 |
Đoàn kiều bào chụp ảnh lưu niệm tại Đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng chiều 13-4. Ảnh: Phương Linh
|
Đây là lần thứ tư Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam
ở nước ngoài tổ chức hoạt động mời kiều bào tiêu biểu về dự Giỗ Tổ Hùng
Vương-Lễ hội Đền Hùng. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn,
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đây là hoạt
động thường niên nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước, đồng
thời gắn kết kiều bào ta ở nước ngoài hướng về nguồn cội. “Sự kiện năm
nay càng có ý nghĩa hơn khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Tổ chức
UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”,
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.
Trong
khuôn khổ chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương, đoàn kiều bào tiêu biểu đã
đến tham quan, dâng hương tưởng niệm tại Đền Mẫu Âu Cơ (Hiền Lương, Hạ
Hòa), Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Đền thờ các Vua Hùng trên núi
Nghĩa Lĩnh tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Tại các điểm đến thăm, đoàn
kiều bào đã bày tỏ lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên.
Đoàn
đại biểu kiều bào cũng có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ
và trao 40 triệu đồng tặng Quỹ Khuyến học tỉnh Phú Thọ. Tại buổi đón
tiếp, đồng chí Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ
khẳng định, tỉnh luôn trân trọng tình cảm của kiều bào hướng về Tổ
quốc, hướng về Đất Tổ cội nguồn. Ông Hoàng Dân Mạc cho biết, trong thời
gian qua, tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó có kiều
bào đóng góp công sức, của cải trong việc bảo vệ, tôn tạo di tích quốc
gia đặc biệt này. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ mong muốn sau chuyến trở
về quê hương, các kiều bào tích cực tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn
nữa về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, về Đền Hùng để bà con kiều bào ở
nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, nguồn cội dân
tộc Việt Nam.
Mỗi
người một tâm trạng khác nhau, nhưng đều chung cảm xúc bồi hồi, xúc
động khi về vùng Đất Tổ. Ông Lê Văn Duyên, 84 tuổi, kiều bào ở Mỹ cho
biết, đây là lần thứ 6 liên tiếp, cụ về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. “Chúng
tôi rất tự hào là con cháu của Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân, tự hào là
người Việt Nam. Dù xa quê hương, nhưng tấm lòng của những người con xa
xứ luôn hướng về quê hương, hướng về dân tộc”, ông Duyên nói. Còn bà Đào
Thị Kỷ, 74 tuổi, kiều bào ở Anh, bày tỏ, dù tuổi cao nhưng bà sẽ cố
gắng hết mình để góp một phần công sức nhỏ bé đưa đất nước Việt Nam ngày
một phồn thịnh, sánh vai cùng bè bạn năm châu như lời dạy của Bác Hồ
kính yêu “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau
giữ lấy nước”.
Là
một thành viên khá đặc biệt trong đoàn kiều bào, ông Pi-tơ Đun-can
Lai-thơ (Peter Duncan Laight), quốc tịch Ca-na-đa, chồng của bà Đinh Thị
Kim Nguyệt, cho biết, dù không phải là người Việt Nam nhưng ông hiểu rõ
về lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam và rất
vui khi được tham dự vào Lễ đón bằng công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng
Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Điều này
khiến tôi lâng lâng vì dù sao tôi cũng là rể Việt Nam”, ông Pi-tơ chia sẻ.
Không
chỉ tự hào về đất nước, cội nguồn nơi mình sinh ra, các kiều bào còn
bày tỏ tâm tư nguyện vọng góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng đất nước.
Nhiều kiều bào là doanh nhân như ông Đặng Văn Dũng, giám đốc một công
ty xây dựng ở Thái Lan; ông Lê Mạnh Dũng, Phó chủ tịch Hội doanh nhân
Việt Nam ở tỉnh Khắc-cốp (U-crai-na); ông Đỗ Quý Dương, Chủ tịch Hội dệt
may tại LB Nga… đều khẳng định, sẽ nỗ lực hết mình để xây dựng đất
nước.
Hành
trình về Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2013 của đoàn kiều bào
tiêu biểu đã khép lại, để lại trong mỗi kiều bào những cảm xúc dạt dào
về tình yêu quê hương, đất nước và thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa những
người con đất Việt ở khắp nơi trên thế giới một lòng hướng về quê cha
đất Tổ.