Đời sống công nhân chưa thể nâng lên
khi sản xuất chưa phát triển
Ảnh: Hoàng Long
Đối diện nhiều khó khăn
PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng
Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, không có sự thay đổi đáng kể nào trong
thực tiễn kinh tế từ 2007 đến nay, trục xuyên suốt vẫn là xu hướng suy
giảm GDP gần như liên tục, bất ổn vĩ mô cao và chưa có dấu hiệu được
kiểm soát chắc chắn, điều hành kinh tế chủ yếu dựa vào công cụ, giải
pháp hành chính mang tính ngắn hạn.
Tính đến cuối năm 2012, đầu 2013, nền
kinh tế vẫn nằm trong tình trạng "bất thường”, dù có đạt được một số kết
quả tích cực như giảm lạm phát, hạ lãi suất, đảo chiều cán cân thương
mại… Những dự báo về khả năng "thoát đáy” của nền kinh tế có thể bắt đầu
từ giữa năm 2013 đang trở nên xa vời.
Đáng chú ý, hoạt động tái cơ cấu thực
sự (sáp nhập ngân hàng) chủ yếu do sự bức bách từ thực tiễn chứ không
phải diễn ra theo lộ trình định trước. Các hoạt động tái cơ cấu khác chỉ
dừng ở các đề án "trên giấy”. Những trọng điểm tái cơ cấu đã xác định
hầu như chưa được "động chạm” đến, hệ thống phân bổ nguồn lực giữ nguyên
cấu trúc và cơ chế vận hành.
Nói như TS Nguyễn Đình Cung thì nền
kinh tế mới "cất cánh” không lâu, đã dần mất động lực để "bay” tiếp,
thậm chí đối diện nguy cơ suy giảm. Những giải pháp gỡ khó cho DN chỉ xử
lý phần ngọn, vì lợi ích của một nhóm DN, thiên về hành chính hơn là
thị trường, không thấy trách nhiệm buộc những DN có sai lầm phải trả
giá…. Xử lý nợ xấu thiên về làm sạch báo cáo tài chính của ngân hàng,
không giải gánh nặng nợ cho DN. Động lực đằng sau đó là để phục hồi và
duy trì hiện trạng phân bố nguồn lực trước đây, chờ kinh tế phục hồi và
"đâu sẽ vào đó”.
"Tái cơ cấu nền kinh tế mới dừng ở
giai đoạn đầu, thậm chí có phần dung dưỡng, che chắn một số DN là tác
nhân của sự khó khăn hiện nay. Nền kinh tế như một chiếc xe trên ngã ba
đường. Thẳng tiến là vực sâu, phải rẽ sang xa lộ khác, nhưng để sang
được xa lộ khác đẹp hơn, rộng hơn, thì phải qua một chặng đường gập
ghềnh và khúc khuỷu, người lái và hành khách trên xe thì chưa đồng lòng
vượt dốc” – TS Cung ví von.
Nguyên thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm, Ủy
viên Ủy ban kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, đề án tổng thể tái cơ cấu
nền kinh tế nên được làm lại. Trong khi PGS, TS Bùi Tất Thắng, Viện
Chiến lược phát triển thì lo ngại tồn kho BĐS bởi nó gợi nhớ đến bong
bóng BĐS bị vỡ đã khiến Nhật Bản rơi vào "thập kỷ mất mát” 1980-1990 và
những vấn đề kinh tế nan giải của thế giới, mở đầu ở Hoa Kỳ từ 2008 đến
nay.
Còn theo TS Lê Đăng Doanh thì nếu
không thay đổi thực trạng này, "lợi ích nhóm” và "tư duy nhiệm kỳ” sẽ
không thể có cải thiện đáng kể nào. Đầu tư công đã bị lạm dụng, gây lãng
phí, tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài, trở thành công cụ cho tư duy
nhiệm kỳ bất chính”.
Ảnh: TL
Chấp nhận trả giá để thay đổi
Theo TS Trần Đình Thiên, nếu cứ loay
hoay trong các giải pháp cứu chữa ngắn hạn mà không tạo được những thay
đổi thực sự trong cơ cấu thì nền kinh tế vẫn tiếp tục bất ổn, cơ sở tăng
trưởng vẫn tiếp tục bị xói mòn, nguy cơ khủng hoảng gia tăng nhanh. Do
đó, cần ưu tiên các hành động tái cơ cấu. Chính phủ nên tập trung trả nợ
xây dựng cơ bản cho DN, triển khai 2 đặc khu kinh tế Quảng Ninh, Bà Rịa
– Vũng Tàu theo hướng xây dựng thể chế tốt nhất, tạo đột phá trong thu
hút FDI.
Đặc biệt, các ý kiến đều hướng tới cần
giảm thiểu rủi ro chính sách qua việc cải thiện mức độ tin cậy của các
con số thống kê. Thực tế, sự thiếu nhất quán trong thống kê nợ xấu, tồn
kho… cũng khiến chính sách không thể đi vào thực tiễn. Chỉ khi tạo lập
số liệu thống kê chuẩn, nhất quán thì mới có thể đưa ra dự báo, chủ
trương và giải pháp đúng. Trọng tâm của 2013là khôi phục lòng tin kinh
doanh, duy trì động lực tăng trưởng.
Nguyên PCT Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề
cập tới giải bài toán tồn kho thông qua tăng tổng cầu, tập trung vào 3
nhóm chủ thể. Trong đó, tăng nguồn và giải ngân vốn đầu tư để tăng cầu
khu vực nhà nước. Để tăng cầu DN cần chú ý đến yếu tố đầu vào để tạo cơ
hội giảm giá cả, tăng khả năng cạnh tranh. Đối với cầu của khu dân cư,
là việc làm và tăng thu nhập.
TS Nguyễn Đình Cung cũng khẳng định,
Việt Nam phải tiến tới đổi mới căn bản hệ thống động lực khuyến khích
huy động và phân bố nguồn lực. Song, điều này chỉ đạt được khi thị
trường và cơ chế thị trường được mở rộng và hoạt động tốt hơn, cạnh
tranh thực sự và bình đẳng hơn, thêm cơ hội cho khu vực tư nhân, giảm
quy mô DNNN và đầu tư nhà nước. Thời gian tới, cần thành lập Ban Chỉ đạo
tái cơ cấu do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương
làm Trưởng ban. Xây dựng và triển khai thực hiện ngay trong nửa đầu năm
2013 Chương trình hành động tái cơ cấu trên lĩnh vực, ngành hoặc vùng
lãnh thổ thuộc thẩm quyền quản lý. Đặc biệt, đẩy nhanh việc hoàn thiện,
cải cách thể chế, có đột phá về tạo lập hệ thống đòn bẩy, cơ chế khuyến
khích và ưu đãi đầu tư đồng bộ, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và
xuất khẩu.
"Không có phương án nào là hoàn hảo,
nền kinh tế phải chấp nhận trả giá cho những sai lầm, yếu kém, buông
lỏng của các cơ quan quản lý. Càng chần chừ, do dự, né tránh, cái giá
phải trả sẽ càng lớn”. TS. Trịnh Quang Anh, GĐ Trung tâm Nghiên cứu kinh
tế, Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam nhấn mạnh.
(Theo daidoanket.vn)
|