Ảnh về Trường Sa bị tố vi phạm quyền tác giả
Tập sách ảnh Tổ quốc nơi đầu con sóng
phát hành tháng 1-2013 của NXB Kim Đồng là tác phẩm phối hợp xuất bản
giữa Kim Đồng và nhóm tác giả mà đại diện là kiến trúc sư Đoàn Bắc.
Tác phẩm gốc bị đổi tên, cắt cúp
2.000 bản sách phát hành trong lần đầu tiên đã được
bán hết và sách đang trong kế hoạch tái bản lần thứ nhất. Tập sách ảnh
này dành cho thiếu nhi, dày chưa đến 50 trang, là tác phẩm tổng hợp lịch
sử, địa lý, văn hóa, thiên nhiên, con người và cuộc sống trên hai quần
đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Phần ảnh của quần đảo Trường Sa chiếm hơn 100
tấm, trong đó có năm tấm ảnh bị nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng tố vi
phạm. Cả năm tấm ảnh này đều từng xuất hiện trong các cuộc triển lãm về
ảnh Trường Sa tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM và Hoàng thành Thăng Long
(Hà Nội) trong các năm 2010, 2012.
Cụ thể năm tấm ảnh vi phạm gồm: Cá chuồn (loài cá biết bay - trang 21); Ó biển (trang 22); Gà quê, Cò trắng (trang 23) và Hoa phong ba (trang 24). Các bức ảnh được sử dụng không xin phép, chưa kể tất cả tấm ảnh đều bị cắt cúp và đổi tên. Như bức ảnh Cá chuồn vốn có tên là Vũ điệu Trường Sa; tấm Ó biển vốn tên là Ó biển săn cá chuồn; tấm Gà quê vốn tên Gà thả vườn trên cây phong ba tại đảo Sinh Tồn...

Tác phẩm Ó biển săn cá chuồn (trái) trở thành ảnh Ó biển (phải) sau khi bị cắt cúp trong sách Tổ quốc nơi đầu con sóng. Ảnh: HOÀNG CHÍ HÙNG
“Sử dụng không nói năng gì đã đành, những tấm ảnh tôi
thích nhất vì rất khó chụp được khoảnh khắc cá chuồn hay ó biển đang
săn bắt mồi; giờ người ta lấy lại, đổi tên, cắt cúp làm mất luôn cá
chuồn trong tấm Ó biển săn cá chuồn... như vậy dưới góc độ nhiếp
ảnh coi như tác phẩm bị hư! Con mình sinh ra đẹp đẽ vậy tự dưng bị bắt
cóc rồi gọt đầu trọc lóc...” - ông Chí Hùng bức xúc.
Ngược lại, kiến trúc sư Đoàn Bắc cho rằng ông đã từng
gọi điện thoại xin ảnh gốc của ông Hùng để sử dụng cho sách. “Anh Hùng
bảo anh ấy có dự định in sách về Trường Sa. Anh nói tôi lấy ảnh trên
mạng thì cứ lấy chứ anh không cung cấp ảnh gốc được bởi anh còn dùng làm
sách ảnh của anh. Sau đó tôi đã lấy ảnh với dung lượng nhỏ từ trên mạng
xuống”.
Nhưng ông Chí Hùng lại cho biết: “Nếu một người bạn
của tôi ở Hà Nội không báo thì tôi không biết có một quyển sách như thế
ra đời mà trong đó có sử dụng ảnh của tôi chụp trong ba chuyến đi Trường
Sa”.
Theo lời ông Chí Hùng thì ông có quen biết với ông
Đoàn Bắc qua một số buổi gặp gỡ tại các cuộc triển lãm. “Cách đây gần
bốn tháng, anh Bắc có gọi điện thoại cho tôi nói ý muốn tập hợp ảnh của
những tác giả từng đi Trường Sa để làm sách và mời tôi cộng tác. Tuy
nhiên, tôi có nói anh Bắc thông cảm bởi tôi có ý định sẽ phát hành một
tập sách ảnh về Trường Sa của riêng mình. Anh Bắc gợi ý tôi cứ gửi vài
tấm để tập hợp khoảng 20 anh em in chung, tôi đã không đồng ý với lý do
một tấm ảnh lại in quá nhiều sách thì không hay” - ông Chí Hùng kể.
Sẽ kiện
Ông Đoàn Bắc còn cho biết tập sách Tổ quốc nơi đầu con sóng
nằm trong dự án phi lợi nhuận của quân chủng Hải quân và Thông tấn xã
Việt Nam nhằm tuyên truyền biển đảo cho trẻ em. “Trong quyển sách tôi
xuất bản có 200 ảnh của 70 tác giả khác nhau. Tôi có hồ sơ lưu tác giả
của từng tấm ảnh nhưng đến 70 tác giả thì không thể liệt kê hết trong
sách. Với những bức ảnh của anh Hùng, tôi ưu tiên chọn những bức ảnh đã
được công bố và giới thiệu qua báo chí, các trang mạng. Còn sơ suất ở
đây là không có tên anh Hùng trong danh sách 21 tác giả. Nhưng thật ra
bọn mình làm với giá nhà xuất bản bán ra 30.000 đồng/quyển là cực rẻ.
Tiền nhuận bút cũng chả đủ một bữa liên hoan. Toàn là anh em làm vì quê
hương đất nước nên không ai phản ứng gì chuyện đó. Tôi làm sách không
phải để kiếm tiền, nếu anh Hùng làm căng thì chúng tôi buộc phải bỏ ảnh
của anh Hùng ra khỏi sách trong lần tái bản tới. Và như thế sẽ thiệt
thòi cho độc giả, anh Hùng sẽ làm xấu chính hình ảnh của mình trong câu
chuyện chung về Trường Sa thôi!”.
Ông Chí Hùng cũng chia sẻ rằng ảnh chụp Trường Sa của
ông rất nhiều nơi đăng tải, tuy nhiên những ảnh đó đều phục vụ mục đích
truyền thông cho các cuộc triển lãm của ông. “Tôi mang đến triển lãm để
người dân biết biển đảo. Còn với tập sách Tổ quốc nơi đầu con sóng
là hành vi cố tình vi phạm, bởi anh Bắc từng gọi xin sử dụng mà tôi
không cho phép! Nếu tôi sử dụng những hình ảnh này cho sách của mình thì
ai đảm bảo cho tôi rằng độc giả sẽ không nghĩ tôi lấy ảnh của Tổ quốc nơi đầu con sóng?
Làm sách cho thiếu nhi hay yêu quê hương đất nước thì trước tiên phải
xuất phát từ sự trung thực! Tôi sẽ kiện nhà xuất bản và tác giả lấy ảnh
của tôi không xin phép!” - ông Chí Hùng khẳng định.
Tái bản sách, không dùng ảnh vi phạm vẫn có thể bị kiện
Nhiếp ảnh gia Hoàng
Chí Hùng có thể khởi kiện dân sự về việc vi phạm quyền tác giả theo quy
định của Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể ở đây, việc sử dụng ảnh không xin
phép tác giả, tự tiện cắt xén tác phẩm là vi phạm quyền nhân thân; sử
dụng không nêu tên tác giả với mục đích kinh doanh, không thanh toán thù
lao cho tác giả là vi phạm quyền tài sản. Dù bức ảnh đó được khai thác ở
Internet hay bất cứ nguồn nào nhưng trong sách vi phạm thì người chủ sở
hữu quyền (ở đây là ông Chí Hùng) đều được quyền khởi kiện vì tác phẩm
bị xâm phạm.
Trường hợp tái bản
lại sách và không dùng những tác phẩm vi phạm thì đây chỉ được xem là
hình thức khắc phục hậu quả, những vi phạm cũ vẫn phải bồi thường. Dù
làm sách cho thiếu nhi hay người lớn, đã có kinh doanh thì phải lưu ý
tác quyền. Và để khởi kiện, phía người bị hại cũng phải chứng minh được
thiệt hại của mình.
Luật sư LÊ QUANG VY, Tổng Giám đốc, Trưởng bộ phận Sở hữu trí tuệ Công ty Luật VLT
NXB Kim Đồng sẽ làm rõ
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,
ông Cao Xuân Sơn, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng phía Nam, cho biết
nếu có vi phạm quyền tác giả thì dù sách liên kết xuất bản, NXB Kim Đồng
cũng liên đới trách nhiệm. NXB sẽ làm rõ việc này và thông tin lại với
báo vào ngày 8-4. |
(Theo phapluattp.vn)