Thời trang Việt, đặc biệt là trang phục và phục sức của
cha ông qua hơn 4000 năm văn hiến vẫn là một đề tài còn nhiều bỏ ngõ,
bởi đến nay có rất ít công trình nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề này.
Tuy nhiên, tham khảo những nghiên cứu sơ lược của các nhà sử học, có thể
khẳng định trang phục Việt từ thời khai hoang mở nước cho đến cuối
triều Nguyễn luôn kế thừa và biến đổi theo biến động lịch sử. Nếu trang
phục của tầng lớp quý tộc mang nhiều đường nét, hơi hướng của giai cấp
phong kiến Trung Hoa, thì trang phục của người dân lao động lại thể hiện
nét thẩm mỹ độc đáo, là tinh hoa văn hóa dân tộc qua hàng ngàn năm hình
thành và phát triển đất nước.
Dấu ấn lịch sử trên trang phục
Điểm qua các giai đoạn phát triển của lịch sử nước ta, sẽ thấy rất rõ
mỗi giai đoạn đều có những dấu ấn về trang phục rất riêng và hàm chứa
nhiều ngạc nhiên thú vị.
Thời Hùng Vương: Khác với nhiều tranh ảnh, sách truyện
thường minh họa trang phục phổ biến thời này là nam cởi trần, đóng khố
bằng lá cây, nữ mặc yếm và váy ngắn khá sơ khai, theo nhiều khảo sát có
cơ sở khoa học vững chắc, các nhà nghiên cứu đã khẳng định ngay từ thời
kỳ đầu mở nước, nghệ thuật dệt vải đã ở trình độ cao, với ít nhất hai
loại vải dệt từ cây và sợi.
Những hoa văn trên mặt trống đồng hay hình khắc trên cán dao bằng
đồng có từ thời kỳ này cho thấy phục trang Việt đã được định hình rất rõ
nét. Đây cũng chính là căn nguyên cho bản sắc văn hóa thể hiện trong y
phục truyền thống của người Việt Nam hiện nay. Theo đó, cả trang phục nữ
giới và nam giới đều đã được phân biệt rõ rệt, trong đó trang phục dành
cho phái nữ phong phú và mang giá trị nghệ thuật hơn cả.

Những hoa văn trên mặt trống đồng đã cho đời sau hình dung khá rõ nét về trang phục dân tộc ngay từ những ngày đầu mở nước
Phụ nữ thời Hùng Vương thường mặc áo ngắn đến bụng, xẻ ngực, bó sát
vào người, phía trong mặc yếm kín ngực có cổ tròn sát cổ, trang trí thêm
hình những tấm hạt gạo. Cũng có những loại áo cánh ngắn, cổ vuông, để
hở một phần vai và ngực hoặc kín ngực, hở một phần vai và trên lưng. Hai
loại sau có thể là loại mặc chui đầu hay cài khuy bên trái. Trên áo đều
có hoa văn trang trí. Thắt lưng có ba hàng chấm trang trí cách đều nhau
quấn ngang bụng...
Tiền thân của tà áo dài hiện đại và đặc trưng trang phục của người
Việt là búi tóc, áo cài bên tả (khác với Trung Hoa là vắt vạt áo bên
hữu) cũng được xem là đã xuất hiện từ thời kỳ này.
Thời Ngô – Đinh – Tiền Lê: Đến thời kỳ này, ngành dệt may đã
có những bước phát triển vượt bậc, với sự xuất hiện của hàng loạt các
chất liệu vải khác nhau như vải bông thô, vải đay, vải gai, vải cát bá
loại mịn, lụa…, đặc biệt là các loại vải được dệt từ tơ tre, tơ chuối,
trong đó loại vải dệt từ tơ chuối có tên gọi là vải Giao Chỉ rất nổi
tiếng. Đồng thời, nghệ thuật thêu cũng ngày càng tinh tế, mang đến những
tác phẩm nghệ thuật có giá trị, như khăn bông thêu rất đẹp được biết
đến với tên gọi “Bạch Diệp”.
Cùng với sự phát triển của xã hội, quan niệm về cái đẹp, thẩm mỹ và
thời trang cũng không ngừng tiến bộ. Các loại trang sức ngày càng phong
phú và đa dạng hơn trước, với các loại vòng tay, nhẫn, hoa tai, trâm…
được chế tác hết sức tinh xảo bằng nhiều chất liệu quý: vàng, bạc, hổ
phách, thủy tinh….
Đây cũng là thời kỳ mà chế độ phong kiến đã bắt đầu bước vào giai
đoạn ổn định, do đó các loại trang phục phân biệt từng tầng lớp giai cấp
ngày càng hình thành rõ nét.
Thời Lý: Là một trong những giai đoạn cực thịnh của triều
đại phong kiến, vua thời Lý đã ban hành những quy định về phục trang để
phân biệt giữa các tầng lớp nhân dân và quan lại. Nhà vua còn thể hiện
tinh thần tự lập tự cường của dân tộc qua việc không dùng gấm vóc của
triều Tống để may lễ phục mà sử dụng các chất liệu vải trong nước.
Điểm nổi bật nhất trong trang phục thời này là sự phát triển sang một
cấp độ mới của hoa văn trang trí, không còn là những hình ảnh đơn giản
và thô sơ, các hoa văn hình xoắn, hình móc… được thêu tinh xảo trên
trang phục, thể hiện sự giao hòa đầy ý nghĩa giữa thiên nhiên và cuộc
sống con người.

Tục nhuộm răng đen của ông bà ta đã xuất hiện rất phổ biến từ thời Trần
Thời Trần: Điểm nổi bật nhất trong triều đại nhà Trần chính
là 3 lần đánh bại giặc xâm lược Nguyên – Mông. Do liên tiếp phải đối đầu
với những kẻ thù hùng mạnh, nên tâm lý sẵn sàng “quyết tử cho tổ quốc
quyết sinh” luôn thường trực trong cuộc sống quân dân thời Trần, ảnh
hưởng đến cả phục sức và quan niệm thẩm mỹ của cả dân tộc.
Bên cạnh tập tục xăm lên mình hai chữ “Sát thát” đã trở thành huyền thoại, người dân Đại Việt còn xăm lên bụng những chữ “Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc” vừa
thể hiện tinh thần báo đền ơn nước, vừa thể hiện quan điểm thẩm mỹ lúc
bấy giờ. Với phụ nữ, trang phục thường là áo tứ thân, đàn ông thường để
mình trần hoặc mặc áo tứ thân, quần mỏng bằng lụa thâm, màu sắc của hai
giới cũng rất giản dị, thường là màu đen. Tục nhuộm răng đen bắt đầu phổ
biến.
Thực tế luôn phải đối đầu với giặc ngoại xâm đã không cho phép sự cầu
kỳ trên phương diện thời trang, thế nên dễ hiểu vì sao giai đoạn này,
trang sức và trang phục đều cực kỳ đơn giản, phụ nữ không trang điểm
diêm dúa, vua quan ăn mặc giản dị… Đáng quý nhất là tinh thần độc lập tự
chủ thể hiện trong việc nhà Trần không quy định màu sắc trang phục theo
quan điểm Khổng giáo coi trọng chính sắc, mà vẫn dùng các màu gián sắc
như màu tía, màu hồng, biếc, lục… để may mặc cho quan các cấp.
Thời Lê Mạc: Trang phục trong triều đại này đã rất gần với
chiếc áo tứ thân, vấn khăn mỏ quạ của phụ nữ làng quê Việt Nam vào thế
kỷ 19-20, với sự xuất hiện của “mốt” để tóc dài, vấn khăn, rẽ đường ngôi
giữa, mặc áo dài tứ thân cổ tròn, thắt lưng buông dài trước bụng, váy
dài và rộng. Thời trang hơn, phụ nữ quý tộc còn mang những dải xiêm
nhiều màu sắc rủ xuống chân, góp phần mang lại vẻ đẹp yểu điệu, thướt
tha. Trang sức cũng ngày càng đa dạng hơn về kiểu dáng, màu sắc, với
vòng tay tròn dẹt, hoa tai hình quả bầu, hình hoa sen hay khuyên tròn
đẹp mắt.
Thời Nguyễn: Đời sống xã hội trong thời kỳ này có ảnh hưởng
không nhỏ đến trang phục của người dân. Nếu như trang phục của tầng lớp
thống trị ngày càng bị “pha tạp” theo lối đua đòi cải cách nửa mùa, thì
trong xã hội, những phục trang truyền thống như áo dài, áo yếm, áo tứ
thân, khăn mỏ quạ, nón quai thao… đã trở thành hơi thở và là kết tinh
văn hóa của cả dân tộc. Trong khi chiếc yếm đào vượt khỏi chốn cung đình
để cùng người phụ nữ cần lao “dầm mưa dãi nắng” ngoài đồng ruộng, hay
cùng áo tứ thân lượt là trong những buổi hội Lim, thì thời trang phương
Tây với những chiếc váy xòe, những chiếc đầm cách tân hiện đại cũng dần
du nhập và được phụ nữ quý tộc trẻ ưa chuộng, trong đó Hoàng hậu Nam
Phương – vị hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam, là
người rất thích mặc trang phục Tây phương và mặc rất đẹp.
Hoàng hậu Nam Phương, vợ vua Bảo Đại vốn là một trí thức Tây học,
từng ba năm liền đoạt giải hoa hậu Đông Dương, nên dễ hiểu vì sao bà lại
thu hút mọi ánh nhìn ngưỡng mộ khi khoác lên mình những bộ váy trang
nhã và sang trọng (hình a,b).
Trang phục truyền thống Việt: kết tinh của hơn 4000 năm lịch sử



Nét
duyên dáng, quyến rũ của các cô gái xứ Bắc với yếm đào, áo tứ thân hay
khăn mỏ quạ đã khiến bao chàng trai xao xuyến, thẫn thờ
Yếm đào, áo tứ thân: Mặc dù yếm đào đã xuất hiện từ xa xưa,
nhưng đến thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn, chiếc yếm mới trở thành một trong
những loại “quốc phục” được cả dân tộc nâng niu, trân trọng. Chiếc yếm
chính là hiện thân đầy quyến rũ, gợi cảm của nét đẹp phụ nữ Việt Nam. Có
nhiều loại yếm như yếm cô viên cổ tròn, yếm cổ xẻ hình chữ V, yếm cổ
cánh nhạn, yếm cổ xây… Đặc biệt là loại yếm “đeo bùa” là một “vũ khí lợi
hại” mang đến nhiều vấn vương cho người đối diện bởi mùi xạ hương
thoang thoảng được giấu bên trong yếm. Vào những ngày lễ tết, chiếc yếm
màu sắc giản dị nâu non, trắng… được thay bằng các màu sắc rực rỡ, tươi
sáng như yếm điều màu đỏ, yếm đào, yếm thắm.
Cùng với chiếc yếm đào là tà áo tứ thân tha thướt và duyên dáng.
Chiếc áo tứ thân ra đời do kỹ thuật dệt vải ngày xưa còn thô sơ nên hàng
vải dệt ra có khổ hẹp, chừng 40 cm, muốn may thành áo phải ráp bốn mảnh
thân lại với nhau. Chiếc áo tứ thân còn gọi là áo Giao Lãnh xưa – tức
là loại áo khi mặc hai thân trước giao nhau mà không buộc lại, sau vì
phải làm việc đồng áng, buôn bán… nên các mẹ, các chị “cải biên” lại
thành áo tứ thân cho tiện lợi.
Có nhiều loại áo tứ thân, nhưng thường người ta hay bắt gặp loại áo
tứ thân buông tà hay thắt vạt trên đồng, trên nương hay họp chợ…, còn
loại áo mớ ba, mớ bảy thường được chị em ưu ái chọn để làm duyên trong
các dịp hội hè, đình đám. Áo tứ thân mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về nhân
sinh quan và tình cảm con người, với bốn thân áo tượng trưng cho tứ thân
phụ mẫu, hai tà trước buộc lại với nhau tượng trưng cho tình nghĩa vợ
chồng âu yếm, khắng khít bên nhau. Áo thường được may bằng các chất liệu
như vải chúc bâu, diêm bâu, dôi, vải rồng Nam Định, vải the, lụa,
nhiễu….
Khăn mỏ quạ, nón quai thao: Đi liền với chiếc áo tứ thân
luôn là hình ảnh của mái tóc đuôi gà, vấn khăn mỏ quạ và nón quai thao.
Để vấn khăn mỏ quạ đẹp cần phải có sự khéo léo và khiếu thẩm mỹ cao.
Khăn mỏ quạ phải chít sao cho vừa và hợp với khuôn mặt, bởi nếu chít cao
quá thì khuôn mặt trông có vẻ điêu ngoa, còn để mỏ quạ thấp quá làm
khuôn mặt tối tăm. Khăn mỏ quạ chít khéo sẽ khum khum và ôm lấy khuôn
mặt người con gái, làm cho khuôn mặt trắng hồng nổi bật trên nền đen của
khuôn khăn, giống như một búp sen hồng làm ngây ngất lòng người khác
phái.
Đội trên chiếc khăn mỏ quạ là chiếc nón quai thao. Đây là loại nón
mắc tiền, đẹp và sang trọng, thường chỉ dùng vào dịp lễ tết, đình đám.
Có ba loại nón quai thao: nón Đấu là loại nhỏ nhất, sườn thành thấp
nhất; Nón Nhỡ, còn gọi là nón Ngang, lớn hơn nón Đấu, giản dị hơn nón
Mười và nón Mười, còn gọi là nón ba tầm, có vành rộng, sườn nón cao hơn
hết. Chiếc nón quai thao từ lâu đã góp phần mang đến vẻ đẹp dịu dàng đầy
nữ tính cho chị em phụ nữ, đúng như câu ca dao “Ai làm chiếc nón quai thao; Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”.


Hình ảnh thiếu nữ duyên dáng trong chiếc áo dài đã trở thành niềm cảm hứng muôn thuở cho rất nhiều tác phẩm thi ca, hội họa
Áo dài: Nhắc đến trang phục truyền thống Việt Nam, chắc chắn
phải đề cập đến áo dài, vốn đã trở thành “quốc phục” tượng trưng cho
tinh hoa dân tộc. Chiếc áo dài có tuổi đời rất lâu năm, ngay trên mặt
trống đồng và hiện vật Đông Sơn người ta đã tìm thấy hình ảnh của chiếc
áo dài tha thướt. Truyền thuyết kể lại rằng khi cưỡi voi xông trận, Hai
Bà Trưng đã mặc áo dài hai tà giáp vàng, che lọng vàng. Do tôn kính hai
bà, phụ nữ Việt xưa tránh mặc áo hai tà mà thay bằng áo tứ thân.
Đến thế kỷ 19,20, áo dài bắt đầu trở thành thứ trang phục không thể
thiếu trong đời sống xã hội Việt, từ các bà hoàng, công chúa trong hoàng
cung với các kiểu áo dài được may trang trọng, quý phái bằng chất liệu
gấm, thêu chỉ vàng… đến các bà, các cô vận áo dài đến trường, đến công
sở, ra chợ, dạo phố. Một thời gian dài trong thế kỷ 19-20, áo dài đã trở
thành một loại thường phục được nam phụ lão ấu trên đất Việt yêu
chuộng. Trải qua nhiều biến động lịch sử, cùng với sự du nhập của
khuynh hướng thời trang phương Tây, áo dài đã có nhiều cải tiến theo
từng trào lưu nhất định. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ trào lưu cải cách nào,
từ áo dài Le Mur, áo may dạng chít eo hay cổ thuyền theo “mốt” Trần Lệ
Xuân đến các loại áo dài vạt dài sát đất như hiện nay, áo dài vẫn chứng
tỏ khả năng bất biến mà không phải loại trang phục nào cũng làm được: đó
là tôn lên vóc dáng và nét đẹp quyến rũ dịu dàng cho người phụ nữ.
Như vậy, qua hàng ngàn năm văn hiến, cùng với sự biến động của lịch
sử, đặc trưng trang phục dân tộc qua từng thời kỳ cũng có nhiều thay
đổi. Tuy nhiên, vượt qua mưu đồ đồng hóa của quân xâm lược Trung Hoa,
trang phục Việt nói riêng và nền văn hóa Việt Nam nói chung vẫn giữ được
những nét đẹp riêng độc đáo, trong đó không thể không kể đến những tinh
hoa văn hóa kết tinh trên những bộ “quốc phục” mang đậm nét thẩm mỹ và
ứng dụng cao như vừa nêu trên.
Đón đọc kỳ 2: Sức sống mãnh liệt từ… thổ cẩm vào 7h sáng ngày 18/4
(Theo khampha.vn)