Thứ sáu, 10/07/2009 08:42
Xẩm xưa, xẩm nay...
Tôi đứng khuất sau hàng cột chợ để nghe. Tai nghe đấy, rồi cái chân cũng như vô thức nhịp theo tiếng trống chầu, tiêng sênh phách rộn rã…
Vợ chồng tôi nhận được tin nhắn của bạn: “Lên nghe hát xẩm ở chợ Đồng Xuân!”.
Tối tháng Bảy chợt dịu mát hẳn sau cơn mưa chiều.
Chiếu xẩm nằm ngay xế hông chợ. Đi bộ từ xa, kiễng chân nhìn vào, đám đông cả trăm người đứng ngồi xôn xao. Đã nghe tiếng trống chầu, tiếng nhị lẫn sênh phách chộn rộn.
Gọi là sân khấu cũng được, vì ban tổ chức cho lắp một cái bục nhung đỏ hẳn hoi để các diễn viên ngồi, nhưng chu vi cũng chỉ nhỉnh hơn cái chiếu đôi, vừa đủ chỗ cho một tay đàn bầu, một nhị, một đàn nguyệt, một trống và hai người hát. Và kìa ! Người cầm tay trống chầu giữ nhịp chính là Nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan.
 |
Biểu diễn chầu văn |
Chị đang hát Văn… đã hát tới Giá Cô Ba rồi. Người đứng đông quá, không chen vào trong khoảng trống trước chiếu xem được. Chỉ thấy loang loáng phất phơ dải áo mấy màu mớ ba mớ bảy. Bóng người múa nhịp nhàng dìu theo nhịp sênh, trong tiếng hát mượt mà, níu kéo lạ thường.
Tôi đứng khuất sau hàng cột chợ để nghe (quả đúng là dựa cột mà nghe!). Tai nghe đấy, rồi cái chân cũng như vô thức nhịp theo tiếng trống chầu, tiêng sênh phách rộn rã. Chợt nhớ tới những trang viết thật hay của Nguyên Hồng, ông đã tả cảnh nghe hát xẩm trong cuốn “Một tuổi thơ văn”. Cũng cái đám đông người vòng trong vòng ngoài thế này, cũng cái tiết giữa hạ nóng bức và oi ả thế này. Người ta vừa hết một ngày làm việc kiếm sống mệt nhoài, bên cái cột máy nước nhỏ giọt ngay ngã ba đường, dưới ngọn đèn đường chỉ đủ soi rõ những gương mặt lam lũ, mà lúc đó như rũ bỏ hết những lo toan mệt nhọc, để mà đắm mình vào những làn điệu tỉ tê, tự sự của người xẩm mù hát cùng con hát trẻ con có đôi má bầu bĩnh măng tơ...
 |
Tái hiện cảnh hát xẩm rong |
Tôi lại lẩn thẩn nhớ những chuyến xe lửa Hải Phòng - Hà Nội đi cùng cha tôi, chuyến nào cũng gặp những người xẩm hát rong trên tàu. Thường thì là những người khiếm thị, đôi kính đen sụp dưới vành nón rách... và những câu hát buồn buồn, te tẻ mà da diết đeo đẳng khách đi tàu suốt chặng đường dài...
 |
Hai cha con Minh Thông- Ngọc Anh biểu diễn hát xẩm. Bé Ngọc Anh (10 tuổi), hiện học lớp 5, là cháu của nghệ sỹ Thanh Ngoan |
Ấy là chuyện ngày xưa…
Nhưng tối nay, lúc này đứng đây nghe câu hát xẩm đã thấy khác lắm. Vẫn những bộ bà ba diềm bâu màu nâu ấy, có cả đôi kính đen cùng guốc mộc... Người người đứng nghe vẫn đông, chả còn cái cột máy nước đầu đường, đòn gánh gác lên hai chiếc thùng nước làm chỗ ngồi thưởng thức... Bây giờ người ta nghe hát xẩm mà dựng la liệt những xe a-còng, nhưng SH, những Dylan xung quanh. Thi thoảng lại giật mình vì tiếng còi xe hơi ở ngoài phố kia vọng vào bất chợt.
 |
Khán giả đủ mọi lứa tuổi |
Nhưng cũng chẳng sao. Tự thân món hát xẩm là thế, ngoài đường, chỉ cần một khoảng trống và một lượng khán giả khiêm tốn. Cứ vậy, tiếng hát xẩm vừa ở góc đường này, thoắt cái đã lại vang lên ở mảnh sân đình nhỏ nào đó... cứ như vậy... Có chăng là, những làn điệu xẩm xưa có phần não nề hơn, tỉ tê hơn, kể lể hơn. Âu cũng là do cái nghèo, cái khó, cái khổ, cái bon chen mưu sinh xoay vần kiếm sống mà sinh ra những làn điệu đó.
Mải suy nghĩ, chợt giật mình nghe hát tới đoạn “Giá… hồi cung..”
Đêm hát tàn rồi, chiếu xẩm gọn nhẹ tồng tềnh. Thu dọn cũng chẳng mất bao lâu. Thoáng thấy nét cười trên gương mặt của nghệ sĩ Trọng Hạp- biên đạo múa dân gian, nguyên là giảng viên múa trường ĐH Nghệ thuật Quân đội. Anh đang đảm nhiệm việc biên đạo múa cho chương trình này, cùng những người tâm huyết của Trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam... Thấy cả những giọt mồ hôi trên gương mặt của các anh chị múa hát, trên gương mặt của chị Thanh Ngoan, người nghệ sĩ mà tôi mến mộ.
Chương trình “Ca nhạc dân gian Hà Thành 36 phố phường” do trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tổ chức vào các tối thứ bảy hàng tuần tại chợ Đêm- Hà Nội (Trước cửa chợ Đồng Xuân) từ 20h00 đến 22h00. |
Tôi thấy vẻ tiếc nuối lưu luyến trong ánh mắt của những người nghe... và tôi tin lắm, tin rằng môn nghệ thuật dân gian, dân dã này vẫn và sẽ có sức sống của nó. Như dòng chảy nhỏ nhưng âm thầm mà dai dẳng thấm sâu trong lòng những người nghe...
 |
Điệu múa “Trống bồng" (Con đĩ đánh bồng) mới được bổ sung vào đêm diễn |
Theo VOV News
|