“Họ học cái gì ở trong trường?”
Đây là câu hỏi của không ít nhà tuyển dụng sau khi phỏng vấn
nhiều thạc sĩ, cử nhân vào công ty thử việc. Khi phỏng vấn nhiều người
nói lý thuyết như “nước chảy mây trôi” nhưng đưa công việc cụ thể thì
ngồi “cắn bút”.
Bạn đọc Bùi Đức Lộc chỉ ra thực trạng: “Trường đại học mọc lên
như nấm sau mưa. Thí sinh không đạt điểm chuẩn thì được tuyển vào lớp
"chất lượng cao" với học phí cao ngất ngưỡng. Hàng trăm ngàn gia đình
nông dân bán cốt, lột xương để con có tấm bằng đại học với bất cứ giá
nào, với bất cứ nghề gì để rạng danh gia đình, dòng họ. Mấy ai biết rằng
sau khi lấy được tấm bằng đại học với chi phí gần trăm triệu đồng và 4
năm ngồi trên giảng đường, con em họ trở thành người thất nghiệp và phải
tha phương cầu thực không dám về quê vì xấu hổ”.
Phụ huynh, học sinh tìm hiểu thông tin về Trường Đại học Quốc tế
thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Huy Lân
Minh chứng thêm cho vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Văn Kỷ, nói
thẳng: “Tỉnh nào cũng có trường đại học, trường nào cũng đào tạo đến vài
chục ngành từ chính quy, liên thông, chuyên tu, tại chức... Đào tạo
kiểu này mà ra trường làm việc được mới là lạ. Thậm chí ngành y hiện nay
cũng cần xem lại trình độ của sinh viên sau khi tốt nghiệp”. Một bạn
đọc cho biết thêm, bệnh viện tỉnh nơi người này làm việc mỗi năm đưa
khoảng 10 y sĩ trung cấp học chuyên tu lên đại học. Giám đốc bệnh viện
cũng nói thật: đưa đi cho họ có cái bằng về mở phòng mạch chứ chẳng dám
sử dụng chuyên môn theo kiểu chuyên tu này. Nhiều người trong số họ xin
ra làm việc tại các bệnh viện tư nhân nhưng các bệnh viện này cũng không
dám nhận.
Bạn đọc lấy tên Tiến Sĩ cho rằng: Đây là hậu quả của việc đào
tạo tràn lan, không có quy hoạch, không kiểm soát về chất lượng. Hiện
nay, số lượng các trường đại học nhiều vô số kể, nhiều trường chủ yếu
kinh doanh giáo dục nên chất lượng đào tạo quá quá kém. Thạc sĩ nhiều
như lá, còn cử nhân, kỹ sư thì nhiều hơn cả lá! Không thất nghiệp mới
lạ!”.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Huy Lân
“Nếu bạn thực sự có tài thì thiếu gì việc phù hợp
với bạn, bạn vào các trang web tìm việc, họ vẫn rao tuyển
nhưng quan trọng là bạn có đáp ứng được yêu cầu của họ không?
Tôi đã từng chứng kiến những công ty đa quốc gia vào các trường
đại học tuyển dụng nhưng sau vòng sơ tuyển có mấy ai đáp ứng
được yêu cầu của họ đâu. Mấu chốt là khả năng của của bạn tới
đâu?” - bạn đọc Trần Nguyễn Hoàng Nhi, kết luận.
Cạnh tranh không nổi với con anh hai, cháu chú ba...
Bạn đọc lấy tên Người Thành Phố cho rằng: “Dù tốt nghiệp loại
ưu mà xin vào cơ quan Nhà nước là rất khó, nhất là ở các tỉnh. Vấn đề
gửi gắm, bảo lãnh con anh hai, cháu anh tư... ngày càng phổ biến. Cán bộ
này giúp con cháu cán bộ khác và ngược lại là mọi người đều vui vẻ. Còn
sinh viên ra trường thân trơn thì cơ hội vào cơ quan Nhà nước là bằng
0. Nói chung chính sách thu hút nhân tài của các địa phương rất là lý
thuyết. Chỉ tội cho nền hành chính nước ta còn nhiều kẻ ăn không ngồi
rồi, làm không được việc mà cứ lãnh lương đều đều. Dân khổ”.
Bạn đọc Thanh Hoàng đặt vấn đề: “Vì sao học ngành ngân hàng ra
trường thất nghiệp? Vì những người làm ngân hàng thì con của họ đã được
dự trù một suất trong đó rồi. Ban đầu là làm ở phòng quỹ trước rồi tiếp
tục cho con đi học trung cấp ngân hàng. Như vậy học xong 12 đã có việc
làm tốt, lương thưởng cao. Ngân hàng tuyển đại học, thạc sĩ làm gì vì
phải ưu tiên "con em trong ngành". Vì sao thạc sĩ thất nghiệp? Vì nhà
nhà học cao học, người người học cao học. Mà học thạc sĩ, tiến sĩ là để
nghiên cứu khoa học, để làm ở trường đại học, cao đẳng. Trong khi những
nơi này là cơ sở giáo dục, đủ người từ lâu rồi, cũng ít nhất làm 30 năm
mới về hưu nên không còn cơ hội cho những thạc sĩ trơn đâu”.
Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Trước tình trạng này, nhiều bạn đọc phản ánh: Hãy nhìn vào các cơ
quan, không nơi nào là không có cảnh cha làm thì kéo con vô làm, thậm
chí kéo cả dâu rể, cháu... Điển hình gần đây nhất là vụ bà Trần Hồng Ly,
phó Phòng Quản lý doanh nghiệp - lao động Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh
Trà Vinh trình độ trung cấp mà leo lên đấn chức đó thì cơ hội nào cho
người khác. Dựa hơi chủ tịch tỉnh “quậy” khắp nơi đến bây giờ muốn kỷ
luật cũng không được.
Một vấn nạn khác là muốn kiếm việc phải “chạy chọt”. Nhiều bạn đọc
cho rằng sinh viên nghèo mới ra trường lo tìm việc kiếm cơm đã vất vả
thì lấy đâu ra tiền để chạy việc. Tình trạng này ngày càng phổ biến và
không cần che đậy.
Theo bạn đọc lấy tên A Ka: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền
khôn, học đã tốn tiền, bây giờ đi xin việc cũng phải tốn tiền, mà có khi
gấp nhiều lần tiền học trong 4 năm cơ chứ. Tôi có người bạn tốt nghiệp
đại học ngân hàng loại khá, ba mẹ nó có quen người trong ngân hàng, vậy
mà muốn vào làm nhân viên quèn, lương 4-5 triệu đồng/tháng thôi thì đã
được ra giá 300 triệu đồng. Chạy trường, chạy chức, giờ đến chạy việc.
Khi thi đại học thì được ưu tiên vùng sâu, vùng xa nhưng khi đi xin việc
thì ưu tiên con ông, cháu cha”.
Tấm bằng chỉ là khởi đầu
“Muốn có việc làm thì phải có 3 yếu tố: chuyên
môn, kỹ năng và thái độ. Hoàn cảnh kinh tế hiện nay việc ít, người nhiều
mà chỉ có tấm bằng không thôi, lại thiếu kỹ năng hoặc thái độ chưa tốt
thì hành trình tìm việc còn dài. Các em cũng không nên bi quan mà phải
cố gắng tự trau dồi các kỹ năng để có thêm cơ hội trong các đợt phỏng
vấn. Chọn việc làm ngắn hạn, thời vụ trong khi tìm việc dài hạn cũng là 1
cách tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, vì vậy đừng ngại hay tự ti khi
mình khởi nghiệp không may mắn như bạn bè. Tấm bằng tốt nghiệp chỉ là
bắt đầu, còn sự nghiệp là cả một hành trình dài đòi hỏi ý chí và nỗ lực
không ngừng” - Bạn đọc Bảo Ngọc.
“Ngày xưa, đói nghèo thật sự nhưng lại chan
chứa niềm tin vào tương lai, còn bây giờ có nghĩ đến tương lai thì chỉ
thấy... buồn. Sao thế nhỉ, có điều gì không ổn ở đây, em cũng đang thất
nghiệp đây” - bạn đọc Thái Tuấn.
|