Nguyễn Quang Thạch và chương trình “Sách hóa nông thôn”: Xóa dần “thành trì” ít đọc sách
Phóng viên Dân Việt đã trò chuyện cùng anh Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng hoạt động này.
Thưa
anh, sau một thời gian miệt mài với chương trình “Tủ sách dòng họ” và
đã đạt được thành tích đáng kể là nhân rộng được ra 24 tỉnh thành, hiện
nay anh lại khởi động chương trình “Sách hóa nông thôn”. Vì lý do gì mà
anh quyết tâm với công việc này?
- Đây
là một cách để tôi chia sẻ trách nhiệm với xã hội, tôi nghĩ đó là bổn
phận mỗi chúng ta phải làm điều này. Giống như bố tôi, một nhà giáo
nghèo ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã dạy toán gần 20 năm miễn phí. Tôi gọi
điện về hỏi bố coi đây là việc làm từ thiện hay là gì, bố tôi trả lời
đây là bổn phận và trách nhiệm của ông với đất nước của ông. Chính vì
suy nghĩ đó mà hơn 1 năm nay, tôi đã dừng mọi công việc chỉ để chuyên
tâm vào chương trình “Sách hóa nông thôn” và đã thu được những kết quả
đáng kể.
Sau 14 tháng gây quỹ, tôi cùng với
người dân địa phương làm được hơn 1.000 tủ sách ở Quỳnh Phụ (Thái Bình).
Điều đó chứng tỏ tiềm năng đọc là có, tiềm lực để hiện thực hóa cũng
sẵn sàng, chẳng qua là mình chưa biết cách huy động.
 |
Anh Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng chương trình “Sách hóa nông thôn”. |
Theo
các số liệu mới được ngành thư viện công bố thì tỷ lệ đọc sách ở Việt
Nam đang sụt giảm, trung bình mỗi năm người Việt đọc 0,8 cuốn, còn tỷ lệ
sách trong thư viện là 0,38 cuốn/người dân. Vậy anh làm thế nào để cải
thiện tình trạng đó ở nông thôn- một khu vực ít có điều kiện tiếp cận
sách?
- Tôi lấy ví dụ ở Trường THCS An
Dục huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), tôi chỉ cần đóng góp 500.000 đồng và
mỗi phụ huynh đóng góp 50.000 đồng thì chỉ sau 4 tháng, các phụ huynh đã
tự xây dựng 8 tủ sách khác với trên 1.000 đầu sách. Phòng Giáo dục đã
nhân rộng mô hình này và đến nay đã có 905 tủ sách ở Quỳnh Phụ. Năm 2013
này, huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã huy động nguồn lực thực địa của
người dân, nguồn lực của người xa quê và các doanh nghiệp để hoàn thành
1.090 tủ.
Nếu trong một ngôi trường ở nông
thôn có 1.000 đầu sách thì trong khoảng thời gian từ lớp 1 đến lớp 12,
mỗi em sẽ đọc được khoảng 1.000 cuốn sách, đẳng cấp tinh thần của chúng
sẽ khác. Đọc nhiều sách sẽ hình thành giá trị tinh thần, mỗi cá nhân
càng đọc nhiều sách thì giá trị tinh thần càng cao hơn. Khi chúng ta cổ
vũ cho giá trị tinh thần chứ không cổ vũ cho chuyện giàu có bằng mọi giá
thì đương nhiên xã hội của chúng ta sẽ khác.
Anh
Nguyễn Quang Thạch tâm sự: “Tôi dự định vào năm 2014- 2015, sau khi phổ
biến cách làm cho người dân qua mạng internet thì tôi sẽ đi đạp xe vòng
quanh thế giới để tạo cảm hứng cho người Việt: Chỉ cần 1 triệu đồng đưa
về trường cũ của mình để tạo được 1 tủ sách với 50 đầu sách thì đất
nước này mỗi năm sẽ có thêm vài trăm ngàn tủ sách”.
Người
Việt nói chung và người dân khu vực nông thôn nói riêng chưa có thói
quen đọc sách. Được biết anh đã có những cuộc điều tra tại khu vực nông
thôn, tỷ lệ người dân đọc sách một năm là 0%, nhưng khát vọng được tiếp
cận với sách của họ có hay không?
- Bây
giờ người ở nông thôn độ tuổi từ 18 tuổi trở lên lười đọc sách là đương
nhiên, vậy thì chúng ta phải dùng những đứa trẻ, lấy trẻ em làm trung
tâm, bọn trẻ đọc sách rồi về hỏi bố mẹ, bố mẹ không biết nên phải đến
trường mượn sách về đọc để giải thích cho trẻ. Việc xóa dần bức thành
trì ít đọc sách ở nông thôn bây giờ phải nhờ vào trẻ em làm trung tâm để
tạo hiệu ứng dội ngược. Đó là cách làm của tôi, dùng trẻ em để khơi dậy
khát vọng đọc sách ở cha mẹ chúng.
Có khá nhiều người nói rằng văn hóa đọc của chúng ta đang xuống cấp, anh có đồng tình với ý kiến này không?
-
Tôi e rằng kết luận như thế chưa đúng, bởi vì chúng ta đã có văn hóa
đọc đâu. Văn hóa đọc là biểu thị của các loại hình văn hóa khác, dựa
trên bình diện quốc gia số người đọc sách trên một quốc gia, ví dụ nếu
có khoảng 50% dân số đọc sách thì mới khẳng định là chúng ta có văn hóa
đọc. Bây giờ chúng ta đang cố gắng xây dựng văn hóa đọc trong dân chúng,
tôi đã mất 2 tháng chỉ đi xe buýt để xem người dân có đọc sách không,
nhưng chỉ nhìn thấy duy nhất... 1 người. Nếu không đọc sách thì sẽ có
rất nhiều chuyện tệ hại xảy ra trong đời sống chúng ta.
Trong
ngày hội sách tổ chức vào 20.4 tại Văn Miếu tới đây, công việc quyên
góp sách cho nông thôn của anh sẽ tiến hành cụ thể ra sao?
-
Trong chương trình này, Công ty Sách điện tử Alezaa sẽ phối hợp với một
số nhà xuất bản, công ty sách để cho tôi mang thùng đựng sách đến, nếu
mỗi người tặng một cuốn sách cũ thì sẽ nhận được một cái thẻ để đổi lấy
một cuốn sách điện tử. Tôi hy vọng sẽ nhận được 50.000 cuốn, chúng tôi
không nhận sách giáo khoa mà ưu tiên sách văn học, khoa học, y học
thường thức, vì người nông dân đang rất cần những kiến thức như vậy.
Anh có tin rằng chương trình “Sách hóa nông thôn” sẽ thu được kết quả tốt đẹp như “Tủ sách dòng họ” trước đó?
-
Tôi tin là việc thúc đẩy dân trí, nâng cao văn hóa đọc trong khoảng 10 -
15 năm nữa sẽ có những bước thay đổi nếu như ngay từ hôm nay, chúng ta
hành động nhiệt tình. Sau khi tôi khởi động, đã có rất nhiều cá nhân và
đơn vị liên lạc với tôi, ví dụ anh Nguyễn Danh Huế ở xã Vũ Hòa, huyện
Kiến Xương, Thái Bình về khởi động 10 tủ sách trong lớp học, sau đó 1
tuần thì bạn của anh là Bùi Thế Dũng ở xã Vũ Trung bên cạnh về làm 22 tủ
sách.
Chúng ta rất cần những người như thế,
có thể coi việc ủng hộ sách cho nông thôn là tạo ra đẳng cấp cho một
công dân, dần dần chúng ta sẽ hình thành một xã hội chia sẻ tri thức.
Nếu muốn đất nước thay đổi thì chúng ta phải có những hành động cụ thể
chứ không phải chỉ ngồi lướt mạng và “chém gió”.
Xin cảm ơn anh!
(Theo danviet.vn)