Kiểm dịch nghiêm ngặt
Sáng
sớm ngày 10/4, khi phóng viên Tin tức có mặt tại chốt kiểm dịch liên
ngành số 4, đóng trên địa bàn huyện Phú Xuyên (Hà Nội), thì cũng là lúc
ông Lê Văn Đào, nông dân ở xã Quang Trung (huyện Phú Xuyên) chở một lô
hàng qua chốt, gồm 690 con vịt giống mới nở. Ngay lập tức, ông Đào được
yêu cầu dừng lại xuất trình giấy tờ, giải trình nguồn gốc. Ông Đào không
xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch cho đàn vịt giống, nên lô
hàng đã bị tạm giữ lại. “Nếu ông Đào không xin được giấy chứng nhận nêu
rõ xuất xứ lô hàng của UBND xã sở tại thì lô hàng này sẽ bị tiêu hủy",
ông Lê Ngọc Anh, một cán bộ thú y trực tại chốt cho biết.
Kiểm tra máy đo thân nhiệt tại sân bay Quốc tế Nội Bài.
Ảnh: Minh Quyết - TTXVN |
Theo
ông Ngọc Anh, do tình hình dịch cúm A/H7N9 diễn biến phức tạp, nên
những ngày này đang là cao điểm của việc kiểm tra, kiểm soát việc vận
chuyển gia cầm tại chốt. "Toàn huyện Phú Xuyên hiện có hơn 7.000 hộ chăn
nuôi gia cầm, với quy mô trên 1 triệu con. Ngoài ra còn có hơn 100 hộ
chuyên ấp trứng gia cầm. Chính vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát càng
cần được đẩy mạnh. Hiện tại, chốt luôn có 12 cán bộ, chia làm 3 ca, mỗi
ca gồm 4 người (2 cán bộ thú y, 1 cán bộ công an và 1 cán bộ quản lý
thị trường) túc trực 24/24. Bất cứ một xe chuyên chở gia cầm nào đi qua
chốt đều được yêu cầu dừng để kiểm tra các giấy tờ liên quan nguồn gốc,
chứng nhận kiểm dịch của lô hàng; đồng thời, để các lực lượng kiểm tra
sức khỏe của đàn gia cầm được mang đi tiêu thụ", ông Phùng Văn Tảo, Trạm
trưởng Trạm thú y huyện Phú Xuyên cho biết.
Mới
đây, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức kiểm tra tình trạng sẵn sàng
chống dịch với nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9 tại các cơ sở y tế xung
quanh khu vực sân bay Nội Bài. Sau khi có thông báo của Bộ Y tế coi cúm
A/H7N9 là dịch nguy hiểm nhóm A cùng với cúm A/H5N1, Trung tâm Kiểm dịch
y tế quốc tế của Sở Y tế Hà Nội đã triển khai nhân viên duy trì thường
trực tại sân bay 24/24 giờ để thực hiện giám sát và nắm bắt tình hình
dịch bệnh. Hiện trung tâm đang có 2 máy đo thân nhiệt hồng ngoại và 2
phòng cách ly đặt tại sân bay Nội Bài. Tất cả khách nhập cảnh đều được
tiến hành đo thân nhiệt qua máy đo thân nhiệt tự động. Cùng với đó,
Trung tâm Y tế Sóc Sơn cũng có kế hoạch phòng chống dịch với 5 đội cấp
cứu, 2 đội phòng chống dịch cơ động để sẵn sàng xử lý dịch bệnh trên địa
bàn. Tương tự, tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Bắc Thăng Long cũng
có khu cách ly riêng, 2 máy thở, 2 máy truyền dịch, 1 máy Xquang di động
và một số trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ cho công tác cấp cứu và
sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân nhiễm cúm. |
Hoạt
động kiểm dịch cũng được làm nghiêm ngặt tương tự tại chợ đầu mối gia
cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín). Theo ông Nguyễn Lê Ngà, phụ trách thú y
chợ: Mỗi ngày có khoảng 30.000 - 35.000 con gia cầm được đưa về chợ để
tiêu thụ, nên khối lượng công việc với đội ngũ kiểm dịch tại đây rất
lớn. Hiện chốt có 18 nhân viên, thay nhau túc trực cả ngày lẫn đêm (mỗi
ca có 4 cán bộ thú y). "Để triển khai tốt công việc, chúng tôi rất mong
Chi cục Thú y Hà Nội sẽ tăng lượng thuốc sát trùng, tăng cường nhân lực,
trang bị bảo hộ lao động", ông Ngà kiến nghị.
Đẩy mạnh phòng chống
Cùng
với ngành thú y, công tác phòng chống dịch cũng đang được Sở Y tế khẩn
trương triển khai. Hiện Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 5 đội cơ động phòng
chống dịch, túc trực 24/24 giờ. "Chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận lệnh,
các thành viên phải lên đường đến xử lý các ổ dịch", đại diện Sở Y tế Hà
Nội cho biết.
Đối
với khu vực nội thành, các biện pháp đang được triển khai rộng rãi để
phòng dịch bệnh gồm: Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về nguy cơ lây
nhiễm cho cộng đồng; phối hợp tốt việc thông tin ca bệnh giữa các cơ sở
khám, chữa bệnh với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố; giám sát trọng
điểm tại các khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có gia cầm ốm, chết; lấy mẫu
bệnh phẩm, ca bệnh nghi mắc cúm để xác định virút; đảm bảo đầy đủ hóa
chất, thuốc dự phòng, trang thiết bị cho công tác xử lý ổ dịch; rà soát,
bổ sung đầy đủ trang thiết bị, thuốc cho cấp cứu, điều trị. Các bệnh
viện thành lập các đội điều trị cấp cứu cơ động sẵn sàng tăng cường cho
tuyến dưới. Đồng thời Sở Y tế Hà Nội phối hợp với ngành hữu quan tăng
cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với
thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm.
Theo
đại diện Sở Y tế Hà Nội, vấn đề quan trọng nhất trong phòng dịch hiện
nay là các đơn vị cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về
nguy cơ của dịch, các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện tốt vệ sinh
an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, không giết mổ và ăn thịt gia cầm ốm.
Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở... cần đến
ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp
và Phát triển Nông thôn Hà Nội:
Rà soát lại toàn bộ hộ chuyên kinh doanh gia cầm
Hiện
nay, ngành nông nghiệp đang tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, buôn
bán gia cầm về Hà Nội. Không chỉ thành phố mà các huyện cũng đã lập đoàn
liên ngành để kiểm tra và phát hiện sớm, đặc biệt là ở huyện Thường
Tín, nơi có chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ và huyện Phú Xuyên, tập trung
nhiều hộ chuyên ấp trứng gia cầm, thủy cầm và nhập giống thủy cầm từ
biên giới. Chúng tôi tiến hành rà soát lại toàn bộ các hộ chuyên kinh
doanh gia cầm, yêu cầu ký cam kết buôn bán, vận chuyển gia cầm rõ nguồn
gốc và có kiểm dịch; yêu cầu các xã tuyên truyền giáo dục cho các hộ dân
không mua gia cầm không rõ nguồn gốc để tránh mang dịch về xã, huyện.
Tại các chốt kiểm dịch, chúng tôi ưu tiên đầu tư thiết bị kiểm tra
nhanh, trang thiết bị bảo hộ lao động cho cán bộ trực chốt để nếu có
dịch thì xử lý được kịp thời, tăng hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, tăng mức hỗ
trợ bồi dưỡng cho nhân viên trực cả đêm lẫn ngày để anh em trực tại đây
làm việc yên tâm.
Ông Vương Chí Dũng, Chi cục Phó Chi cục quản lý Thị trường Hà Nội:
Công khai nhóm đối tượng tiêu thụ
Lực
lượng quản lý thị trường đã khoanh vùng 16 đối tượng chuyên buôn gà
nhập lậu từ Trung Quốc, đồng thời khoanh vùng xe ô tô chở gà và xác định
có 92 xe chuyên dùng, trong đó Hà Nội có 46 xe. Chúng tôi đã thông báo
những xe này cho các tỉnh biên giới, cảnh sát môi trường và thành lập
đoàn liên ngành để đấu tranh với đối tượng này. Để đấu tranh những đối
tượng này phải minh bạch hệ thống vận chuyển, công khai nhóm đối tượng
tiêu thụ. Trong các phương án hạn chế buôn lậu, chúng tôi đề xuất phương
án tạm giữ xe chuyên chở gà nhập lậu bởi chủ xe không xuất trình được
hóa đơn nhập hàng, không chỉ đối tượng thuê nên giữ phương tiện 30 ngày
và tiến tới tịch thu phương tiện. Hiện chúng tôi mới tịch thu 1 phương
tiện, nhưng đã khiến các đối tượng co lại và bước đầu ngăn chặn gà nhập
lậu, hạn chế nguồn lây bệnh từ gà nhập lậu.
Chị Phạm Thu Thủy (huyện Từ Liêm, Hà Nội):
Lo ngại về dịch bệnh mới
Đó
là tâm lý của những người nội trợ như chúng tôi khi chọn mua thịt gà vì
với gà làm thịt rồi, chúng tôi không phân biệt được gà mắc bệnh, nhất
là bệnh cúm A/H7N9. Gà sống bị bệnh thì chỉ phân biệt theo cảm quan như
gà rù, lờ đờ nhưng loại gà này ít bán ở chợ. Để đảm bảo an toàn, giai
đoạn hiện nay nhà tôi chuyển sang dùng thực phẩm khác như cá, thị bò,
thịt lợn. Còn nếu muốn ăn gà thì đặt mua những người thân ở quê, biết
đích xác nguồn gốc, dù giá đắt nhưng giờ xác định an toàn là trên hết.
Nói chung đợi thông tin hết dịch mới dám ăn. |