Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, trên địa bàn Thủ
đô hiện có 5.175 di tích lịch sử văn hóa; thành phố trực tiếp quản lý 12
di tích tiêu biểu như Thành cổ Hà Nội, Khu di tích Cổ Loa; Văn Miếu -
Quốc Tử Giám, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc (Hà Đông)... Các quận,
huyện, thị xã, phường, thị trấn quản lý các di tích còn lại. Trong quá
trình triển khai Luật Di sản văn hóa còn một số bất cập, đặc biệt, hiện
có gần 600 di tích xuống cấp, trong khi nguồn kinh phí duy tu còn hạn
chế. Thành phố Hà Nội đề xuất với Quốc hội quy định rõ các bước lập dự
án tu bổ, tôn tạo di tích theo các cấp xếp hạng; Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch ban hành hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền công đức; ưu tiên kinh
phí cho việc bảo tồn các yếu tố gốc của di tích cấp quốc gia…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo
dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Trưởng đoàn giám
sát Lê Như Tiến đánh giá cao cố gắng của Hà Nội trong việc thực hiện
Luật Di sản văn hóa, đồng thời lưu ý cần xem xét kỹ công tác thu nhận cổ
vật tại huyện Mê Linh. Trong quá trình vận động người dân trao cổ vật
cho địa phương quản lý nên có cơ chế tôn vinh, khen thưởng cụ thể.
Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,
Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã giám sát việc thực hiện Luật Di
sản văn hóa tại Hội Cổ vật Thăng Long và Bảo tàng Hà Nội, qua đó phát
hiện hoạt động mua bán cổ vật có nhiều biểu hiện phức tạp. Một số tổ
chức tự ý ra đời được gọi là "Câu lạc bộ những người yêu cổ ngoạn" không
có cơ quan quản lý, tự in sách giới thiệu cổ vật thật - giả lẫn lộn
khiến thị trường này ngày càng hỗn loạn, tạo dư luận không tốt công tác
bảo tồn cổ vật của thành phố, cũng như chủ trương xã hội hóa hoạt động
bảo tồn các giá trị văn hóa. Tại Bảo tàng Hà Nội, việc trưng bày Nhà bảo
tàng chưa được thực hiện nên ít khách tham quan, hệ thống trang thiết
bị bảo quản hiện vật không đồng bộ; thiếu cơ chế đặc thù cho đội ngũ làm
công tác kỹ thuật, vận hành tòa nhà...