|
Hà Nội hiện có 14 cơ sở giáo dục công lập thực hiện thí điểm mô hình dịch vụCLC. Ảnh: Chí Cường. |
Theo dự thảo của cơ chế tài chính trên, Hiệu trưởng
các trường được tự quyết định mức thu học phí trong khung thành phố quy
định. Tuy nhiên, “mức khung” sẽ được thành phố điều chỉnh tăng hàng năm
nếu Nhà nước tăng lương tối thiểu hoặc chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu
dùng) tăng trên 20%.
Bất cập từ thí điểm
Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay ngành Giáo dục thành
phố đã thực hiện thí điểm 14 trường công lập theo hướng mô hình dịch vụ
CLC. Cụ thể: Khối mầm non (9 trường) gồm Mầm non B Hà Nội, Mẫu giáo Việt
Triều hữu nghị, Mầm non 20/10, Mẫu giáo Tuổi thơ, Mẫu giáo Quang Trung,
Mầm non Bà Triệu, Mầm non A (Q.Hoàn Kiếm), Mầm non Việt-Bun (Q.Hai Bà
Trưng), Mầm non Mai Dịch (Q.Cầu Giấy); Cấp tiểu học (2 trường) là Trường
tiểu học Tràng An (Q.Hoàn Kiếm), tiểu học Tiền Phong (H.Gia Lâm); Cấp
THCS (2 trường) gồm THCS Cầu Giấy và THCS Từ Liêm; Khối THPT có 1 trường
là THPT Phan Huy Chú.
Thành phố Hà Nội đánh giá, việc thực hiện thí điểm
bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan, chất lượng giáo dục có
tiến bộ rõ rệt, nội dung, phương pháp giáo dục có nhiều đổi mới phù hợp
với mục tiêu giáo dục và nhu cầu người học. Tuy nhiên, các quy định cụ
thể, các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình,
phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục CLC, quy định bổ sung chương
trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình giáo dục… vẫn chưa được phê
duyệt nên việc thực hiện còn lúng túng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của
một số trường đang thực hiện thí điểm mô hình dịch vụ CLC chưa được đầu
tư hiện đại để đáp ứng được các tiêu chuẩn cao nhất về tiêu chuẩn đánh
giá trường học do Bộ GD&ĐT quy định.
Về cơ chế tài chính, thành phố cũng chỉ ra bất cập
khi một số nội dung quan trọng vẫn chưa được quy định rõ như: thẩm quyền
quy định mức thu; việc gắn kết giữa mức thu với CLC tương ứng; cơ chế
điều chỉnh mức thu khi nhà nước có chính sách thay đổi tiền lương hoặc
chỉ số CPI tăng cao.
|
Khung học phí tính cho năm học đầu tiên 2013-2014. |
Không thu thêm khoản khác ngoài học phí
Nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục của
Thủ đô, khắc phục những hạn chế sau khi thực hiện việc thí điểm trường
CLC, Sở GD&ĐT được thành phố giao chủ trì xây dựng cơ chế tài chính
áp dụng với các cơ giáo dục trên.
Dự thảo quy định rõ thẩm quyền quyết định mức thu:
Hiệu trưởng cơ sở giáo dục CLC căn cứ tiêu chí cấp độ đã được kiểm định
của đơn vị mình, tự quyết định mức thu học phí (trong khung mức thu
thành phố quyết định) báo cáo, xin ý kiến thỏa thuận của các cơ quan
quản lý cấp trên (UBND quận, huyện hoặc Sở GD&ĐT theo phân cấp) công
bố công khai cùng cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo chương
trình quy định của thành phố vào đầu năm học (bắt đầu từ năm học 2013 -
2014).
Cũng theo dự thảo, khung mức thu được UBND thành phố
quyết định điều chỉnh hàng năm trong các trường hợp: Nhà nước có quy
định điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu trong các cơ quan hành chính
sự nghiệp hoặc chỉ số CPI tăng trên 20%.
Cơ quan xây dựng dự thảo cho biết, học phí trong các
trường CLC được xác định theo các nguyên tắc: Thu học phí thực hiện giáo
dục CLC là phần chi trả thêm (ngoài ngân sách cấp chi thường xuyên theo
định mức và học phí phổ thông theo các văn bản hiện hành) để đảm bảo
thực hiện các chương trình CLC; Được thu trên cơ sở thỏa thuận và tự
nguyện của gia đình học sinh, không vì mục đích lợi nhuận.
Cơ quan xây dựng dự thảo nhấn mạnh: Thu học phí cao
để có thể đầu tư tốt hơn cho sự nghiệp trồng người, nâng cao dịch vụ,
chất lượng giáo dục, tiến tới hội nhập quốc tế. Ngoài khoản thu học phí
này, các cơ sở giáo dục CLC không được thu thêm khoản thu nào khác.
(Theo giadinh.net.vn)