Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 08/04/2013 09:45
Hoạt động xuất bản sách không chỉ thuần túy hướng đến lợi nhuận
Thời gian gần đây, dư luận bức xúc về việc một số sách dành cho trẻ em Việt Nam có nhiều sai sót..., đặc biệt có in cờ Trung Quốc. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam về tình hình xuất bản sách hiện nay.

Ông đánh giá như thế nào về việc một số nhà xuất bản (NXB) cho ra đời những tác phẩm dành cho trẻ em Việt Nam nhưng lại in cờ Trung Quốc, xe cứu hỏa Trung Quốc...?

Trước hết, là do lỗi của tổng biên tập, giám đốc NXB, biên tập viên có sách sai phạm đã không đọc kĩ, không hướng đến mục đích xuất bản ban đầu, đặc biệt không nhạy bén về chính trị.

Mục đích xuất bản những cuốn sách đó là cho các em có sự chuẩn bị trước khi vào lớp 1, tức là học chữ cái, học đánh vần, học nhận thức những vấn đề liên quan đến đánh vần những chữ cái được minh họa bằng hình ảnh. Tuy nhiên, những cuốn sách đó nội dung và hình ảnh minh họa lại không ăn nhập với nhau. Nếu như trong quy trình xuất bản và biên tập các cuốn sách nói trên, giám đốc NXB, biên tập viên cảnh giác hơn, quan sát kĩ lưỡng hơn, tinh thông nghề nghiệp hơn thì chắc đã không bị vướng vào những sai sót như vừa qua mà báo chí đã phản ánh.

Từ những yếu kém trên, một số đơn vị xuất bản lại đi mua bản quyền của nước ngoài những loại sách đó mà không chủ động biên tập ở trong nước, không chủ động đặt các tác giả trong nước viết. Cái đó là sai lầm về cách đặt vấn đề của lãnh đạo NXB, đơn vị liên kết. Nếu ta đặt vấn đề là sách cho trẻ em Việt Nam phải được các tác giả Việt Nam nghiên cứu, đề xuất, minh họa, vẽ và giới thiệu bằng hình ảnh và nội dung thì sẽ tránh được những sai sót như đã xảy ra. Do đó theo tôi, cần phải đặt lại vấn đề từ mục đích xuất bản cần làm gì từ đó sẽ có cách làm phù hợp.

Có những biên tập viên cho rằng, sai sót là khó tránh khỏi bởi hàng ngày họ đang chịu áp lực công việc quá lớn. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Những năm 70 của thế kỉ trước, mỗi năm ngành xuất bản chỉ làm ra khoảng 3.000 đầu sách nhưng có tới 800 biên tập viên. Mỗi năm biên tập viên làm nhiều lắm cũng chỉ khoảng 3 quyển sách nên biên tập viên sẽ có thời gian để rà soát, xem xét, đối chiếu, sửa chữa rất kĩ lưỡng. Nhưng ngày nay, có những NXB chỉ có 20 biên tập viên nhưng ra đến 1.000 đầu sách/năm.

Đó là chưa kể những cuốn sách về khoa học công nghệ, lịch sử đòi hỏi sự tra cứu rất là nhiều mới có thể đưa ra nhận định nội dung sách là chính xác hay không chính xác. Điều này cho thấy, việc biên tập một cuốn sách không chỉ có tốc độ đọc mà còn phải có tính chuẩn xác của sự kiện được đưa ra trong sách. Vì vậy, người biên tập viên phải thông hiểu tất cả các lĩnh vực của đời sống. Nếu họ không hiểu được hết thì họ phải tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia trong từng lĩnh vực.

Lúc đó, thời gian biên tập bị kéo dài vì còn phụ thuộc vào việc đọc, sửa chữa của các chuyên gia. Như vậy, việc mỗi năm một biên tập viên phải đọc khoảng 50 đầu sách là việc không thể làm nổi, trong khi đó ngoài làm biên tập sách họ còn phải làm biết bao việc khác nữa sinh hoạt đoàn thể, học tập nâng cao nghiệp vụ…

Mặt khác, việc để xảy ra sai sót đáng tiếc như nêu trên của các xuất bản phẩm không chỉ nằm ở công tác biên tập hay ở khâu hậu kiểm. Nó không chỉ sai ở chỗ cắm cờ Trung Quốc vào sách trẻ em Việt Nam, hay ở chỗ có những lỗi ngớ ngẩn về kiến thức, văn phạm... mà có những nguyên nhân sâu xa từ hơn nửa thế kỉ chứ không phải chỉ vài năm gần đây.

Ông có thể nói rõ hơn về những nguyên nhân sâu xa đó?

Chúng ta hiện đang coi hoạt động xuất bản là một hoạt động không thuần túy hướng tới lợi nhuận (phục vụ các mục tiêu chính trị, giáo dục, truyền thống...) nhưng lại để cả xã hội hành xử với xuất bản như một ngành kinh doanh thuần túy, như mọi ngành nghề kinh doanh khác trong nền kinh tế. Do đó, vấn đề bài toán “cơm áo gạo tiền” của các NXB rất là căng thẳng. Nói chung, hoạt động xuất bản phải có lãi, trong khi yêu cầu của Nhà nước, xã hội đối với công tác xuất bản vô cùng khắt khe.

Hơn nữa, các biên tập viên, người làm sách ít được chú ý nuôi dưỡng bằng các hình thức như: Đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh nghề nghiệp. Vì vậy, đội ngũ của chúng ta không đủ mạnh, không đủ kiến thức, năng lực, chứ chưa nói đến sự tinh tế, nhạy cảm để làm tốt các công việc trong dây chuyền xuất bản.

Xin cảm ơn ông!


(Theo baohaiquan.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)