“Heo vàng” vào lớp 1: Quá tải bán trú
Mặc dù chưa có thông
tin cụ thể về phân tuyến tuyển sinh vào lớp 1 của các quận, huyện nhưng
những số liệu đã có về lượng trẻ sinh năm 2007 chuẩn bị vào lớp 1 khiến
không ít trường tiểu học phải lo ngại.
Nguy cơ xóa bán trú
Bà Phan Thúy Trang, Hiệu trưởng Trường Kim Đồng (quận
Gò Vấp), cho biết năm học trước trường tuyển khoảng 300 học sinh (HS)
lớp 1, chia thành tám lớp. Nhưng chỉ tiêu mới nhất mà Phòng GD&ĐT
quận giao cho trường trong năm học tới lên khoảng 630 em. “Trường phải
dồn lớp, cắt lớp hai buổi mới đủ mở 14 lớp 1 nên nguy cơ xóa bán trú rất
cao. Nếu được cũng chỉ khoảng một, hai lớp bán trú, chủ yếu là nhu cầu
của phụ huynh trái tuyến” - bà Trang lo lắng.
Tân Phú là một trong những quận hằng năm có tỉ lệ bán
trú ở tiểu học rất thấp, chỉ chiếm khoảng 22%. Tuy nhiên, quận đang rất
lo ngại con số này sẽ tiếp tục giảm vì năm học tới có 7.000 trẻ vào lớp
1, tăng khoảng 800 trẻ so với năm ngoái. Việc cắt giảm bán trú là điều
khó tránh khỏi.
Một số trường tiểu học ở quận Thủ Đức như Lương Thế
Vinh, Đào Sơn Tây, Bình Triệu… cũng dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu vào lớp 1
từ 50 đến 100 HS vì ảnh hưởng từ lượng dân nhập cư cao. Ngay từ thời
điểm này, các trường tiểu học này đã tính đến việc sẽ giảm lớp học hai
buổi xuống còn một buổi, nâng sĩ số các lớp trên để nhường cho lớp 1
hoặc đề xuất xây dựng thêm phòng học để đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ.

HS lớp 1 bán trú của Trường Tiểu học Kim Đồng đang
ăn trưa tại trường. Trường đang lo lắng sẽ khó tổ chức cho HS bán trú
như thế này trong năm học tới. Ảnh: PHẠM ANH
Đối với các quận 1, 3, 5, Bình Thạnh…, lượng trẻ vào
lớp 1 cũng sẽ tăng trung bình 300-1.000 trẻ/quận. Trong khi đó, kế hoạch
của TP từ năm học 2012-2013 sẽ giảng dạy các chương trình tiếng Anh cho
HS lớp 1 bắt đầu từ học kỳ 2. Điều này cũng tạo áp lực cho không ít
trường vì phải lo đảm bảo đủ chỗ học, chỗ bán trú với sĩ số thấp để
chuẩn bị cho số HS đăng ký học tiếng Anh.
Cân nhắc kỹ diện trái tuyến
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 4 cho hay
trước áp lực về số học sinh vào trường, năm học tới trường sẽ ủy thác
việc tuyển HS trái tuyến cho quận. “Số HS của trường được học bán trú
không cao, phần lớn đáp ứng yêu cầu của các HS trái tuyến vì ở xa nên HS
trong tuyến rất thiệt thòi. Năm nay, quận muốn nhận thêm trường hợp nào
phải có xác nhận rõ ràng để phân rõ trách nhiệm. Riêng bán trú, trường
sẽ ưu tiên cho con em trên địa bàn. Có như thế chúng tôi mới tránh được
điều tiếng, bị xử phạt vì “heo vàng”” - vị hiệu trưởng này nói.
Một giáo viên làm công tác tuyển sinh tại một trường ở
quận 3 cho biết theo nguyên tắc, vào năm học nếu số trẻ trên địa bàn
các phường tăng đột biến thì trường phải mở thêm lớp để đảm bảo thu nhận
100% trẻ vào học. Điều này sẽ dẫn đến việc nhiều trường vì ưu tiên lớp 1
nên cắt một số nhu cầu của phụ huynh như bán trú, học hai buổi, tiếng
Anh… Đáng nói, vài năm trở lại đây thường xuất hiện hồ sơ “ảo” do phụ
huynh lo lắng quá nên làm nhiều hồ sơ, viện nhiều lý do giấy tờ, nhờ
người quen xin vào một số trường để đề phòng. “Với tâm lý “mất trường
này được trường kia”, cộng thêm sự chủ quan của cán bộ nhận hồ sơ, không
xem xét kỹ, đến ngày nhập học có tên đó nhưng không thấy trò đâu. Tuy
không nhiều trường hợp nhưng tạo áp lực, đánh giá diện ưu tiên không
đúng cho kế hoạch của trường. Năm nay, trường sẽ làm kỹ, hạn chế tối đa
trái tuyến, những hồ sơ mới nhập hộ khẩu hoặc KT3 khoảng sáu tháng trở
lại đây sẽ không được ưu tiên nữa để dồn sức chăm lo cho con em đúng
tuyến” - giáo viên này nói.
108.758 HS là chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 1 của TP.HCM trong năm học 2013-2014, tăng
khoảng 6.000 trẻ so với năm học trước. So với một số năm trước đây, mức
tăng này cũng không quá cao. Tuy nhiên, tâm lý chạy trường, chạy lớp
của phụ huynh là có thật, năm nào cũng diễn ra khiến một số trường bị áp
lực về tuyển sinh. TP đã có kế hoạch tuyển sinh chung từ cuối tháng 2
vừa qua. Các quận, huyện sẽ dựa vào tình hình cụ thể của địa phương để
có kế hoạch tuyển sinh chi tiết, phân tuyến, số lượng, thủ tục… rồi gửi
về từng trường, đồng thời thông báo phụ huynh được rõ. Về nguyên tắc,
các địa phương phải đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả con em trên địa bàn
theo thứ tự ưu tiên, không được để xảy ra trường hợp không có chỗ học.
Ông LÊ NGỌC ĐIỆP, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học
- Sở GD&ĐT TP.HCM |
(Theo phapluattp.vn)