Nhân dịp kỷ niệm 300 năm sinh của Denis Diderot, xin được ôn
lại cùng bạn đọc một số câu chuyện vui, lạ liên quan đến cuộc đời và sự
nghiệp của ông.
Bỗ bã với Nữ hoàng Nga Catherine II
Không thể nói phong trào Khai
sáng do các nhà trí thức ưu tú khởi xướng ở Pháp không có ảnh hưởng tới
các nhân vật có quan điểm cởi mở, cấp tiến ở Nga, bởi vậy, ngay từ khi
mới lên ngôi, Nữ hoàng Nga Catherine II đã rất quan tâm tới việc mở mối
quan hệ giao đãi thân tình với những vị thủ lĩnh tư tưởng của nước Pháp
như Denis Diderot, như Voltaire. Trong khi ở Pháp, nhà cầm quyền đang dè
chừng trước những hoạt động mà họ xem là kích động tư tưởng người dân
chống lại chính thể của Diderot và nhóm Bách khoa thì Nữ hoàng Nga đã
chỉ thị cho đại sứ của mình ở Pháp đến gặp Diderot, nói Nữ hoàng ngỏ ý
muốn mời ông sang Nga hoàn thành giúp nước này bộ Bách khoa toàn thư
tương tự như những gì ông đã và đang thực hiện ở Pháp. Nữ hoàng hứa, bà
sẽ tạo điều kiện cho ông hết mức, từ tiền nong đến phương tiện đi lại,
thậm chí cả chức tước, miễn sao ông được thoải mái trong quá trình làm
việc. Mặc dù rất phấn khởi song vì nhiều ràng buộc, Diderot không dám
nhận lời. Tuy nhiên, sự "biết người biết của" của Nữ hoàng Nga cũng
khiến giới chức cầm quyền ở Pháp phải cư xử với Diderot "mềm mại" hơn.
Là một người đa tài, lại siêng
lao động, song không vì thế mà Diderot thoát khỏi cảnh nghèo túng. Một
ngày nọ, khi cần có của hồi môn cho con gái, Diderot đã phải quyết định
bán thư viện của mình. Biết tin này, Nữ hoàng Catherine II đã cho người
mua lại thư viện của Diderot. Cách mua của Nữ hoàng thật lạ: Bà trả ông
giá rất cao, nhưng không lấy sách ngay mà vẫn để cho Diderot giữ chúng,
chỉ cần ông làm thống kê các sách ông có và bản thảo của chính ông rồi
chuyển cho vị đại sứ của Nga ở Pháp. Đã thế, bà còn giao kèo sẽ trả cho
ông mỗi năm một khoản tiền gọi là thù lao trông coi thư viện và chỉ đưa
sách về Nga khi nào nhà văn tạ thế. Có thể hiểu đây là một cách trợ giúp
tài chính của Nữ hoàng. Và sự thật đã diễn ra đúng như những gì mà Nữ
hoàng thỏa thuận. Sau khi Diderot mất, Nữ hoàng mới cho đem sách trong
thư viện của Diderot về nhập vào Thư viện Quốc gia Nga.
Nhân đây cũng xin nói một chút
tới cách hành xử vượt lên mọi nghi thức ngoại giao giữa văn hào Diderot
và Nữ hoàng Catherine II, người muốn thể hiện mình có lối sống phóng
khoáng, bình dân. Năm 1873, Diderot đi Nga để cảm ơn Nữ hoàng. Tại lâu
đài Ermitazh, Nữ hoàng đã tiếp đón vị khách của mình rất thân mật, cởi
mở. Trong nhiều căn phòng của tòa lâu đài, bà cho dán trước cửa dòng chữ
bằng tiếng Pháp: "Nữ chủ nhân của ngôi nhà này không thích lễ nghi. Xin
các vị cứ coi đây như nhà của mình". Không biết có phải vì lối đón tiếp
quá cởi mở ấy mà về phía Diderot, ông cũng có cách hành xử xem ra khá
bỗ bã, không đúng với cương vị của một đấng quân vương. Khi ngồi đàm đạo
với Nữ hoàng, Diderot vừa nói chuyện vừa vỗ vào đùi bà, khiến "mỗi lần
nói chuyện với ông ấy xong, hai đùi tôi đau ran, thâm tím…".
 |
Cảnh trong một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết "Nữ tu sĩ" của Diderot. |
Quyết liệt chống lại chủ nghĩa duy tâm chủ quan
Thời trẻ, suýt nữa thì Diderot
trở thành… mục sư theo ý nguyện của cha mẹ, nhưng rồi ông nhận thấy giữa
ông và Nhà Thờ có những quan niệm sống không thể dung hòa, vậy là ông
quyết định… thôi. Từ đó, ông sống như một người vô thần. Nói đúng hơn,
ông là người chống lại chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Rải rác trong các tác
phẩm của Diderot, chúng ta bắt gặp nhiều câu mang tính châm ngôn thể
hiện quan điểm giễu cợt của ông trong việc con người cuồng tín, mê muội
trước một đấng tối cao "mù mờ" nào đó, để rồi tự đày ải thân xác mình,
quên đi cuộc đấu tranh cho hạnh phúc đích thực của con người trên cõi
trần. Tất nhiên, nhìn từ một góc độ nào đó, không phải ai cũng chia sẻ
những quan điểm quá ư quyết liệt, "ngang bằng sổ thẳng" ấy của ông,
nhưng dẫu sao cũng cứ xin trích ra đây một số câu: "Nếu muốn tôi tin vào
Chúa, hãy để tôi chạm vào ông ta"; "Cố gắng đạt được sự hủy diệt của
dục vọng là đỉnh cao của sự ngu xuẩn. Kẻ cuồng tín thì có được mục tiêu
cao quý nào khi hành hạ mình như người điên để không muốn gì, không yêu
gì, không cảm thấy gì, và nếu thành công, cũng sẽ biến thành một con
quái vật thực sự!"; "Nhà triết học chưa bao giờ giết tu sĩ nào, trong
khi đó tu sĩ đã giết nhiều nhà triết học vĩ đại"; "Không ông bố tốt nào
lại muốn giống như Chúa Trời của chúng ta".
Không chỉ thể hiện quan điểm
"vô thần" của mình bằng những câu nói đơn lẻ, Diderot còn viết hẳn một
cuốn tiểu thuyết phê phán chế độ chuyên chế và Nhà Thờ cũng như một số
bậc phụ huynh vì những toan tính vụ lợi đã đẩy con em mình vào vòng giam
hãm, sống đời mòn mỏi trong các nhà tu kín. Tiểu thuyết "Nữ tu sĩ" của
Diderot (đã từng được dựng phim) với nội dung kể về những khát vọng tình
yêu của các nữ tu, quả là một kiệt tác về đề tài này. "Có lẽ chưa bao
giờ người ta viết một áng văn đả kích đáng sợ như thế về các tu viện" -
Diderot từng tự tin nhận xét về cuốn sách của mình như vậy.
Một điều dường như là nghịch
lý: Mặc dù là một người vô thần, và có những trang viết đả phá cuộc sống
nơi tu viện mạnh mẽ như vậy, song khi Diderot tạ thế, thi hài ông lại
được chôn tại nghĩa trang thuộc nhà thờ Sain - Roch. Rất lạ là sau đó,
người ta không tìm thấy hài cốt của ông. Và cho đến nay, thực sự mộ của
Diderot nằm ở đâu thì… không ai biết.
Cuộc "phiêu lưu" lạ kỳ của "Cháu ông Rameau"
"Cháu ông Rameau" là một trong
những tác phẩm nổi tiếng nhất của Diderot, là "kiệt tác về phép biện
chứng" (như Marx và Engels nhận xét). Đây cũng là cuốn sách có số phận
hết sức long đong.
Theo các nhà nghiên cứu thì tác
phẩm được viết trong khoảng thời gian từ 1761-1772. Tuy nhiên, sinh
thời, Diderot chưa bao giờ nhắc tới nó trong các thư từ trao đổi cùng bè
bạn cũng như trong các liệt kê tác phẩm của mình. Cũng không hề thấy
một tác giả nào cùng thời với Diderot nhắc tới nó. Bản in đầu tiên xuất
hiện vào năm 1805, nghĩa là sau khi Diderot mất đã được trên hai chục
năm, và không phải bằng tiếng Pháp mà bằng tiếng Đức. Người dịch không
phải ai khác mà chính là đại thi hào Đức Goethe!
Không ai biết Goethe đã dịch
tác phẩm của Diderot qua nguồn nào (vì sau đó bản tiếng Pháp mà Goethe
sử dụng để dịch được xác định là… đã mất). Không có trâu đành bắt ngựa
đi cày, tới năm 1821, bản tiếng Đức "Cháu ông Rameau" của Goethe được
hai dịch giả người Pháp là De Saur và Saint - Geniès lấy làm căn cứ để
dịch sang tiếng Pháp. Đây quả là một chuyện bi hài: Tác giả là người
Pháp, viết văn bằng tiếng Pháp, vậy mà người dân Pháp lại phải tiếp xúc
với tác phẩm qua bản dịch lại từ tiếng Đức. Phải tới năm 1823, "Cháu ông
Rameau" nguyên bản tiếng Pháp mới xuất hiện. Nói nguyên bản song sự
thực nó cũng chỉ là một trong những bản sao mà một người con gái của
Diderot giữ được. Đối chiếu với bản tiếng Đức của Goethe, người ta thấy
nó bị cắt xén và có những chỗ không được "khớp". Cho tới năm 1884, đúng
dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của Diderot, một ấn bản được xem là "chuẩn"
nhất của "Cháu ông Rameau" đã được xuất bản tại Paris. Tại sao lại có
bản này? Thì ra, đó chính là bản in dựa trên bản thảo viết tay được lưu ở
thư viện của Diderot mà Nữ hoàng Catherine đã mua "trọn gói" và cho
chuyển về St Petersburg sau khi Diderot qua đời. Tuy nhiên, sự việc chưa
dừng ở đấy. Năm 1890, một viên thủ thư ở Comédie - Francaise là Georgs
Monval đã vô tình mua được ở một quầy sách cũ bên bờ sông Sein (Paris)
một bản thảo của "Cháu ông Rameau". Bản thảo này đã được xuất bản thành
sách năm 1891. Hiện các ấn bản "Cháu ông Rameau" được in lại đây đó hầu
hết là dựa theo bản in năm 1891 này.
Sinh thời, Diderot không đồng
tình với quan điểm cho rằng nghệ thuật chỉ là để mô tả cái đẹp. Với ông,
nghệ thuật phải giúp người đọc thấu hiểu bản chất của xã hội, giúp họ
phân biệt rõ điều thiện, điều ác. Phải mô tả hiện thực xã hội như nó vốn
có. Cùng với Voltaire, Diderot là người góp phần tích cực chuẩn bị nền
tảng tư tưởng cho cuộc Cách mạng tư sản Pháp diễn ra 5 năm sau khi ông
mất

|