tôi cảm động hơn cả là lá thư xin lỗi của ông Giám đốc,
nó được viết rất chân thành, cầu thị, thể hiện sự hiểu biết, nhận lỗi
rất trung thực. “Chúng tôi xin cúi đầu nhận lỗi...”, cái câu này nghe
quen quen ở đâu đó những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, chứ hiếm khi nghe
thấy ở ta. Điều đó cho thấy một văn hóa ứng xử rất đáng trân trọng.
Ở đời chẳng có người nào là toàn bích, ai mà không có lỗi lầm, nếu
không chúng ta đã hóa thánh hết lượt rồi, nhưng quan trọng là cái thái
độ nhận lỗi và sửa lỗi của từng người có thể cho thấy phông văn hóa,
lương tâm của họ.
VN ngày nay không thiếu gì những quan chức quanh co chối tội, nhan
nhản những tổ chức mỗi khi bị phát giác có lỗi lầm, liền tìm cách đổ vấy
sang cho một cá nhân nào đó gánh chịu, phủ toẹt sự liên can của mình.
Chắc những “người – thông – thái” đó cho rằng mình biết cách sống khôn.
Nhưng lương tâm của họ có còn không mới là vấn đề, sau mỗi lần đổ vấy
hay chối bay chối biến đó, tôi tin rằng lương tâm của họ đang teo dần
lại, rồi vài lần nữa, nó sẽ biến mất hẳn như chưa từng có trên đời.
Tôi kính trọng những người biết nhận lỗi, biết nói ra những lời xin
lỗi một cách thật tâm, họ hẳn đã phải trải qua những phút giây dằn vặt
mình, quở trách mình vì đã để xảy ra những lỗi lầm không đáng có. Người
có lòng tự trọng và còn giữ được lương tri, việc đó là không có gì là
lạ.
Biết nhận lỗi và biết đau với cái lỗi của mình, biết xấu hổ vì sự
chểnh mảng, sơ ý, tối tăm hay thậm chí là ngu dốt của mình là một cách
tốt nhất để giúp con người trưởng thành. Những người như thế, tôi tin
rằng mỗi lần vấp ngã của họ sẽ cho họ một cơ hội để tu dưỡng phẩm chất
“người” hơn.
Xã hội của chúng ta mỗi ngày một tồi tệ đi chỉ vì những người không
dám nhận lỗi, không bao giờ biết mở miệng nói một lời xin lỗi cho những
lỗi lầm của mình. Nào là công dân bị chính quyền xử oan sai, nào là
những người bị ngồi tù hàng ngàn ngày trong oan trái, mà với những nạn
nhân, việc nhận được một lời xin lỗi của “thủ phạm” đầy uy quyền còn khó
hơn tìm đường lên trời. Nhan nhản trên mặt báo là những phát ngôn quanh
co đổ vấy của những “ông nọ bà kia” mỗi khi có “phốt”.
Một cộng đồng mà ngày càng ít dần đi những người biết xấu hổ, biết
đau đớn vì những lỗi lầm của mình thì liệu rằng mỗi cá nhân của cộng
đồng ấy, còn có tương lai hay không? Chúng ta rồi sẽ hòa vào nhau thành
một khối vô tình, vô cảm, sẽ đánh mất hết những phẩm cách cao quý của
con người mà học cách để trở thành đá, trơ trơ và lạnh lẽo.
Lá thư xin lỗi của ông Giám đốc NXB Trẻ, tôi mong có nhiều người đọc
nó, cùng suy nghĩ về nó để học cách sống sao cho tốt đẹp hơn.
(Theo baodatviet.vn)