- Được biết bà và tác giả Phạm Trung tự mình nghiên cứu, viết bài,
xin tài trợ và xuất bản cuốn sách. Điều gì khiến bà mất nhiều thời gian
và công sức để làm cuốn sách này?
- Cả hai chúng tôi đều làm việc tại Viện nghiên cứu Mỹ thuật - ĐH Mỹ
thuật Việt Nam và nghệ thuật đương đại nằm trong mối quan tâm của chúng
tôi. Nghiên cứu là công việc của chúng tôi và ra sách là việc đương
nhiên phải làm. Đương nhiên, ở đây không phải là có một cấp trên, cơ
quan nào bắt buộc mà tôi nhận thấy chúng ta chưa có một cuốn sách nào về
nghệ thuật đương đại Việt Nam nên bắt tay vào thực hiện.
 |
- Vì sao cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Anh trước khi có bản tiếng Việt?
- Trong những năm qua, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã có những phát
triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bạn bè thế giới lại hầu như không biết tới sự
phát triển đó. những gì họ nhìn thấy chỉ qua các bài viết của Nora
Taylor (Giáo sư về nghệ thuật Đông Nam Á, người từng có nhiều bài viết,
nghiên cứu về nghệ thuật Việt Nam - PV). Chúng tôi viết cuốn sách này,
trước hết với mong muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế về nghệ thuật
đương đại ở Việt Nam trong thời gian qua.
- Giai đoạn 1990 - 2010 hẳn là một mốc quan trọng để các tác giả chọn nghiên cứu trong cuốn sách này?
- Đúng vậy, trong 20 năm qua, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã đi từ
bước mở đầu, khai phá đến những tìm tòi và phát triển sôi nổi với đầy ắp
các sự kiện. Theo chúng tôi, thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của nghệ thuật
đương đại đã hoàn thành vai trò tiên phong khám phá của mình, các thế hệ
thứ hai, thứ ba đang dần tiếp nối và phát triển.
- Vì sao bà chọn nghiên cứu, đánh giá một giai đoạn nghệ thuật thông qua chân dung các nghệ sĩ như trong cuốn sách này?
- Khi thực hiện cuốn sách, chúng tôi có tham khảo nhiều tài liệu nghiên
cứu mỹ thuật trên thế giới. Và cách trình bày này là do chúng tôi tham
khảo cuốn Art Today - một cuốn sách giản dị nhưng súc tích. Thông qua
phần giới thiệu tiểu sử các nghệ sĩ, bức tranh về nghệ thuật đương đại
Việt Nam trong 20 năm qua hiện lên khách quan nhất. Kèm theo chân dung
họ, chúng tôi cũng đưa ra bảng niên biểu các sự kiện tiêu biểu nghệ
thuật đương đại Việt Nam để người đọc dễ hình dung hơn.
- Vậy dựa vào tiêu chí nào để các tác giả chọn ra 28 gương mặt tiêu biểu này?
- Tất nhiên, chúng tôi có những tiêu chí riêng và độc lập để lựa chọn.
Không phải cứ nghệ sĩ nào có màn trình diễn gây sốc, được nhiều người
biết, gây ồn ào trên báo chí nhất… thì được đưa vào sách. Chúng tôi đánh
giá và lựa chọn qua những hoạt động, đóng góp, tư tưởng và con đường mà
nghệ sĩ theo đuổi...
- Trong phần đầu của cuốn sách có những trang định nghĩa về nghệ
thuật đương đại, nhưng dường như những lý thuyết đưa ra bị đánh giá chưa
hệ thống, chi tiết cặn kẽ. Bà nghĩ sao?
- Chúng tôi không định làm một cuốn sách về lý thuyết nghệ thuật đương
đại, mà chỉ muốn đưa ra những nghiên cứu, đánh giá về các hoạt động nghệ
thuật đương đại ở Việt Nam. Phần lý thuyết ở đầu cuốn sách giúp cho mọi
độc giả có thể hình dung rõ hơn về loại hình nghệ thuật còn mới mẻ này ở
Việt Nam. Vì thế, chúng tôi không có tham vọng cuốn sách là một nghiên
cứu to tát gì, chỉ mong nó như một viên gạch đầu tiên, cung cấp những cứ
liệu về một giai đoạn của nghệ thuật đương đại Việt Nam.
- Xin cảm ơn bà!