GS. Phong Lê: Phải tin và tôn trọng trí thức
Bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội,
tôn vinh nền học vấn nước nhà
Ảnh: Hồng Vĩnh
Khát vọng của trí thức không ra ngoài ước vọng chung của nhân dân
 |
GS. Phong Lê |
Thưa ông, trước Nam Cao, hình ảnh trí thức đã xuất hiện như thế nào trong văn học?
GS. Phong Lê: Trong văn học Việt Nam, trước trào lưu hiện thực, hình ảnh người trí thức đã có mặt trong khuynh hướng lãng mạn của Tự lực văn đoàn. Đó là các nhân vật trong vai điền chủ, luật sư, quan lại - có vốn tri thức và có chút băn khoăn, muốn nhìn xuống nỗi khổ của những người dân quê và mong thực hiện một ít cải cách cho đời sống họ đỡ tối tăm và đỡ khổ.
Nhưng hình ảnh trung thực về người trí thức trong xã hội thuộc địa phải đến Nam Cao mới xuất hiện. Trước ông, trong văn học hiện thực còn chưa có. Ở đây không nói đến những bậc "hủ Nho” của nền học cũ, trong thơ văn của các chí sĩ đầu thế kỷ. Đó là người trí thức vừa trong chật vật của sự mưu sinh, vừa trong bi kịch của những thất vọng và bế tắc tinh thần. Khơi sâu được vào trong những bi kịch của người trí thức trong xã hội thuộc địa - đó là nét đặc trưng và cũng là đóng góp của Nam Cao trong giai đoạn kết thúc văn học hiện thực Việt Nam trước 1945.
Trong khi đó những nhân vật như vậy đã xuất hiện rất sớm ở văn học phương Tây, còn ở ta, có lẽ phải đến Nam Cao mới là thời kỳ xuất hiện lớp trí thức Tây học?
- Sự thật thì người trí thức chưa bao giờ là một hình ảnh nổi đậm và có vai trò riêng trong đời sống xã hội phong kiến và thuộc địa ở Việt Nam, bởi chưa bao giờ họ có đủ tiềm lực để cùng đồng hành hoặc là hậu thuẫn cho các giai tầng cơ bản làm nên một cuộc cách mạng trong lịch sử. Bởi cho đến trước 1945 một cuộc cách mạng như thế trong xã hội Việt Nam là chưa có mà chỉ có những cuộc khởi nghĩa hoặc bạo động của nông dân mà thôi. Đó là lý do khiến cho vấn đề người trí thức như một lực lượng tinh thần, với các cuộc hành trình hoặc phấn chấn, hoặc đau khổ của họ, nếu đã là một chủ đề lớn trong văn học phương Tây, gồm cả văn học Nga, thì ở ta, nó chưa bao giờ trở thành vấn đề, càng chưa là chủ đề quan trọng ngay cả trong văn học hiện đại. Phải vào những năm 1940, với Nam Cao, Thạch Lam và Nguyễn Huy Tưởng... vấn đề người trí thức mới xuất hiện, trên một số khía cạnh vừa gắn bó, vừa độc lập với các vấn đề chung của nhân dân và dân tộc.
Đặt trong số phận dân tộc thì khát vọng của người trí thức trong xã hội phong kiến - thuộc địa tuyệt không thể xa lạ hoặc ra ngoài ước vọng chung của nhân dân. Đó là "làm thế nào cho được sống. Cơm! Áo! Sự an toàn. Tương lai của mình. Tương lai của các con. Sống! Sống! Tất cả sự quan hệ là ở đó. Phải làm thế nào cho được sống, được ngước mắt lên, được thở hít tự do cùng với tất cả mọi người...” như trong kết thúc "Sống mòn”.
Trí thức là những người tạo ra ý tưởng. Ý tưởng cần được tranh luận, nếu có sự khác biệt cũng cần được tôn trọng, phản biện một cách khoa học. Nếu chỉ tạo ra những con rối, những người ăn theo nói leo thì cần trí thức làm gì? |
Trí thức kiểu Nam Cao
Theo Giáo sư, sở dĩ nhân vật trí thức trong tác phẩm của Nam Cao luôn đặt ra những câu hỏi day dứt về nhân sinh quan là bởi chính nhà văn lớn của chúng ta suốt đời mang nặng một nỗi niềm như vậy, hay mọi trí thức trong thời đại mà Nam Cao đang sống đều chung tâm trạng như vậy?
- Các nhân vật trí thức của Nam Cao không ai không có lúc nuôi trong mình một ít ao ước và ham muốn cho đời sống tinh thần - nó là một cái gì rộng hơn chuyện cơm áo, vượt ra khỏi bản thân để có chút gì đóng góp cho nhân quần, dẫu chỉ trong vai một nhà giáo để cải thiện môi trường học vấn cho đám học trò nghèo, hoặc một nhà văn có tác phẩm được người đọc để ý...
"Thứ vẫn không thể nào chịu được rằng sống chỉ là làm thế nào cho mình và vợ con mình có cơm ăn, áo mặc mà thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quí hơn nhiều. Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi phải để lại một chút gì cho nhân loại”. Câu chuyện "Sống mòn” vì thế trở thành một ám ảnh, một nhận thức, một phát hiện của Nam Cao để trở thành cái riêng trong bức tranh hiện thực Nam Cao, trong hình ảnh của người trí thức kiểu Nam Cao.
Học sinh, sinh viên luôn có lòng yêu nước nồng nàn
Ảnh: T.L
Những người chân chính không ai làm người "đốt đền”
Vậy thì thưa Giáo sư, trí thức bây giờ có gì chung và riêng so với hình ảnh "trí thức kiểu Nam Cao”?
- Nhân vật trí thức của Nam Cao luôn có những khát vọng rất cao, nhưng bao giờ cũng bị áo cơm chèn sát đất. Một thể chế chính trị ưu việt phải biết luôn luôn chăm lo cho sự kết tinh, thăng hoa và cất cánh ở những cá thể, những tài năng lớn. Nếu không làm được thì thiệt thòi cho dân tộc đó.
Bệ đỡ của nhà văn - trí thức hiện nay so với các bậc tiền bối là cao hơn rất nhiều và cạnh tranh khốc liệt hơn. Hãy thử hình dung, phong trào Thơ mới trước 1945 chỉ có vài chục người, còn văn học hiện thực thì dăm bảy người nên nếu có cạnh tranh cũng chỉ trong phạm vi như thế. Như vậy đâu có nhiều. Bây giờ hàng nghìn người, không chỉ có ở trong nước mà còn là cả trong khu vực và thế giới. Bạn đọc bây giờ cũng khó tính hơn. Như vậy môi trường cạnh tranh bây giờ khó hơn rất nhiều so với trước. Thành ra việc nhìn ra một bản lĩnh, xác định một cá tính sáng tạo bây giờ cũng khó hơn trước. Tự anh phải ghê gớm lắm mới thành người nổi bật. Bây giờ nổi lên rất khó nhưng lại có mặt trái: gây xì căng đan thì rất dễ. Nhưng những người chân chính thì họ không làm những trò "đốt đền” như thế, vì chả hay ho gì. Bây giờ trí thức có bản lĩnh là rất quý.
Trí thức phải được tin và tôn trọng
Nhưng phẩm chất chung của trí thức chân chính thì hình như thời nào cũng thế, thưa ông?
- Trí thức cũng có nhiều kiểu. Nhưng trí thức chân chính bao giờ cũng đều tâm huyết với đất nước. Phải tin ở họ và phải tôn trọng họ. Trí thức phải được nghe, tránh dùng họ làm "vườn hoa cây cảnh”, tránh hình thức. Trí thức về cơ bản là yêu nước và yêu dân. Mà yêu dân là rất quan trọng.
Trí thức Việt Nam yêu nước nồng nàn
Và trong thực tế, trí thức đã từng dấn thân vì đất nước, vì nhân dân?
- Nguyễn Thi chết ở chiến trường. Nam Cao cũng hi sinh. Và còn bao nhiêu người hi sinh như thế. Lúc nào dân tộc cần là mọi trí thức văn nghệ sĩ sẵn sàng hi sinh xương máu.
Có thể nói, trí thức Việt Nam yêu nước ghê gớm, đừng có ai phủ định điều đó. Điều này giải thích vì sao, 1000 năm Bắc thuộc ta vẫn lấy lại được nước, 1000 năm họ không đồng hóa được mình, mình chỉ thua một lần - đó là với nhà Minh, nhưng cũng chỉ 20 năm sau, Nguyễn Trãi và Lê Lợi lấy lại được nước. Lịch sử dài rộng của đất nước mình như thế, không lúc nào là không có cuộc chiến. Vì thế, nó thấm vào máu rồi, giờ động đến vấn đề biển đảo ai nấy đều rạo rực cả lên. Cho nên, đừng bao giờ nghi ngờ lòng yêu nước của người trí thức. Tất nhiên, cái thiểu số bao giờ cũng có, nhưng những Trần Ích Tắc thì ít thôi.
Trong tâm thế và bối cảnh ấy, người nghệ sĩ sẵn sàng hi sinh nghệ thuật, gác lại nguyện vọng cá nhân để làm việc cho đất nước. Ta nhớ rằng, Nam Cao đã hi sinh khát vọng viết những tác phẩm lớn để viết những câu chuyện mà đồng bào dân tộc đọc cũng hiểu được. Ông đã nén tác phẩm "Chuyện biên giới” hàng trăm trang xuống còn ba, bốn chục trang cho dễ đọc, dễ nhớ. Trong nhật ký "Ở rừng" Nam Cao kể rằng, mỗi khi viết xong đều đưa cho một chú giao thông người Thổ, tên là Mộc đọc, chỗ nào không hiểu thì sửa. Đối với tác giả "Sống mòn” và "Chí Phèo” thì hẳn đó là sự hi sinh rất lớn.
Thứ nhất họ cần được sống, sống trung bình như nhân dân của họ chứ không phải sống xa hoa phè phỡn. Ta cần quan tâm xem hiện họ sống thế nào? Có đủ sống không? Khi cuộc sống khó khăn, không đủ sống thì họ cũng phải hèn đi, phải tìm cách kiếm tiền. |
Cần có một loại huân chương riêng để tôn vinh trí thức
Thưa Giáo sư, ý ông là việc ứng xử với trí thức rất quan trọng để có thể "thăng hoa” được những tài năng lớn?
- Trí thức theo tôi có ba yêu cầu lớn: Thứ nhất, họ cần được sống, sống trung bình như nhân dân của họ, chứ không phải sống xa hoa phè phỡn. Ta cần quan tâm xem hiện họ sống thế nào? Có đủ sống không? Khi cuộc sống khó khăn, không đủ sống thì họ cũng phải hèn đi, phải tìm cách kiếm tiền.
Thứ hai, trí thức cần được phát triển nghề nghiệp, cần được tôn trọng. Trí thức là những người tạo ra ý tưởng. Ý tưởng cần được tranh luận, nếu có sự khác biệt hoặc đối lập cũng cần được tôn trọng, phản biện một cách khoa học. Nếu chỉ tạo ra những con rối, những người ăn theo nói leo thì cần trí thức làm gì?
Và thứ ba, họ cũng mong được tôn vinh, khẳng định. Tôn vinh một cách đích đáng chứ đừng bắt họ phải "chạy”, phải "xin”. Họ làm được gì thì phải được công nhận. Chứ cơ chế phải có đơn "xin” mới "cho” thì họ thấy nhục, nhục vô cùng. Nhiều trí thức có tự trọng họ không viết đơn xin, không làm hồ sơ là vì thế.
Tôi đề nghị cần có một loại huân chương riêng để tôn vinh giới trí thức.
Cuộc đời con người ta phải sống với cộng đồng nhân quần trong ba mối quan hệ: chính trị, kinh tế và văn hóa. Ba cái này đều cần những chuyên gia lớn và có mối quan hệ luôn ràng buộc với nhau. Lần đầu tiên mối quan hệ ấy được đề cập trong "Đề cương văn hóa 1943”. Lần đầu tiên ý thức được vấn đề lớn như thế là Đảng Cộng sản Việt Nam, và chính nhờ cái Đề cương này mà từ năm 1943 đến giờ dân tộc mình vẫn phát triển được. Tuy vậy, trong phát triển cũng có những chỗ lấn cấn. Trước đây mối quan tâm chính là mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa, bây giờ nổi lên mối quan tâm giữa kinh tế và văn hóa. Ở đây nảy ra nhiều vấn đề do sự mất cân đối giữa kinh tế và văn hóa.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
(Theo daidoanket.vn)