Một hạn chế khác khiến ông Lê Đăng Doanh không khỏi thắc mắc là, mọi năm, tăng trưởng
tín dụng khoảng 30%, GDP mới tăng 6%. Nay tăng trưởng tín dụng quá nhỏ
chưa tới 1% mà tăng trưởng GDP hầu như không bị ảnh hưởng là bao. Cứ như
thể nền kinh tế khỏe đến mức không cần cung ứng tín dụng vẫn có thể
tăng trưởng! - Ảnh minh họa.
Là một trong những diễn giả mang lại nhiều sự chú ý cho Diễn
đàn kinh tế mùa xuân năm 2013, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức
Kiên nhận được sự đồng tình cao khi ông nói về bệnh thành tích.
Từng
nhiều lần thể hiện thái độ khá gay gắt về việc xây dựng và thực hiện
các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Chính phủ khi còn là Phó chủ tịch Quốc
hội khóa XII và ngay cả bây giờ, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức
Kiên nhận định: “Bệnh thành tích mang tính phổ biến”.
Hai mươi
năm có mặt ở nghị trường Quốc hội, trong đó tới nửa số thời gian “cầm
trịch” phản biện các báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ trình Quốc
hội, nguyên Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên thấy buồn phiền vì “theo cùng
năm tháng, khó khăn và thách thức cứ phình to ra”.
Một kỷ niệm
đáng nhớ với ông là thời điểm kinh tế năm 2007, khi các cuộc khủng hoảng
tài chính và sau đó là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xuất hiện có
lẽ khá đột ngột với các nước, trong đó có nước ta. Nhưng trong báo cáo
của cơ quan chức năng trình Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2007 vẫn đánh
giá, đại ý rằng dự tính sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn diện
mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội X của Đảng, một số chỉ tiêu hoàn thành sớm
trước 2 năm.
Ngay cả năm 2010 khi chuẩn bị các văn kiện phục vụ
Đại hội XI của Đảng, vẫn tiếp tục tuyên truyền kinh tế tăng trưởng 6,7%
cao hơn mức Quốc hội đề ra 6,5%, mà không nói gì đến thực tế lạm phát ở
mức 18,3%, cao hơn nhiều mức 8% nêu ra trong nghị quyết.
Nguyên
Phó chủ tịch Quốc hội đúc kết: “Thực tế này cho thấy khả năng dự báo,
tầm nhìn về một nền kinh tế phát triển khỏe mạnh, lâu bền rất hạn chế và
bệnh thành tích mang tính phổ biến”.
Chia sẻ với ông Kiên, Viện
trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên dẫn ra một loạt những con
số như được “vẽ ra” chỉ để tô điểm cho sự hồng hào nền kinh tế, chẳng
hạn như con số tạo việc làm mới. Bất kể năm khó khăn hay thuận lợi, các
con số tạo việc làm mới đều gần như nhau. Năm 2012, hàng loạt doanh
nghiệp đóng cửa và giải thể nhưng số lao động được tạo việc làm mới suy
giảm không là bao, khiến cho nền kinh tế lúc nào cũng rơi vào ảo tưởng
thành tích.
Còn một hạn chế khác khiến nguyên Viện trưởng Viện
Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Lê Đăng Doanh không khỏi thắc mắc
là, mọi năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 30%, GDP mới tăng 6%. Nay tăng
trưởng tín dụng quá nhỏ chưa tới 1% mà tăng trưởng GDP hầu như không bị
ảnh hưởng là bao. Cứ như thể nền kinh tế khỏe đến mức không cần cung ứng
tín dụng vẫn có thể tăng trưởng! Hay tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 lại trở
nên thấp nhất nhiều năm qua khi tỷ lệ này chỉ khoảng 2,2%, trong khi cả
nước có hơn 100.000 doanh nghiệp kiệt quệ.
Điều mà nguyên Phó
chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cảm thấy được an ủi hơn cả, là khi mà
ông không tham gia Quốc hội thì những người kế nhiệm vẫn tiếp tục lên
tiếng về sự hạn chế trong tầm nhìn và dự báo về một nền kinh tế khỏe.
Gần
đây nhất là phản ứng của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, khi
ông thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 do Chính phủ
trình lên Quốc hội tại kỳ họp cuối năm ngoái. Chủ nhiệm Uỷ ban bày tỏ sự
băn khoăn: không rõ đâu là động lực tăng trưởng của nền kinh tế khi
Chính phủ cho rằng “nền kinh tế đang có dấu hiệu tích cực lên, nhất là
tăng trưởng GDP quý sau tăng cao hơn quý trước”.
Bởi khi đó,
trong bối cảnh các thị trường đều giảm sút, tổng vốn đầu tư toàn xã hội
cả năm dự kiến bằng 29,5% GDP, thấp hơn 4% so với chỉ tiêu theo Nghị
quyết của Quốc hội và các năm trước, tín dụng tăng trưởng âm một thời
gian dài, chưa bù đắp được nợ xấu gia tăng, hàng tồn kho cao, số lượng
doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động hoặc cắt giảm lao động lớn; thị
trường bất động sản, chứng khoán trầm lắng.
Và kết quả thực tế
là GDP năm 2012 đã tăng ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua. Song,
muốn khắc phục sự hạn chế trong tầm nhìn cũng như dự báo để có thể tạo
đà cho sự phát triển thật sự của một nền kinh tế, hiện không dễ dàng.
Bởi
trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch -
Đầu tư Bùi Quang Vinh hồi tháng 6 năm ngoái, một đại biểu Quốc hội có
chất vấn Bộ trưởng rằng: “Vào tháng 10/2011 Bộ trưởng đã thấy khó khăn
của nền kinh tế, với hàng loạt doanh nghiệp phá sản, nhưng tại sao Bộ
vẫn tham mưu xây dựng chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012 là
tăng từ 6 - 6,5%?”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời rất khéo:
“Tại sao tháng 10/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhìn thấy dấu hiệu khó
khăn của nền kinh tế mà vẫn đề nghị với Chính phủ mức xây dựng GDP năm
2012 là từ 6-6,5%? Đúng là với mức này thì khó khăn khi thực hiện nhưng
nếu để mục tiêu thấp hơn thì... Quốc hội không chấp nhận”.